Trẻ em mang thai ở Zimbabwe tăng báo động: Những bà mẹ tuổi 13

19/01/2022 - 06:01

PNO - Số lượng trẻ em gái và thanh thiếu niên mang thai ở Zimbabwe tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch.

 

Virginia Mavhunga, một bà mẹ thiếu niên 13 tuổi, cùng cha mẹ bán trái cây và rau quả ven đường ở Murehwa, cách thủ đô Harare của Zimbabwe 80 km (50 dặm) về phía đông bắc, Thứ Sáu, ngày 12 tháng 11 năm 2021. (Ảnh AP / Tsvangirayi Mukwazhi)
Virginia Mavhunga, một bà mẹ 13 tuổi

Bên trong một ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn Zimbabwe, một đứa trẻ 3 tháng tuổi đang khóc. Mẹ của em, Virginia Mavhunga, phải đi bán trái cây và rau quả ven đường, sau đó nấu ăn, dọn dẹp, giặt quần áo... “Đó là cuộc sống của tôi bây giờ, mỗi ngày,” bà mẹ trẻ nói.

Ngoài những công việc thường ngày, Virginia còn phải chuẩn bị cho bốn đứa em đến trường và giúp chúng làm bài tập về nhà. Đó là những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Virginia - bởi vì, ở tuổi 13, cô cũng muốn đi học.

Virginia là một trong những trường hợp mang thai ở trẻ em gái và thanh thiếu niên được báo cáo ở Zimbabwe trong thời kỳ đại dịch. Zimbabwe từ lâu đã phải vật lộn với những vụ mang thai và tảo hôn như vậy. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cứ 3 cô gái ở nước này thì có 1 cô gái kết hôn trước 18 tuổi, nhiều người mang thai ngoài ý muốn do thực thi pháp luật lỏng lẻo, tình trạng nghèo đói phổ biến và các tập quán văn hóa và tôn giáo.

 

Virginia Mavhunga, một bà mẹ thanh thiếu niên 13 tuổi, chơi với con tại ngôi nhà nông thôn của cô ở Murehwa, cách thủ đô Harare của Zimbabwe 80 km (50 dặm) về phía đông bắc, Thứ Sáu, ngày 10 tháng 12 năm 2021. (Ảnh AP / Tsvangirayi Mukwazhi)
Virginia Mavhunga đang chơi đùa cùng con trai nhỏ của mình

Cho phép nữ sinh mang thai đi học

Sự lây lan của COVID-19 đã làm tình trạng trẻ mang thai sớm gia tăng. Đất nước 15 triệu dân này đã áp đặt một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 3/2020, đóng cửa các trường học trong 6 tháng. Đặc biệt, các em gái bị bỏ rơi và không được tiếp cận với các biện pháp tránh thai và phòng khám. Những rắc rối của các gia đình nghèo khó càng khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

"Nhiều cô gái trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục hoặc kết hôn và mang thai như một cách thoát nghèo", Taungana Ndoro, một quan chức giáo dục ở Zimbabwe, cho biết.

Tháng 8/2020, chính phủ Zimbabwe đã cho phép học sinh mang thai đến trường. Các nhà hoạt động và chính quyền ca ngợi động thái này là một bước tiến quan trọng của quốc gia đang phát triển, nhưng cho đến nay, chính sách mới phần lớn đã thất bại. Hầu hết các em gái vẫn chưa trở lại trường học, với lý do gia đình gặp khó khăn về kinh tế, các chuẩn mực văn hóa sâu sắc, cũng như sự kỳ thị và bắt nạt trong lớp.

Điển hình như Virginia, cô bé đã cố gắng trở lại trường học khi đang mang thai. Các quan chức đã động viên cô và cha mẹ cô. Nhưng cô bé lại là tâm điểm của những trò đùa và là chủ đề bàn tán trong một cộng đồng không quen nhìn thấy một cô gái mang thai trong bộ đồng phục học sinh.

"Mọi người cười nhạo tôi. Một số người chế giễu: "Cái bụng sao thế này?", cô nói khi nhìn vào bức ảnh của mình trong bộ đồng phục màu tím. Cô đã bán bộ đồng phục đó với giá 2 USD.

Virginia cho biết cô hy vọng người đàn ông lớn tuổi mà cô đã quan hệ sẽ kết hôn với cô. Nhưng bất chấp những lời hứa ban đầu, cuối cùng anh ta vẫn phủ nhận. Cô và gia đình đã không theo đuổi vụ án hiếp dâm theo luật định mặc dù luật pháp Zimbabwe quy định độ tuổi chấp thuận quan hệ là 16.

Theo luật, những người bị kết tội quan hệ tình dục hoặc "một hành động không đứng đắn" với bất kỳ ai dưới 16 tuổi có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù lên đến 10 năm. Nhưng hầu hết các vụ kiện không bao giờ đi xa được như vậy. Cảnh sát Paul Nyathi cho biết, từ lâu, các gia đình và quan chức đã cố gắng “xóa sổ các vụ án... cưỡng ép kết hôn với trẻ vị thành niên”.

Nyathi cho biết, các gia đình thường cố gắng thương lượng với kẻ phạm tội, gây áp lực buộc hắn phải kết hôn với cô gái và đưa gia súc hoặc tiền bạc cho gia đình. Sau đó, họ đồng ý không báo cáo vụ việc với cảnh sát.

 

Virginia Mavhunga, một bà mẹ thiếu niên 13 tuổi, cùng cha mẹ bán trái cây và rau quả ven đường ở Murehwa, cách thủ đô Harare của Zimbabwe 80 km (50 dặm) về phía đông bắc, Thứ Sáu, ngày 12 tháng 11 năm 2021. (Ảnh AP / Tsvangirayi Mukwazhi)
Virginia Mavhunga cùng cha mẹ bán trái cây và rau quả ven đường ở Murehwa, cách thủ đô Harare của Zimbabwe 80km 

Zimbabwe đã có số liệu về tình trạng mang thai ở trẻ em gái bỏ học với sự gia tăng đáng báo động, nhưng các quan chức cho biết họ cũng chỉ có thể phản ánh một số lượng nhỏ vì nhiều cô gái bỏ nhà đi mà không đưa ra lý do.

Năm 2018, cả nước có khoảng 3.000 trẻ em gái bỏ học vì mang thai. Năm 2020, con số này đã tăng lên khi có đến 4.770 học sinh mang thai rời trường. Và vào năm 2021, con số này đã tăng vọt, theo Bộ trưởng phụ nữ Sithembiso Nyon, có khoảng 5.000 học sinh, sinh viên mang thai chỉ trong hai tháng đầu năm.

 

Một người hướng dẫn giảng dạy trong một buổi đào tạo do hiệp hội Medecins Sans Frontieres (MSF) thực hiện để truyền đạt Kỹ năng sống như làm móng tay và làm xà phòng nước ở thị trấn Mbare nghèo đói của Harare, Thứ Năm, ngày 11 tháng 11 năm 2021. (Ảnh AP / Tsvangirayi Mukwazhi )
Một người hướng dẫn giảng dạy, truyền đạt "kỹ năng sống" như làm móng tay và làm xà phòng nước cho trẻ em gái ở thị trấn Mbare nghèo đói 

Tại châu Phi, không chỉ Zimbabwe mà các quốc gia khác như Botswana, Namibia, Lesotho, Malawi, Madagascar, Nam Phi và Zambia đều ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp bạo lực tình dục và giới tính. Theo Liên Hiệp Quốc, châu lục này có tỷ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên cao nhất thế giới.

Trước tình trạng này, Zimbabwe và một số quốc gia khác hiện đã có luật hoặc chính sách để bảo vệ việc giáo dục trẻ em gái khi đang mang thai. Sự thay đổi luật của Zimbabwe đã tạo cơ hội cho các nhân viên cộng đồng khuyến khích các em gái trở lại trường học. Thông qua một nhóm thúc đẩy quyền của trẻ em gái, Tsitsi Chitongo đã tổ chức các cuộc họp cộng đồng và gõ cửa từng nhà để nói chuyện với các gia đình ở vùng nông thôn, hẻo lánh.

Nhưng sự thiếu nhiệt tình từ gia đình các em khiến cô giật mình. Đến tháng 11, nhóm của cô chỉ thuyết phục được một đứa trẻ quay trở lại trường học. "Nhưng cô gái đó chỉ học được một tuần ở trường", Chitongo nói, "Cô bé nhận thấy sự phản kháng từ các phụ huynh. Hầu hết các bậc cha mẹ vẫn còn chìm đắm trong cách làm việc cũ. Họ thích để đứa trẻ kết hôn, ngay cả khi chúng dưới 18 tuổi. Họ nói với chúng tôi rằng họ đã rất vất vả để chăm sóc gia đình của mình và không thể nuôi thêm miệng ăn khi con gái sinh nở. Vì vậy, trẻ em gái nên đi ra khỏi nhà".

"Một số trường học cũng không khuyến khích nữ sinh quay trở lại, bất chấp sự thay đổi gần đây". Chitongo nói thêm. “Đôi khi các hiệu trưởng nói với chúng tôi rằng họ không hiểu rõ chính sách hoạt động như thế nào và họ từ chối nhận. Họ cũng phàn nàn rằng các cô gái mang thai không tập trung. Một số chỉ đơn giản nói rằng trường học đã đầy”.

 

Một bà mẹ tuổi teen quan sát buổi tập huấn do hiệp hội Medecins Sans Frontieres (MSF) thực hiện để truyền đạt Kỹ năng sống như làm móng tay và làm xà phòng lỏng ở thị trấn Mbare nghèo đói ở Harare, thứ Năm, ngày 11 tháng 11 năm 2021. (Ảnh AP / Tsvangirayi Mukwazhi)
Một bà mẹ tuổi teen tại buổi tập huấn "kỹ năng sống" 

Thông thường các em gái không biết rằng mình có quyền được đi học. Sau đó, họ buộc phải tìm việc làm, thường là giúp việc nhà, để nuôi con. Hoặc họ tìm đến những người đàn ông với suy nghĩ người này sẽ nuôi họ.

Tanaka Rwizi, 16 tuổi, không thể nào đến trường được nữa. Cô đã bỏ học sau khi mang thai vào đầu năm ngoái. Cô sống với người chú thất nghiệp của mình trong một căn phòng đơn được ngăn bằng một tấm rèm. Mỗi thứ năm, cô tụ tập với các cô gái khác để tham gia chương trình của tổ chức từ thiện. Tanaka cho biết người đàn ông 20 tuổi đã hứa sẽ kết hôn với cô ngay khi cô đủ 18 tuổi. “Tôi không thể đợi lâu như vậy và dự định sẽ đến gặp anh ngay sau khi sinh con", Tanaka nói.

Grace Mavhezha, thuộc tổ chức Bác sĩ không biên giới, một câu lạc bộ dành cho các bà mẹ tuổi teen cung cấp các khóa học về kỹ năng sống để dạy họ cách kiếm sống, chẳng hạn như làm móng tay và làm xà phòng để bán.

Hơn 300 cô gái đã chọn chương trình này thay vì học chính thức vì họ cần một kỹ năng có thể giúp họ “nhanh chóng kiếm tiền”, Mavhezha nói. 

 

Tanaka Rwizi, một bà mẹ thiếu niên 16 tuổi đang mang thai, đứng trong hành lang nơi ở của cô ở thị trấn Mbare nghèo đói ở Harare, Zimbabwe, thứ Bảy ngày 13 tháng 11 năm 2021. (Ảnh AP / Tsvangirayi Mukwazhi)
Tanaka Rwizi tại nơi ở của cô - thị trấn Mbare nghèo đói ở Harare, Zimbabwe

Chương trình từ thiện trên có một phòng khám cung cấp các biện pháp tránh thai. Nhưng việc hạn chế đi lại đã khiến nhiều cô gái trẻ không tiếp cận được. Các nhân viên phòng khám cho biết nhiều trẻ em gái cần các dịch vụ như vậy vì cha mẹ họ bảo thủ, đã đánh đồng biện pháp tránh thai với mại dâm. Đề xuất cung cấp các biện pháp tránh thai trong trường học đã vấp phải sự phẫn nộ ở quốc gia bảo thủ và và ảnh hưởng tôn giáo sâu sắc này.

Yvette Kanenungo, một tình nguyện viên 20 tuổi, cho biết: “Các cô gái bị cấm sử dụng biện pháp tránh thai do truyền thống của cha mẹ họ rằng, họ không được quan hệ tình dục cho đến khi 20 tuổi hoặc kết hôn. Sự thật là các cô gái đã quan hệ tình dục rồi, nhưng không thể tự do dùng các biện pháp tránh thai vì sắc lệnh cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân”.

Thảo Nguyễn (theo AP, ABC News)

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi