Trẻ em Đông Nam Á thiếu dinh dưỡng và bài học từ Nhật Bản

18/10/2019 - 14:00

PNO - Báo cáo mới về trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng của UNICEF cho thấy hơn 30% số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân; riêng Philippines, Indonesia và Malaysia, có đến 40% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng.

Thói quen ăn uống kém dẫn đến nhiều hệ lụy

Theo báo cáo công bố hôm 15/10 từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF, hơn 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới đang trong tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thừa cân; gần 2/3 trẻ từ 6 tháng đế 2 tuổi không phát triển đúng mức do thiếu dưỡng chất và có thể đối mặt nguy cơ phát triển não kém, học tập yếu, khả năng miễn dịch thấp, và thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, toàn thế giới có 149 triệu trẻ thấp còi, 340 triệu trẻ thiếu hụt các vitamin cùng chất dinh dưỡng thiết yếu như Vitamin A và sắt, cũng như 40 triệu trẻ thừa cân hoặc béo phì.

Những con số đáng báo động trên được cho là do thói quen ăn uống kém mà phụ huynh áp dụng cho trẻ từ những ngày đầu tiên bé bước vào đời. Ước tính chỉ có 42% trẻ dưới sáu tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn và ngày càng nhiều trẻ lớn lên bằng sữa bột. Lúc trẻ bắt đầu chuyển sang thực phẩm mềm hoặc rắn quanh mốc sáu tháng, quá nhiều bậc cha mẹ tiếp tục áp dụng chế độ ăn sai. Trên toàn thế giới, gần 45% trẻ em từ sáu tháng đến hai tuổi không được cho ăn bất kỳ loại trái cây hay rau quả nào và gần 60% kiêng  trứng, sữa, cá hoặc thịt.

Khi trẻ lớn lên, việc tiếp xúc với thực phẩm không lành mạnh trở nên đáng báo động, chủ yếu do tiếp thị không phù hợp và sự phong phú của thực phẩm chế biến, thức uống có đường từ thành phố đến vùng sâu vùng xa.

Qua đó, mức độ thừa cân và béo phì trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên đang gia tăng trên toàn thế giới. Giai đoạn 2000 - 2016, tỷ lệ trẻ thừa cân từ 5 đến 19 tuổi tăng gấp đôi, lên gần 20%.

Tre em Dong Nam A thieu dinh duong va bai hoc tu Nhat Ban
Chế độ ăn kém, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn như mì gói, thức ăn nhanh khiến nhiều trẻ em tại các quốc gia Đông Nam Á rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì.

Mì gói không phải là bữa ăn cho trẻ

Chế độ ăn gồm nhiều thực phẩm rẻ tiền, hiện đại như mì ăn liền có thể lắp đầy bụng nhưng thiếu chất dinh dưỡng quan trọng đã khiến hàng triệu trẻ em gầy gò hoặc thừa cân ở Đông Nam Á.

Theo UNICEF, dinh dưỡng kém không chỉ thể hiện sự thiếu thốn trong quá khứ mà còn là yếu tố dự báo về nghèo đói trong tương lai, khi thiếu sắt làm suy giảm khả năng học tập của đứa trẻ và khiến phụ nữ đối mặt nguy cơ tử vong trong hoặc sau khi sinh con cao hơn.

Philippines, Indonesia và Malaysia là ba quốc gia có nền kinh tế bùng nổ và mức sống ngày càng tăng, nhưng trái cây, rau, trứng, sữa, cá và thịt giàu chất dinh dưỡng đang dần biến mất khỏi chế độ ăn khi dân cư nông thôn di chuyển đến các thành phố để tìm kiếm việc làm, và phụ huynh cần tìm phương án thay thế “nhanh, rẻ, dễ tìm” mà điển hình là mì ăn liền.

Mì gói có ít chất dinh dưỡng thiết yếu, thiếu vi chất dinh dưỡng, trong khi hàm lượng chất béo và muối lại vô cùng cao. Hiệp hội Mì ăn liền quốc tế ghi nhận Indonesia là nước tiêu thụ mì gói lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với 12,5 tỷ khẩu phần trong năm 2018.

Tương tự, các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Malaysia phụ thuộc phần lớn vào mì gói, khoai lang và các sản phẩm làm từ đậu nành như bữa ăn chính trong ngày. Mueni Mutunga - chuyên gia dinh dưỡng tại UNICEF Châu Á - bày tỏ trong thất vọng: “Mì ăn liền trở thành sự thay thế phổ biến cho  một chế độ ăn uống đáng lẽ phải cân bằng”.

Sự can thiệp của chính phủ và bài học từ Nhật Bản

Nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của thực phẩm liền đối với cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của người dân ở Đông Nam Á, các chính phủ có thể cần đưa những chính sách mạnh mẽ hơn, bắt đầu từ việc hạn chế quảng cáo, truyền thông và tăng cường biện pháp chuyên môn.

Nhật Bản – quốc gia khai sinh ra món mì ăn liền – lại đứng đầu bảng điểm về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em của UNICEF với tỷ lệ béo phì, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tình trạng trẻ em nhẹ cân đều ở mức thấp.

Tre em Dong Nam A thieu dinh duong va bai hoc tu Nhat Ban
Nhật Bản đứng đầu bảng xếp hạng dinh dưỡng cho trẻ em của UNICEF một phần nhờ chính sách hỗ trợ bữa trưa bắt buộc từ chính phủ tại trường học.

Các chuyên gia nói rằng có nhiều yếu tố khác nhau tác động vào giá trị trên, bao gồm một xã hội có ý thức về sức khỏe, chế độ kiểm tra sức khỏe trẻ em thường xuyên, và quan trọng nhất là chương trình ăn trưa ở trường trên toàn quốc.

Mitsuhiko Hara – giáo sư nhi khoa tại Đại học Tokyo Kasei Gakuin – cho biết: "Bữa trưa ở trường với thực đơn do các chuyên gia dinh dưỡng thiết lập có ở tất cả các trường tiểu học và phần lớn các trường trung học cơ sở trên khắp Nhật Bản”.

Các bữa ăn trưa là bắt buộc và được trợ cấp rất nhiều từ chính phủ, bởi quan niệm trẻ không chỉ ăn, mà còn học hỏi thêm về dinh dưỡng. Mỗi bữa ăn gồm khoảng 600-700 calo, cân bằng giữa carbohydrate, thịt hoặc cá, và rau.

Giáo sư Hara nhận xét: “Trẻ em nghèo có nhiều khả năng thừa cân vì các gia đình cố gắng cắt giảm chi phí. Nhưng rất nhiều chất dinh dưỡng được bổ sung vào bữa trưa ở trường ... vì vậy chúng cũng phục vụ như bữa ăn giúp trẻ em thoát nghèo”.

Tấn Vĩ (theo UNICEF, The Star, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI