TPHCM chỉ đạo hỏa tốc tuân thủ đề cương sử dụng thuốc điều trị COVID-19

17/02/2022 - 11:34

PNO - Đây là thuốc đang nghiên cứu và chưa được cấp phép, vì vậy việc quản lý thuốc nghiên cứu cần hết sức chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, bảo quản, cấp phát.

Sở Y tế TPHCM vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đang tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát, phải tuyệt đối tuân thủ đề cương và quản lý thuốc này.

Thuốc Molnupiravir có trong gói thuốc C cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh minh họa từ internet
Thuốc Molnupiravir có trong gói thuốc C cho F0 điều trị tại nhà 

Theo Sở, do đây là thuốc đang trong quá trình nghiên cứu và chưa được cấp phép, vì vậy việc quản lý thuốc nghiên cứu cần hết sức chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, bảo quản, cấp phát cho đến các đơn vị tham gia triển khai chương trình.

Việc theo dõi, sử dụng và thu hồi thuốc trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng hết vì bất kỳ lý do gì phải được tuân thủ nghiêm ngặt, tránh thất thoát hoặc dùng sai mục đích. Tất cả các đơn vị, cá nhân tham gia chương trình cần được hướng dẫn, tập huấn đầy đủ về nội dung và được cung cấp các biểu mẫu quản lý thuốc nghiên cứu.

Được biết, Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức và các quận huyện, bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 trên địa bàn, các bệnh viện công lập và ngoài công lập cùng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là các đơn vị đang tham gia chương trình. Sở Y tế thành phố đề nghị các nghiên cứu viên chính, nhóm nghiên cứu và các cơ sở tham gia phải triển khai chương trình tuân thủ đề cương nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân tham gia nghiên cứu.

Theo đề cương, tiêu chuẩn lựa chọn người bệnh bao gồm đối tượng nhiễm COVID-19 thể nhẹ, trên 18 tuổi, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, có SpO2 trên 94%, có thể dùng thuốc bằng đường uống...

Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm người bệnh quá mẫn cảm hoặc chống chỉ định với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, tiền sử mắc virus viêm gan B hoặc C kèm xơ gan, bệnh gan giai đoạn cuối, ung thư biểu mô tế bào gan, tiền sử viêm tụy cấp trong vòng 3 tháng trước khi tham gia nghiên cứu hoặc viêm tụy mạn, tổn thương thận cấp hoặc suy thận nặng hoặc phải chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng trong quá trình sử dụng thuốc, đang sử dụng thuốc kháng đông, thuốc corticoid liều cao, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ và các tình trạng khác được nhân viên y tế đánh giá là không nên tham gia nghiên cứu…

Các đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của dữ liệu nghiên cứu. Quản lý, giám sát chặt chẽ các quy trình nghiên cứu trong chương trình, báo cáo đầy đủ các biến cố bất lợi xảy ra trên đối tượng nghiên cứu cho đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và Bộ Y tế theo quy định, đặc biệt lưu ý nội dung về quản lý thuốc nghiên cứu.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI