Trải lòng của nữ bác sĩ trẻ được điều về y tế cơ sở

25/02/2022 - 06:32

PNO - Hoàng Anh là một trong 297 người thuộc “Chương trình thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề".

Những ngày qua, bác sĩ Phan Thị Hoàng Anh tất bật “tới lui” giữa Bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5) và Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Q.8. Công việc tình nguyện tại bệnh viện dã chiến đã kéo dài từ tháng 9/2021, còn Bệnh viện Nguyễn Trãi là nơi cô đang thực tập, bồi dưỡng kiến thức để đầu tháng 3/2022 sẽ về công tác tại Trạm y tế P.2, Q.8.

Bác sĩ trẻ Phan Thị Hoàng Anh
Bác sĩ trẻ Phan Thị Hoàng Anh

Hoàng Anh là một trong 297 người thuộc “Chương trình thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa” của Sở Y tế TPHCM - hoạt động đầu tiên của ngành y tế TPHCM trong đề án nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Từ sau tết Nguyên đán, Hoàng Anh được phân công về thực tập ở Bệnh viện Nguyễn Trãi, đồng thời bổ sung kiến thức về mô hình quản lý F0, nhận biết F0 có dấu hiệu trở nặng, cách xử lý…

Hoàng Anh chia sẻ: “Em khá tự tin khi tham gia chương trình này. Hơn nữa, thầy cô ở Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Trãi luôn hỗ trợ tụi em khi về cơ sở”. Ngoài sáu năm học tập ở trường đại học, thực tập ở các bệnh viện, Hoàng Anh còn làm tình nguyện viên tổ y tế từ xa và chăm sóc, điều trị tại bệnh viện dã chiến. 

“Em thấy nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường, đơn giản nhưng lại chọn đến bệnh viện kiểm tra, chăm sóc. Bệnh viện quá tải trong khi các trạm y tế có đủ khả năng xử lý những loại bệnh như vậy. Trong thời gian làm tình nguyện viên, em càng nhận ra tầm quan trọng và sự khó khăn của các trạm y tế” - Hoàng Anh giải thích lý do tham gia chương trình đưa bác sĩ trẻ về các trạm y tế.

Theo Hoàng Anh, việc chọn học ngành y và về y tế cơ sở cống hiến đều bắt đầu từ sở thích muốn chăm sóc, giúp đỡ người khác: “Bà nội em cũng là bác sĩ. Từ nhỏ, em đã chứng kiến nội chữa bệnh cho nhiều người; với bệnh nhân nào, nội cũng ân cần trò chuyện, tìm hiểu cuộc sống. Bệnh nhân cũng rất quý mến nội. Những hình ảnh, câu chuyện đó đã nuôi dưỡng trong em quyết tâm phải làm bác sĩ, chăm sóc được nhiều người”.

Hoàng Anh nói, nếu chọn công tác tại bệnh viện thì rất khó tìm hiểu sâu hơn những điều liên quan đến bệnh lý của bệnh nhân do bệnh viện thường quá tải. “Về y tế cơ sở, em có thể trò chuyện, hỏi han, thậm chí có thể giúp bệnh nhân thay đổi lối sống để khỏe mạnh hơn” - Hoàng Anh trải lòng. Cô cho hay, khi tham gia lực lượng tình nguyện tại Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Q.8, cô thấy một số người có lối sống không tốt và còn chủ quan với bệnh tật.   

Phong Vân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI