Thực tế, thị trường tranh ngầm tại Việt Nam đã từ lâu vượt qua mốc ấy.
Hai tác phẩm vừa nhắc là Đời sống gia đình (mực và bột màu trộn keo trên bố, 82 x 66cm, vẽ trong khoảng 1937-1939) được Sotheby’s Hong Kong bán 1.172.080 USD vào chiều tối 2/4, trong khi giá bán dự kiến chỉ từ 231.840 đến 309.120 USD.
Tác phẩm thứ hai, bán tại Christie’s Hong Kong chiều 28/5, là La Moyenne Région (Miền trung du, sơn mài, 100 x 150cm, 1942) của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung, bán được 595.771 USD, trong khi giá dự kiến chỉ 36.107 đến 46.423 USD.
|
Với giá bán 1.172.080 USD, tác phẩm Đời sống gia đình của Lê Phổ đang là bức tranh có giá công khai cao nhất của Việt Nam |
Miền trung du thành tiêu điểm hôm 28/5 vì tên tuổi của hai họa sĩ này ở nhà đấu giá Christie’s chưa được phổ biến bằng Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Mai Trung Thứ… và vì đạt giá quá cao so với dự kiến.
Ba năm trước, bức Nhìn từ đỉnh đồi (sơn dầu trên bố, 113 x 192cm, 1937), cũng của Lê Phổ, đã bán được 844.697 USD tại phiên ngày 22/11/2014 của Christie’s Hong Kong.
Sau hơn nửa thế kỷ công khai trên sàn quốc tế, tranh Việt đã có những tác phẩm mấp mé trên dưới 1 triệu USD. Với thị trường, đây là cột mốc “dậy thì thành công” cho việc định giá, nâng giá trong tương lai.
Thực tế ngay tại Việt Nam, giới mua bán tranh ngầm hiện râm ran chuyện một quan chức cấp cao vừa bỏ gần 100 tỷ đồng để mua bức tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí về treo ở tư gia. Thăm các bộ sưu tập danh tiếng tại Hà Nội hay TP.HCM, ta sẽ gặp vài tác phẩm được ra giá hơn 1 triệu USD, thậm chí 2 triệu USD.
Như tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân. Nhiều thông tin cho biết hiện bức thật đang ở Việt Nam, nếu giao dịch thì chắc chắn phải trên 1 triệu USD, bởi đây là danh tác mà gần như người Việt nào quan tâm đến mỹ thuật đều biết. Tranh từng bị làm giả vài lần. Bức tranh chép từng được treo nhiều năm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một bức chép khác từng bán ở nước ngoài với giá 200.000 USD, sau đó mang về Việt Nam bán trao tay lên đến 400.000 USD.
|
Thiếu nữ bên hoa huệ |
Nhà sưu tập Bùi Quốc Chí xem danh tác Thiếu nữ bên cây phù dung (sơn mài, 129 x 176cm, 1944) của Nguyễn Gia Trí như “bảo vật trấn sơn” của bộ sưu tập nhà mình. Hỏi chuyện mua bán, anh nói vui: “Chắc phải triệu USD mới suy nghĩ”.
Vì sao mỹ thuật Việt Nam lại có kiểu giao dịch ngầm hơn 30 năm nay? Sau các nhà sưu tập công khai như ông Đức Minh (1920-1983, Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Oánh (1921-2003, Sài Gòn), các thế hệ sưu tập sau chủ yếu qua giao dịch tay trao tay - mua bán bằng niềm tin.
Về lịch sử, đó là những năm tháng sau chiến tranh, thiếu thốn đủ bề, tranh chẳng là gì so với tem phiếu, các nhu yếu phẩm khác. Nhà sưu tập Minh Ngọc cảm thán: “Mua cân gạo cũng cần có sổ tiêu chuẩn, tranh thì đem đậy chuồng gà; tự dưng bán được vài trăm đô, bạn từ chối sao?”. Thuở ấy, chẳng ai làm tranh giả, tranh nhái nên các giao dịch tay trao tay vẫn hữu hiệu. Nhiều người mua tranh là vì yêu quý cái đẹp, chứ chưa hẳn vì bán lại kiếm lời, bởi bán rất khó.
Thời mở cửa, nạn tranh giả, tranh nhái nổi lên thành vấn nạn. Các giao dịch tranh ngầm diễn ra trong không khí “thề sống thề chết” rằng đó là tác phẩm thật, nhưng không thể chứng minh. Bên cạnh những nhà sưu tập chủ đích làm tranh giả, tranh nhái để bán; gần như mọi nhà sưu tập có quan tâm đến tranh Việt đều từng bị lừa, nhiều hoặc ít.
|
Thiếu nữ bên cây phù dung |
Các nhà đấu giá danh tiếng như Sotheby’s, Christie’s… cũng từng là nạn nhân của nạn tranh giả, tranh nhái ở Việt Nam; rồi các “chuyên gia” quốc tế cũng góp tay vào. Jean-François Hubert là nghi can số một trong vụ bày tranh giả Những bức tranh trở về từ châu Âu ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa rồi.
Nếu các phiên đấu giá công khai là đỉnh của tảng băng trôi, thì các giao dịch ngầm là phần chìm. Muốn phần công khai, minh bạch lớn hơn thì trong nước phải có thêm các nhà đấu giá chuyên nghiệp như Lạc Việt, Lý Thị, Chọn…
Vấn đề tài chính cũng phải được minh bạch. Người giàu chân chính cũng phải nhiều hơn, để chuyện mua tranh không bị xem như “rửa tiền”. Đại diện của Chọn tại Hà Nội cho biết, họ rất muốn được nộp thuế cho các phiên đấu giá, nhưng Việt Nam lại chưa có tiền lệ ưu đãi thuế cho hoạt động mua bán nghệ thuật.
Cũng từ góc độ luật, ăn cắp chiếc xe máy vài triệu đồng thì dễ dàng bị xử, do có thể định giá được; còn ăn cắp một bức tranh có khi cả chục ngàn USD thì không biết xử sao. In, phát hành một quyển sách lậu thì dễ xử, nhưng triển lãm mười mấy bức tranh giả thì… “gặp nhau làm ngơ”.
Như Hà