TPHCM cũng đối mặt với thiên tai

04/11/2020 - 16:55

PNO - Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hàng chục căn nhà, phòng trọ ở TPHCM bị gió lốc giật tốc mái. Cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều đợt sơ tán để bảo đảm an toàn cho người dân trong thiên tai và dự báo thiên tai ở TPHCM sẽ ngày càng phức tạp hơn.

Di dời, sơ tán do lốc xoáy, sạt lở

Ngày 3/11, Trường THPT Bình Phú (quận 6) vẫn còn ngổn ngang sau trận gió lốc xảy ra từ ba ngày trước. Trong cơn mưa lớn kèm gió lốc mạnh chiều tối 31/10, toàn bộ phần mái của khu B trường này bị gió giật rớt xuống sân trường.

Ông Trần Nghĩa Nhân - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú - nhớ lại: “Sau khi kết thúc hội nghị vào khoảng 18g, trời bắt đầu đổ cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm phần mái của khu B rơi xuống sân. May nhờ có hệ thống lưới đỡ nên tôn không bị văng ra bên ngoài”.

Trường THPT Bình Phú sau một trận gió lốc
Trường THPT Bình Phú sau một trận gió lốc

Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM cho biết, vụ gió lốc tối 31/10 đã làm 70 cây xanh bị ngã, 27 cây xanh gãy nhánh, chủ yếu ở quận 6. Số liệu trên chưa bao gồm cây xanh do các đơn vị khác quản lý, gồm các công ty dịch vụ công ích các quận, huyện, các doanh nghiệp tư nhân. 

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, trong chín tháng đầu năm 2020, TPHCM đã xảy ra tám đợt mưa giông, lốc xoáy và cây xanh ngã đổ làm hai người chết, 17 căn nhà và 10 phòng trọ bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, đợt lốc xoáy gây thiệt hại nặng nhất xảy ra tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè vào đầu tháng 6/2020 làm tốc mái và hư hỏng 12 căn nhà. Chính quyền đã cử lực lượng hỗ trợ dân sơ tán đồ đạc. 

Chưa đầy hai tháng sau, một trận cuồng phong khác lại càn quét qua xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè làm hai căn nhà tốc mái. “Ở đây, xưa nay, người dân chỉ lo sạt lở chứ ít khi bị gió bão. Nhưng năm nay lại liên tiếp bị gió lốc làm bay mái nhà, hư hỏng đồ đạc. Tôi nghĩ, mỗi năm, thiên tai sẽ nhiều hơn, người dân ở thành phố cũng cần chuẩn bị ứng phó với thiên tai như những vùng khác” -  anh Nguyễn Văn Minh, ở ấp 1, xã Hiệp Phước, nói.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ - cho biết lâu nay, người dân Cần Giờ chỉ sơ tán khi có bão nhưng bây giờ, khi bão chưa xuất hiện ngoài biển thì lốc xoáy đã phá tan tành nhà cửa. “Gần đây nhất, trận lốc xoáy quét qua ấp Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh đã cuốn bay mái tôn nhiều căn nhà. Bây giờ, ngay cả mùa nắng, người dân cũng sợ bị lốc xoáy. Bão được dự báo trước, còn lốc xoáy thì không, nên rất khó đề phòng” - chị Hạnh nói.

Trong chín tháng đầu năm 2020, đã xảy ra sạt lở ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh với diện tích đất hơn 2.400m2. Như vậy, sau huyện Nhà Bè, nhiều huyện ngoại thành của TPHCM cũng đang đối diện với nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Tại bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức, cách cầu Chợ Đệm 1.000m, nơi đã nằm trong “danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm của TPHCM năm 2019”, vào đầu tháng 4/2020, đã xảy ra sạt lở với diện tích 450m2. Điểm sạt lở nằm ở nhà D10/7B Dương Đình Cúc, ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Sau vụ sạt lở, hộ dân nói trên đã được di dời đi nơi khác, chính quyền địa phương phải lắp rào chắn cảnh báo ở điểm sạt lở.

Học cách sống chung với thiên tai

Thạc sĩ Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ - cho biết trong năm 2020, số lần xuất hiện giông, lốc ở TPHCM và các tỉnh phía Nam nhiều hơn so với trung bình các năm gần đây. Tuy nhiên, số liệu thống kê chỉ là tương đối, vì nhiều địa điểm chưa kiểm soát được số liệu.

“Có những cơn giông, lốc cường độ mạnh nhưng không gây ra hậu quả nặng và ngược lại. Điều này tùy thuộc vào đặc điểm của từng cơn. Nhưng điểm chung là năm nào giông, lốc cũng khiến TPHCM bị thiệt hại như: tốc mái nhà, biển quảng cáo, cây gãy đổ…” - ông Quyết nói.

Theo ông Quyết, hiện nay, dấu hiệu thời tiết bất thường xuất hiện nhiều hơn ở Nam Bộ. Bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện với tần suất dày hơn. Năm 1951, có một cơn bão; mãi đến năm 1997, mới có thêm cơn bão Linda; năm 2006 có bão Durian, năm 2012 có bão Pakhar thì năm 2017, lại xuất hiện bão Tembin và năm 2018, xuất hiện bão Usagi. 

Hàng trăm cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt bị ngã đổ sau trận gió lốc chiều tối 31/10
Hàng trăm cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt bị ngã đổ sau trận gió lốc chiều tối 31/10

Mưa lớn cũng thiết lập những kỷ lục mới: mưa trong mười ngày tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có vũ lượng 1.167mm, trận mưa ngày 26/9/2016 tại TPHCM có vũ lượng 206mm, mưa trong trận bão Usagi ngày 25/11/2018 ở TPHCM có vũ lượng 300mm, một số quận, huyện lên mức 400mm. Năm 2020, đã xuất hiện nhiều trận mưa có vũ lượng trên 100mm.

Với những diễn biến hết sức bất thường về thời tiết và thiên tai, ông Quyết cho rằng, người dân ở TPHCM cần quan tâm hơn đến thông tin dự báo cảnh báo, thực hiện tốt các hướng dẫn của ban chỉ huy phòng chống thiên tai địa phương, cập nhật kiến thức về khí tượng thủy văn, hiểu rõ hơn về nội dung bản tin dự báo thời tiết, thủy văn.

“Trước những dấu hiệu thời tiết cực đoan, người dân ở thành phố cũng cần trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai, hạn chế ra đường khi trời đang mưa, giông, chủ động giữ an toàn cho người, cây cối, nhà cửa” - ông Quyết khuyến cáo.

Kỹ sư Vũ Quang Hoài - chuyên gia về xử lý sự cố công trình xây dựng - nhận định hiện nay, vào mùa mưa bão, rất nhiều mái tôn bị gió lốc thổi bay. Nguyên nhân là do các liên kết giữa xà gồ và tường kém, lực hút gió cao hơn trọng lượng mái tôn và lực kéo giữa xà gồ, tường gạch. Ngoài ra, có một số mái bị tốc do thiếu đinh vít (có dạng cố định từng miếng tôn chứ không phải cả mái tôn).

Kỹ sư Hoài cho rằng, để giảm thiệt hại về tài sản, người dân không nên dùng tường gạch đỡ xà gồ như cách cũ. Khi xây dựng, chủ công trình nên dùng hệ dầm bê tông cốt thép chịu lực, chú ý tính toán lực hút lên của gió. Dùng tường gạch làm đối trọng, dùng các thanh sắt xuyên qua tường gạch và liên kết vào xà gồ. 

Nguy cơ giông, lốc trong tháng 11

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, 
từ ngày 1 - 10/11, TPHCM sẽ giảm mưa, có mưa một vài nơi với lượng mưa không lớn. Mưa giảm nhưng vẫn cần đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh trong những cơn giông. Có khả năng xuất hiện khoảng 2 - 3 xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông, 1 - 2 cơn ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh từ Trung bộ trở vào. 

Trong chín tháng đầu năm 2020, TPHCM đã xảy ra tám đợt mưa giông, lốc xoáy, cây xanh ngã đổ, một đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp II), ba vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Thiên tai đã làm hai người tử vong (do cây xanh ngã đổ khi mưa giông), làm tốc mái, hư hỏng 17 căn nhà, 10 phòng trọ, 211 cây xanh ngã, gãy, sạt lở khoảng 2.450mđất...

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI