Trăn trở thời đại từ những bụi bặm lịch sử

08/11/2017 - 16:24

PNO - Giải thưởng văn học danh giá Goncourt vừa được trao cho Eric Vuillard với tác phẩm 'L’Ordre du jour' (Lịch trình trong ngày).

Giá trị giải thưởng, dù chỉ 10 EUR, nhưng là khao khát lớn nhất làng văn chương Pháp vì tiêu chí lựa chọn hướng đến sự kết nối giữa tác phẩm và thời đại.

L’Ordre du jour như một quyển biên niên sử, nhặt nhạnh từng mảnh thời gian nơi có quá nhiều mảng ký ức bị lãng quên. Tác phẩm được chọn bởi câu chữ giá trị và còn là tư liệu quý cho nhiều thế hệ sau.

160 trang viết như quá ngắn cho một quyển tiểu thuyết lại soi rọi những chi tiết khó có thể tìm thấy trong sách lịch sử chính thống. Sách nhắc đến chuỗi sự kiện ít ai chạm đến được về giai đoạn Hitler lên nắm quyền, Đức xâm chiếm nước Áo và sự ủng hộ chiến tranh của những nhân vật chóp bu trong giới kỹ nghệ Đức. 

Tran tro thoi dai tu nhung bui bam lich su

Nhà văn Eric Vuillard với tác phẩm L’Ordre du jour

Giai đoạn 1933-1937, khi Đức quốc xã ráo riết áp đặt niềm tin cực đoan lên xã hội Đức, phần lớn người Đức không cảm thấy phiền khi bị tước quyền tự do, khi nhiều nét văn hóa bị hủy hoại hoặc khi cuộc đời và công việc của họ bị uốn nắn vào nền nếp khắt khe chưa từng có. Điều ấy chẳng khác nào tư tưởng cực đoan mà các phe nhóm khủng bố mang đến - khống chế từ trong nhận thức, dẫn đến nỗi sợ hãi trong một cộng đồng 
rộng lớn.

Tác phẩm nhắc đến ngày 20/2/1933 qua hội nghị bí mật ở Berlin dưới sự chủ trì của tân Thủ tướng Adolf Hitler và Hermann Goering. Hội nghị có sự xuất hiện của những gương mặt thuộc hàng ngũ tinh hoa của giới kỹ nghệ và tài chính: 24 sếp lớn của Bayer, Agfa, Opel, Siemens, Allianz, Telefunken…

Họ đã tặng cho Đức quốc xã ngân khoản cần cho cuộc bầu cử. Khi viết về sự sụp đổ của Đức quốc xã, Eric Vuillard nhắn gửi: “Tất cả các hãng này, trong tương lai cũng sẽ tài trợ cho những đảng phái tùy theo sức mạnh của họ. Các thương hiệu này vẫn hiện diện trong cuộc sống thường nhật của chúng ta: chăm sóc sức khỏe, cung cấp trang phục, chiếu sáng… Những cái tên vẫn còn đó, và tài sản của họ là khổng lồ”.

Eric Vuillard gọi đây là trách nhiệm của người viết - trưng ra nhiều góc nhìn để độc giả soi chiếu, liên kết bản chất vận hành của xã hội chúng ta đang sống. Những tên tuổi lớn ngày ấy giờ ra sao? Vai trò của họ trong bàn cờ chính trị châu Âu? Eric Vuillard đã đưa ra tiền đề và độc giả phải tự xâu chuỗi, chiêm nghiệm để trả lời câu hỏi: có hay không những cái bắt tay vì lợi ích nhóm, tạo ra kẽ hở cho phe phái cực đoan sinh sôi, nở rộ, tạo sự bất an trong cộng đồng?

Nhà văn đã mỉa mai thuật lại cuộc gặp gỡ năm 1938 giữa Hitler và Thủ tướng Áo Kurt Schuschnigg. Kurt không lường được việc Đức xâm lăng Áo. Bữa tiệc linh đình diễn ra đúng hôm lính Đức tràn vào Áo được mô tả như một vở bi hài kịch.

 Cách khai thác không đi vào con số mà vào bản chất, cẩn trọng đối chiếu tư liệu, dẫn dắt thuyết phục của Eric Vuillard thông qua ngòi bút lập luận sắc sảo đã khiến tác phẩm trở nên đắt giá. Như Eric Vuillard nói: “Sự thật nằm rải rác trong đủ loại bụi bặm lịch sử”. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI