TPHCM: Nhiều lễ hội hiện đại nhưng thiếu bản sắc

10/06/2023 - 06:17

PNO - Ngày càng nhiều lễ hội sôi động, màu sắc hơn ở TPHCM được tổ chức. Tuy nhiên, không ít lễ hội còn nặng về hình thức, thiếu bản sắc, các hoạt động trải nghiệm thực thụ cho người dân, du khách.

Còn nhiều hạn chế

Bên cạnh lễ hội truyền thống, TPHCM cũng có nhiều lễ hội hiện đại như Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Lễ hội Áo dài TPHCM, Lễ hội Bánh mì, Lễ hội Khinh khí cầu, Lễ hội Cá cảnh, Lễ hội Thiếu nhi… Nhìn chung, các lễ hội đã tạo được không gian vui chơi, giải trí cho người dân, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế.

Người dân TPHCM tham quan Lễ hội Trái cây Nam Bộ 2023 - ẢNH: THÀNH LÂM
Người dân TPHCM tham quan Lễ hội Trái cây Nam Bộ 2023 - ẢNH: THÀNH LÂM

Đầu tiên có thể thấy là khâu tổ chức nhiều lễ hội thường đi vào lối mòn đơn điệu, thiếu điểm nhấn, bị thương mại hóa quá mức, nặng tính cá nhân của đơn vị tổ chức. Đa phần lễ hội được chọn tổ chức tập trung ở khu vực trung tâm thành phố do thuận lợi là nơi quy tụ nhiều người dân, đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, đây không hẳn là không gian phù hợp cho tất cả lễ hội. 

Cần nhất là chất lượng nhân lực làm lễ hội

Tổ chức và quản lý lễ hội hiện đại là một công việc phức tạp, đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng, mà quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ nhân lực. Đội ngũ này cần được trau dồi nhiều điều. 

Trước tiên, cần nắm vững kiến thức về văn hóa, phong tục, lễ hội, tìm hiểu sâu về nguồn gốc, ý nghĩa và các yếu tố truyền thống của lễ hội… Họ cần có khả năng sáng tạo để đưa ra ý tưởng mới, phát triển lễ hội theo xu hướng hiện đại bằng cách kết hợp các yếu tố truyền thống với các yếu tố đương đại.

Cán bộ văn hóa cần được trang bị kỹ năng tổ chức và quản lý sự kiện để có thể lập kế hoạch, chuẩn bị và điều hành lễ hội một cách hiệu quả. Điều này bao gồm khả năng lập lịch trình, quản lý tài chính, quản lý nhân sự và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức lễ hội. 

Kỹ năng quản lý tài chính là yêu cầu tiếp theo, để hỗ trợ việc xây dựng và duy trì nguồn lực tài chính cho lễ hội, bao gồm khả năng lập ngân sách, quản lý chi phí, thu hút tài trợ từ các nguồn khác nhau.  

Kỹ năng giao tiếp và truyền thông cũng rất cần thiết. Cán bộ văn hóa cần có khả năng giao tiếp hiệu quả và truyền đạt thông tin về lễ hội một cách rõ ràng và hấp dẫn. Điều này bao gồm khả năng viết bài PR, thuyết trình và sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá lễ hội. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Lễ hội Trái cây Nam Bộ vừa trở lại, sau 3 năm tạm dừng vì dịch bệnh, sẽ kéo dài suốt mùa hè, với nhiều hoạt động như: chợ trái cây, tạo hình nghệ thuật từ hoa quả, diễu hành, các chương trình nghệ thuật, hội thi trái ngon… So với những năm trước, các hoạt động này không quá mới. Lễ hội được tổ chức trong không gian của một khu du lịch. Nếu loại bỏ yếu tố phụ trợ từ địa điểm này, khó có thể xem đây là một lễ hội đặc sắc vì thiếu không gian để người dân dễ tương tác, trải nghiệm.

Lễ hội Áo dài TPHCM đến nay đã qua 9 lần tổ chức. Sự kiện được mở rộng quy mô, nhưng nhiều năm qua các hoạt động chủ yếu vẫn nghiêng về trình diễn. Việc thu hút người dân tham gia, trải nghiệm với tư cách chủ thể của lễ hội - đặc biệt là người trẻ - vẫn chưa được phát huy tốt.

Năm 2023, lần đầu tiên Lễ hội Bánh mì được tổ chức tại TPHCM, thu hút được nhiều người dân tham gia. Điểm cộng của lễ hội là giới thiệu được nhiều món bánh mì nhưng ngoài việc thưởng thức ẩm thực vẫn chưa có hoạt động nào khác để có thể níu chân người dân ở lại, quay lại.

Lễ hội Thiếu nhi TPHCM cũng vừa khép lại sau 3 ngày diễn ra tại Nhà thiếu nhi TPHCM vào đầu tháng Sáu. Lễ hội có nhiều hoạt động phục vụ được nhu cầu vui chơi của các em nhỏ. Nhưng không gian vẫn đi vào lối mòn với cách trưng bày gian hàng thường thấy.

Phát triển những điểm đặc trưng nhất

Theo các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này, những lễ hội hiện đại đầu tiên là  cung cấp cho người dân cơ hội thư giãn, giải trí nên thường thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, tạo ra sự kết nối và gắn kết trong cộng đồng.

Ở phương diện rộng hơn, các lễ hội này chứa đựng những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của một cộng đồng. Đây là dịp để giới thiệu những di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển của các nghệ sĩ, nghệ nhân và những người hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.

Không những thế, lễ hội hiện đại thường thúc đẩy kinh tế đặc biệt là du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương. Điều này thu hút du khách, tạo ra nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ ăn uống, tạo ra cơ hội kinh doanh, phát triển cho người dân.

 Trẻ em  tham gia  Lễ hội  Thiếu nhi TPHCM 2023 ẢNH: THÀNH LÂM
Trẻ em tham gia Lễ hội Thiếu nhi TPHCM 2023 ẢNH: THÀNH LÂM

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan An - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - cho rằng, với đặc tính của cư dân tại đô thị phát triển mạnh như TPHCM thì việc quy tụ người dân để tham gia các lễ hội cộng đồng không thực sự dễ dàng. Để thu hút được sự tham gia của người dân đòi hỏi các lễ hội phải thực sự hấp dẫn.

Trong đó, quan trọng nhất là để người dân thấy được sự hữu ích từ chúng với cuộc sống của họ. Thực chất, lễ hội cũng phản ánh sinh hoạt văn hóa, nhu cầu giải trí của người dân trong xã hội đương thời. Vì thế, việc tìm hiểu nhu cầu của họ để tạo ra các hoạt động, sân chơi đáp ứng được yêu cầu này hết sức quan trọng.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa - nhấn mạnh: “Lễ hội nào đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của người dân thì tiếp tục tồn tại, phát triển và ngược lại. Bên cạnh đó, bản sắc của lễ hội là điều quan trọng hàng đầu, dẫu hiện đại hay truyền thống. Trong bối cảnh ngày càng nhiều lễ hội được tổ chức thì bản sắc càng phải đậm đà”. Theo ông, TPHCM hoàn toàn có những điều kiện thuận lợi để phát triển các lễ hội hiện đại, nhưng có vẻ chưa tận dụng tốt. Để tạo nên bản sắc, cần phải nghiên cứu kỹ về tính chất của từng lễ hội, lựa chọn phát triển những điểm đặc trưng nhất. Có thể kể đến các đặc trưng của TPHCM như: trên bến dưới thuyền, giao thoa, hội tụ văn hóa… Nhưng những điều này đều khá nhạt nhòa hoặc chưa được khai thác trong các lễ hội hiện đại. 

“Để khắc phục những hạn chế này, chúng ta cần có sự quan tâm từ các tổ chức, cộng đồng địa phương và nhà quản lý để đảm bảo lễ hội hiện đại vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thực sự trong đời sống người dân, xây dựng một xã hội giàu có về tinh thần, đáng sống từ việc tổ chức lễ hội” - phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn  - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - chia sẻ. 

Nhiều sự kiện chỉ mới là ngày hội

Nên định nghĩa chính xác lại các lễ hội hiện đại đang được tổ chức tại TPHCM. Các sự kiện này chỉ nên được gọi là ngày hội, vì không có phần lễ đúng nghĩa như tính chất của các lễ hội.
Ở nhiều nước, các sự kiện có tính chất tương tự thường được tổ chức vào mùa du lịch thấp điểm để thu hút thêm du khách, nhưng tại TPHCM thường tổ chức vào mùa cao điểm. Cách làm này đang đi ngược, vì có vẻ không tự tin vào năng lực của mình.

Tổ chức lễ hội, ngày hội, ngoài các giá trị về tinh thần, giải trí thì mục tiêu phát triển, thúc đẩy kinh tế là quan trọng. Các sự kiện phải thu hút được đông du khách mới đạt được mục tiêu này. Trước tiên, lễ hội phải được tổ chức, đáp ứng được nhu cầu của du khách, người dân, chứ không thể chỉ chủ quan dựa trên quan điểm của nhà quản lý. 

Nhiều lễ hội số liệu du khách được báo cáo rất tốt, nhưng hiệu quả kinh tế lại kém, hoặc không có. Vì thế, việc nhìn nhận, đánh giá thật về các con số này là quan trọng để có phương hướng xây dựng, phát triển trong tương lai.

Việc tổ chức chợ hoa xuân, tuần lễ trái cây Trên bến dưới thuyền tại Bến Bình Đông (quận 8) là điển hình của việc tổ chức chưa phù hợp. Dòng kênh bị ô nhiễm, khiến người đi đường đôi khi thấy rất khó chịu. Việc tập hợp người dân về đây buôn bán, sinh hoạt trong nhiều ngày thì hoàn toàn không hợp lý. Hình ảnh được chia sẻ rất đẹp nhưng khi du khách đến nơi lại thất vọng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến du lịch, bởi du khách dễ có ấn tượng xấu chung.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI