Trần Hữu Trang 2020: Dư âm sau một giải thưởng

03/11/2020 - 18:57

PNO - Giải thưởng Trần Hữu Trang 2020 khép lại bằng lễ tổng kết, trao giải tối 3/11. Mùa giải mới trở lại sau 6 năm với nhiều thay đổi, để lại cả những niềm vui lẫn không ít trăn trở.

Những điểm sáng đáng ghi nhận

Trở lại sau 6 năm vắng bóng, giải thưởng Trần Hữu Trang được nâng tầm, với quy mô mở rộng trên phạm vi cả nước. Vòng sơ tuyển được tổ chức ở 3 khu vực giúp thí sinh dễ tiếp cận với cuộc thi hơn.

Sân chơi không giới hạn độ tuổi, đối tượng thí sinh tham dự, tạo cơ hội cho tất cả các diễn viên, nghệ sĩ đang hoạt động chuyên nghiệp trên cả nước.

Cuộc tranh tài được chia thành từng nhóm với những dạng vai khác nhau là điểm đáng được ghi nhận ở giải Trần Hữu Trang trong lần trở lại này, mở ra cơ hội để tất cả các diễn viên thể hiện tài năng của mình, thay vì chỉ ghi nhận đóng góp của diễn viên chính như nhiều giải thưởng hiện nay của sân khấu.

Thí sinh Võ Thị Trí với vai đào thương trong trích đoạn Nợ người xưa
Thí sinh Võ Thị Trí với vai đào thương trong trích đoạn Nợ người xưa

Cũng nhờ sự đổi mới trong quy chế tranh tài, các đêm thi sôi động, nhiều màu sắc hơn, nghệ sĩ cũng thỏa sức khoe tài, cống hiến cho người xem những tiết mục ấn tượng. Có thể kể như quận chúa Huyền Nga (Lê Thanh Thảo, đào mùi, Bão táp nguyên phong), Lộc (Võ Thành Phê, kép mùi, trích đoạn Con cò trắng), bà Phán (Lệ Hằng, đào mụ, trích đoạn Kêu cứu) Chín Mèo (Hoàng Dững, kép hài, trích đoạn Nghĩa vợ chồng), Nguyễn Địa Lô (Kim Nhuận Phát, kép lão, trích đoạn Bức ngôn đồ Đại Việt)...

Các tiết mục dự thi đều được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc, mang đến cho khán giả những đêm thưởng thức cải lương thú vị. Những điểm sáng ở mùa giải lần này có thể nhắc nhớ như Lê Thanh Thảo với những màn vũ đạo chắc, chỉn chu, Diễm Thanh nhiều cảm xúc với vai Nhớ trong Diều ơi, hay sự duyên dáng hóm hỉnh của Linh Trung trong vai Bùi Kiệm, trích đoạn Kiều Nguyệt Nga... 

Phần lớn nghệ sĩ góp mặt trong vòng chung kết đều có giọng hát từ khá đến tốt, một số giọng có màu sắc riêng khá thú vị.

Tiết mục của Lê Thanh Thảo nhận nhiều lời khen nhờ ca diễn tốt
Tiết mục của Lê Thanh Thảo nhận nhiều lời khen

Trong bối cảnh sân khấu cải lương còn gặp nhiều khó khăn, cuộc thi là điểm sáng để người làm nghề giao lưu, cọ xát và nuôi dưỡng lửa đam mê với sân khấu cải lương. Đây cũng là cơ hội để họ nhìn thấy được mặt mạnh và điểm yếu để phát huy, khắc phục từ nhận xét, đánh giá của những giám khảo uy tín, nhiều kinh nghiệm như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Trần Minh Ngọc, NSƯT Thoại Mỹ... Đồng thời cũng là dịp để những nhà quản lý nhìn lại thực lực của đội ngũ những người làm nghề của cải lương.

Những băn khoăn sau mùa giải

Sự trở lại của giải Trần Hữu Trang trong diện mạo mới với nhiều thay đổi vừa là bước đi mới nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế. BTC từng kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho cả nghệ sĩ lớn tuổi tham gia tranh tài, nhưng thực tế lại không như mong muốn. 

Phần lớn vai đào mụ, kép lão đều do những nghệ sĩ trẻ đảm nhận. Họ có thể làm tốt khâu hoá trang nhưng giọng hát đôi chỗ còn chưa ăn khớp với tạo hình nhân vật. Trong khi đó, một câu hỏi khác được đặt ra, khi được “trộn lẫn” như thế, nghệ sĩ kỳ cựu có thoải mái hoặc có mặn mà khi cùng cạnh tranh giải thưởng với người trẻ?

Phần lớn những vai đào mụ, kép lão đều do nghệ sĩ trẻ đảm nhận
Phần lớn những vai đào mụ, kép lão đều do nghệ sĩ trẻ đảm nhận

Giải Trần Hữu Trang trước đây được chia làm hai bảng tách biệt: Triển vọng và Xuất sắc với những quy định khác biệt và cụ thể về độ tuổi, thời gian làm nghề... Nhưng ở cuộc thi lần này, việc không có ranh giới phân định tạo nên một thế khó khi NSƯT được xếp chung với cả những gương mặt trẻ để tranh huy chương. Liệu việc đánh giá họ, trên cùng một tiêu chí, có thực sự hợp lý? 

Bên cạnh đó là những ý kiến băn khoăn khi có nghệ sĩ từng đạt HCV giải Trần Hữu Trang lại tiếp tục dự thi giải lần này. Điều này liệu có phải là sự phủ nhận giá trị của tấm huy chương trước đó? Trong khi đó, giải Trần Hữu Trang trước nay vốn được xem là một giải uy tín của sân khấu cải lương và để chạm tay vào chiếc huy chương danh giá đó là chuyện không dễ dàng.

Một nỗi lo khác, dù không mới nhưng lộ diện rõ hơn ở cuộc thi khi phần lớn các trích đoạn, vai diễn được thí sinh chọn dự thi đều đã quá quen thuộc với khán giả. Thậm chí, trong cùng một đêm thi có hai vai kép mùi với câu chuyện gần giống hệt nhau. Phải chăng sân khấu cải lương đang cạn kiệt ý tưởng và những kịch bản hay?

Nhiều nghệ sĩ theo dõi suốt cuộc thi có chung suy nghĩ, nên chăng BTC cần chuẩn bị một lực lượng tác giả để viết những trích đoạn mới, hoặc giúp thí sinh phát triển ý tưởng từ những nhân vật, cốt truyện kinh điển để mang đến màu sắc mới mẻ hơn cho cuộc thi trong những mùa giải tới. Bởi cải cách hát ca theo tiến bộ vẫn là một mục tiêu lớn của cải lương. 

Trích đoạn dự thi của thí sinh Võ Thành Phê và Đào Thanh Phong trong đêm đầu tiên của vòng chung kết có nội dung gần giống nhau
Trích đoạn dự thi của thí sinh Võ Thành Phê và Đào Thanh Phong trong đêm đầu tiên của vòng chung kết có nội dung gần giống nhau

Ngoài tài năng, BGK còn đánh giá thí sinh qua vòng thi vấn đáp, để biết được quan điểm, thái độ của họ với nghề và những kiến thức về chuyên môn. Nhưng qua 4 đêm thi, những câu hỏi cứ được lặp đi lặp lại, chỉ với cách diễn đạt khác hơn. 

Sự an toàn cho thí sinh được ban tổ chức cố gắng tạo ra nhưng e chừng không cần thiết. Thí sinh không cần và cũng không nên được “học thuộc lòng” để “trả bài” về những kiến thức, thái độ làm nghề, những điều luôn phải tồn tại trong tâm thức của họ ngay từ khi mới chập chững theo nghề. 

Thí sinh Lê Trung Thảo trong phần thi ứng xử
Thí sinh Lê Trung Thảo trong phần thi ứng xử

Trân trọng những nỗ lực của ban tổ chức đã đưa giải Trần Hữu Trang trở lại sau 6 năm tạm dừng, nhất là khi sân khấu đang gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, những người làm nghề và khán giả yêu cải lương vẫn mong ở mùa giải sau những hạn chế sẽ được khắc phục, để giải thưởng giữ được giá trị vốn có, là nguồn động viên những người nghệ sĩ không ngừng rèn luyện tài năng để cống hiến cho nghệ thuật.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI