TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển vốn dự án trong 2 kỳ kế hoạch nhiều hơn

02/07/2020 - 14:58

PNO - Đó là một trong hai vấn đề cần xem xét để tạo điều kiện cho thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020.

Phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, bên cạnh những khó khăn và thách thức, tình hình kinh tế - xã hội thành phố vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Theo đó, khối lượng giải ngân các dự án trên thực tế đạt hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch vốn. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 403 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8%; nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (dịch vụ y tế tăng 11,6%, tài chính ngân hàng tăng 7,8%, khoa học công nghệ tăng 7,1%, thông tin truyền thông tăng 7,3%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ở TPHCM vẫn tăng 10% so với cùng kỳ dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVOD-19
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ở TPHCM vẫn tăng 10% so với cùng kỳ dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thành phố có gần 18.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 246 ngàn tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút hơn 2 tỷ USD. Các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số của thành phố.

Ông Phong nói: “Những kết quả đó, là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới. Hôm nay, ngày 2/7/2020, đúng 44 năm Ngày thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976), với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, thành phố xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi sự chậm lại của thành phố sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước. Thành phố sẽ “vì cả nước, cùng cả nước”, xứng đáng mang tên Bác Hồ kính yêu”.

Ông cũng đưa ra 8 giải pháp trọng tâm như kiên trì theo đuổi thực hiện “nhiệm vụ kép”, không chỉ khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà còn giữ vững phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đến các hoạt động của xã hội.

Để tạo điều kiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020, TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo hai nội dung.

Thứ nhất, hiện Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định “tổng vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không được vượt quá 20%”.

Nghĩa là theo luật, đối với dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp, phải bảo đảm tổng mức đầu tư thực hiện trong kế hoạch giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của địa phương đó.

“Tuy nhiên, quy định này đang gây ra khó khăn cho các địa phương. TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ, theo đó, quy định nhu cầu vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2026-2030”, ông Phong nói.

Thứ hai, ông Phong kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thành phố cùng các địa phương có thể triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công 2019.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI