TPHCM ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em ra sao?

30/11/2020 - 07:01

PNO - Liên quan đến vấn đề sử dụng lao động trẻ em (LĐTE), phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã phỏng vấn ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM.

* Phóng viên: Hoàn cảnh gia đình là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ phải lao động sớm. Nhiều nhà xã hội học nhận định, ảnh hưởng của COVID-19 và thiên tai đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh khánh kiệt, khiến LĐTE đổ về TPHCM ngày càng nhiều.

Ngành chức năng của TPHCM có những giải pháp gì trước thực trạng này cũng như vấn đề LĐTE tại TPHCM nói chung?


Ông Lê Minh Tấn: Năm 2017, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về triển khai thực hiện chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE đến năm 2020, gồm các hoạt động cụ thể như truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật; nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ những trẻ em lao động trái quy định… 

TPHCM là một trong ba tỉnh, thành được Cục Trẻ em và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chọn triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE ở Việt Nam giai đoạn 2018-2020” (gọi tắt là dự án Enhance) tại bốn quận, huyện gồm quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và huyện Củ Chi.

Với sự hỗ trợ từ dự án, sở đã phối hợp với UBND quận Bình Tân và ILO thành lập, ra mắt mô hình Phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE tại quận Bình Tân.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng vừa ký năm quyết định phê duyệt dự án Phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tài trợ. Dự án do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng UBND bốn quận, huyện gồm quận 10, Gò Vấp, huyện Nhà Bè và Củ Chi triển khai thực hiện, với tổng kinh phí 9,4 tỷ đồng cho giai đoạn từ tháng 7/2020-6/2024.

* Ông nhận định ra sao về tình trạng trẻ lao động sớm ở TPHCM?

- Từ năm 2016-2020, TPHCM đã phát hiện và can thiệp, hỗ trợ 52 trường hợp trẻ em tham gia lao động. Hầu hết các em đến từ các tỉnh, thành khác, có trình độ học vấn thấp, không có chuyên môn nghề nghiệp rõ ràng. Các em chưa đủ nhận thức về pháp luật lao động có liên quan và phần lớn tìm thấy thông tin việc làm thông qua mối quan hệ quen biết với cha mẹ ở quê.

Phần lớn các em đến TPHCM làm các việc như cắt chỉ, bán vé số, phụ bán hàng, số ít học nghề, số khác phụ việc trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình hoặc làm việc tại các chợ, khu buôn bán. Trẻ vừa phụ giúp bán hàng, chạy bàn, rửa bát, lau chùi, quét dọn, chế biến thực phẩm và ở chung với chủ nên cũng tham gia các công việc nội trợ cho gia đình chủ như đi chợ, nấu ăn, trông em nhỏ…

Tại TPHCM, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và kinh tế hộ gia đình đang phát triển nhanh, rất cần nguồn lao động phổ thông, trong đó có xu hướng chọn LĐTE, do LĐTE có giá tiền công rẻ hơn, trẻ nhanh nhẹn, khéo tay, sức khỏe tốt và dễ sai bảo.

* Ông đánh giá thế nào về công tác thanh kiểm tra để phát hiện và xử lý tình trạng sử dụng LĐTE trái quy định tại TPHCM?

- TPHCM đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em lao động sớm. Hằng năm, sở đều chỉ đạo thanh tra xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát vấn đề LĐTE, tập trung ở một số quận, huyện có đông dân nhập cư và có nhiều cơ sở chuyên gia công nhỏ lẻ, theo hướng xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm, không để xảy ra tình trạng lạm dụng sức lao động của trẻ. 

Từ năm 2016-2020, Thanh tra sở đã tổ chức 168 cuộc thanh tra, kiểm tra các vi phạm pháp luật về sử dụng LĐTE đối với 168 cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó phát hiện và xử lý một trường hợp vi phạm (quán phở Lý Quốc Sư).

Cấp quận, huyện cũng tổ chức 618 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 2.648 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng chưa phát hiện cơ sở nào sử dụng LĐTE trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, định kỳ hoặc đột xuất, lực lượng công an các cấp cũng phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm quy định về sử dụng LĐTE.

Từ năm 2016 đến nay, Công an TPHCM đã tổ chức kiểm tra, phát hiện một cơ sở có sử dụng LĐTE và đã xử phạt hành chính.

* Xin cảm ơn ông. 

Những công việc nghiêm cấm sử dụng trẻ em

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hiền - chuyên gia về an toàn lao động - cho rằng trên thực tế, việc xử lý hành vi sử dụng lao động chưa thành niên vẫn còn du di do có nhiều gia đình quá khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, vấn nạn này cần phải được ngăn chặn.

“Nhiều gia đình cho con em mình đi làm sớm để kiếm tiền trang trải cuộc sống mà chưa ý thức được công việc đó có tác hại ra sao. Có những ngành nghề tưởng nhẹ nhàng, an toàn nhưng lại rất độc hại, trẻ làm việc trong những ngành nghề này sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. 

Điều 147, Bộ luật Lao động (được Quốc hội thông qua năm 2019) quy định: không được sử dụng lao động từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đối với các công việc như lao động dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm, công trường xây dựng, cơ sở giết mổ gia súc…

Từ quy định này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng danh mục 88 công việc bị cấm.

Theo đó, ngoài các công việc kể trên, dự thảo thông tư (dự kiến ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) liệt kê chi tiết các công việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi như: mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng; sản xuất kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ… 

Tuyết Dân (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI