Trâu húc chết chủ không phải vì lễ hội mà do con người chủ quan

03/07/2017 - 15:38

PNO - Một lần nữa, câu hỏi về việc có nên duy trì những lễ hội mang tính bạo lực được đưa ra sau khi trâu húc chết chủ tại Đồ Sơn. Tuy nhiên, có câu hỏi khác ráo riết hơn, về sự chủ quan của con người.

Việc trâu húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 khiến câu hỏi về việc duy trì các lễ hội, tập tục mang tính bạo lực được đặt ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến cho rằng các lễ hội này không còn phù hợp với đời sống hiện tại, các chuyên gia nêu quan điểm bản chất vấn đề không nằm ở lễ hội mà nằm ở con người. 

Trau huc chet chu khong phai vi le hoi ma do con nguoi chu quan
Trâu húc chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017

“Trâu húc chết người là một sự báo động, nhưng báo động về mặt con người nhiều hơn. Con người đã khiến lễ hội này đi xa so với ý nghĩa của nó. Ngày xưa trâu thi đấu dưới nơi có nước, có bùn, giờ người ta mang nó lên đất khô. Điều đó không chỉ làm sai biệt về tính chất, vì mang trâu ra khỏi môi trường thuộc về trâu, mà bùn còn làm hạn chế sức hung hãn nếu trâu có ý định lồng lên tiến về khu vực khán giả”, GS Lê Hồng Lý - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa – nhận định.

Sự biến tướng của lễ hội là điều mà các chuyên gia cho rằng được nhìn thấy nhiều nhất qua tai nạn lần này. “Lễ hội, cho dù bạo lực hay không bạo lực, vẫn là một yếu tố để lưu giữ văn hoá, nhắc con người về cội nguồn dân tộc. Với sự cố diễn ra tại lễ hội chọi trâu, rõ ràng con người đã rất chủ quan, lỗi đâu phải do lễ hội”, ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội sử học thành phố Hải Phòng cho biết. Theo ông, cái cần nhìn lại vẫn là con người, không phải lễ hội.

Theo một số chủ trâu tham gia vào lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, “trâu điên” số 18 trước khi húc chết chủ mình – ông Đinh Xuân Hướng – đã có rất nhiều biểu hiện bất thường trước đó.

Trau huc chet chu khong phai vi le hoi ma do con nguoi chu quan
Ông Đinh Xuân Hướng không thể thoát được chú trâu của mình

Trước khi thi đấu một ngày, trong buổi làm lễ tế thần tại đền như tục lệ, trâu số 18 đã có dấu hiệu bất tuân. Khi ông Đinh Xuân Hướng dùng động tác thuần phục, trâu số 18 đã có dấu hiệu hung bạo từ lúc ấy.

Thậm chí, trước khi trâu này được đưa vào thi đấu, dấu hiệu bất tuân ấy vẫn diễn ra. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn đồng ý để trâu số 18 này thi đấu theo ý kiến của chủ trâu.  “Nhiều người đã khuyên không nên để trâu số 18 thi đấu vì trâu phản ứng rất mạnh, vậy mà…”, một chủ trâu cho biết.

Theo các chủ trâu, trâu số 18 trước đó gần như vẫn chưa thể quen được với đám đông và các âm thanh, màu sắc kích thích (vàng, đỏ) như các trâu khác, biểu hiện qua sự kích động của trâu khi đứng trước các yếu tố này.

Thực tế, sự chủ quan của con người không chỉ thể hiện ở sự bất chấp “tâm lý” bất thường của trâu số 18, mà còn được nhận diện qua rất nhiều yếu tố khác được kiểm tra sau đó.

Kiểm tra công tác của lễ hội này vào chiều hôm qua, 2/7, bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết rào chắn sân thi đấu không hề đảm bảo so với lực húc của trâu. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả lớn hơn nếu phản ứng của trâu vượt quá tầm kiểm soát của người huấn luyện.

Không chỉ có thế, đội bắt trâu tinh nhuệ cũng không hoạt động hiệu quả khi sự cố xảy ra như đúng yêu cầu… Trong khi đó, đây là một trong những yêu cầu cơ bản trong công tác chuẩn bị an toàn cho lễ hội.

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI