TPHCM chặn dịch từ xa, tăng cường kiểm soát dịch ở các bệnh viện

14/05/2021 - 06:18

PNO - Trước tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong nước, TPHCM đang thực hiện chiến thuật đánh chặn từ xa và hết sức chú trọng phòng, chống dịch ở các bệnh viện.

 

Khu vực sàng lọc COVID-19 của Bệnh viện Nhân dân 115 rộng rãi, tách biệt với khu vực khám, điều trị, có lối đi riêng cho trường hợp có nghi ngờ nhiễm COVID-19 - Ảnh: Hiếu Nguyễn
Khu vực sàng lọc COVID-19 của Bệnh viện Nhân dân 115 rộng rãi, tách biệt với khu vực khám, điều trị, có lối đi riêng cho trường hợp có nghi ngờ nhiễm COVID-19 - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Kiểm soát dịch từ các cửa ngõ 

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, từ 0g ngày 15/5, trên các cửa ngõ dẫn vào TPHCM, 12 chốt phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được tái lập. 

Trưa 13/5, trên bàn làm việc của bác sĩ Kim Phúc Thành - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện TP.Thủ Đức - cho biết, nhiều bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện sẵn sàng đăng ký tham gia trực chốt phòng, chống dịch COVID-19. Năm ngoái, bệnh viện cử khoảng 30-40 người tham gia các chốt, trong đó 50% là bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, bảo vệ, nhân viên hành chính. Để hỗ trợ các ca trực khuya, bệnh viện có xe chở nhân viên y tế về điểm cách ly dành riêng cho nhân viên y tế của bệnh viện. 

Một nhân viên y tế của bệnh viện này chia sẻ: “Năm ngoái, những ai tham gia trực chốt đều phải cách ly chứ không được về nhà. Vậy mà giờ đây, ai cũng nôn nao muốn nhận nhiệm vụ trực chốt. Tại các chốt này, nhân viên y tế phải làm nhiệm vụ bất kể trời mưa hay nắng, ngày hay đêm vì phải kiểm soát 24/24 giờ”. 

Lần này, TPHCM lập 12 chốt ở các tuyến đường huyết mạch kết nối với bốn tỉnh giáp ranh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Danh sách các chốt gồm trạm thu phí Long Phước, đường cao tốc Trung Lương, đường Ba Làng, Tỉnh lộ 10, đường Xuyên Á (Quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, cầu Đồng Nai. 

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, sẽ triển khai thêm bốn khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường, đồng thời triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. TPHCM hiện có công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn/ngày, khi cần thiết có thể huy động lên đến 50.000 mẫu đơn/ngày và đã có phương án điều trị cho 100-500 ca nhiễm COVID-19. Hiện các bệnh viện ở TPHCM đã bắt đầu diễn tập tình huống xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong bệnh viện. 

Thân nhân, bệnh nhân tại Bệnh viện Hùng Vương xếp hàng khai báo y tế và chờ lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: Phạm An
Thân nhân, bệnh nhân tại Bệnh viện Hùng Vương xếp hàng khai báo y tế và chờ lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: Phạm An

Vá nhanh lỗ hổng từ bệnh viện

Từ chiều 11/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với cán bộ, nhân viên hai bệnh viện lớn là Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115. Ông nói: “Khi virus SARS-CoV-2 lây lan thì không phân biệt bệnh viện trung ương hay bệnh viện địa phương. Trách nhiệm của chúng ta là cùng nhau kết nối chặt chẽ; đội ngũ y, bác sĩ cần phải được yểm trợ tốt nhất. UBND thành phố sẽ hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy trong bất cứ tình huống nào. Nếu các chiến sĩ áo trắng không được bảo vệ thì làm sao chống dịch?”. 

Từ chuyến làm việc này, đoàn công tác của UBND TPHCM phát hiện ra một lỗ hổng trong phòng dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là, nơi này sử dụng tờ khai y tế điện tử không đồng bộ dữ liệu với hệ thống của Sở Y tế TPHCM. Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong điều tra, truy vết. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục được nhờ các biện pháp kỹ thuật, giống như Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy) đã đổ dữ liệu dùng chung vào hệ thống của Sở Y tế TPHCM. 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cũng báo cáo những cách chống dịch rất riêng như xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân có chỉ định nhập viện điều trị nội trú, người nuôi bệnh; quản lý người nuôi bệnh bằng vân tay. Việc xét nghiệm toàn bộ người trong khuôn viên bệnh viện sau đó đã được áp dụng cho tất cả bệnh viện của TPHCM. 

Một trong những lỗ hổng trong phòng dịch là tình trạng người ra vào bệnh viện liên tục, nhất là các trường hợp phải cấp cứu. Các bệnh viện tại TPHCM được yêu cầu trang bị đồ phòng hộ cho nhân viên y tế tiếp nhận các ca cấp cứu. Để kiểm soát chặt hơn, Bệnh viện Nhân dân 115 quyết định bố trí một phòng sàng lọc cấp cứu rộng 120m2 tách riêng khỏi phòng cấp cứu. Nếu nghi ngờ người cấp cứu mắc COVID-19, bệnh viện sẽ cho chụp X-quang để xác định có tổn thương phổi hay không. Nếu có tổn thương phổi, bệnh nhân sẽ được chuyển vào phòng cách ly. Các ca bệnh nặng cần mổ sẽ được thực hiện ngay tại phòng áp lực âm trong khu vực này. 

Ngoài ra, khu vực sàng lọc chung rộng 660m2 của bệnh viện này cũng được xây tách biệt hẳn với khu vực khám, điều trị. Bệnh viện hạn chế việc di chuyển giữa các khoa, phòng điều trị để khi cần phong tỏa, chỉ một tầng lầu hay một khoa, phòng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế TPHCM phải nhân rộng cách làm này. 

Khu vực sàng lọc COVID-19 của Bệnh viện Nhân dân 115 rộng rãi, tách biệt vớ i khu vực khám, điều trị, có lối đi riêng cho trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ẢNH: HIẾU NGUYỄN
Khu vực sàng lọc COVID-19 của Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Yêu cầu bổ sung nguồn lực y tế

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi cứu sống ba ca mắc COVID-19 rất nặng trong năm 2020 - đề nghị TPHCM nhanh chóng có phương án bổ sung nguồn nhân lực y tế, nhất là các bác sĩ có khả năng điều trị COVID-19. Ông phân tích, lực lượng bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu được đào tạo trong những năm qua chỉ đáp ứng yêu cầu trong điều kiện bình thường, còn khi số ca nhiễm COVID-19 tăng gấp đôi, gấp ba thì không thể đáp ứng được. 

Ông Hùng đề xuất: “Ngay từ bây giờ, TPHCM phải có kế hoạch cho tình huống này, bằng cách thống kê số lượng bác sĩ các chuyên ngành “lân cận” như hô hấp, tim mạch để huấn luyện kịp thời, tạo nguồn bác sĩ dự trữ. Khi nghe thống kê có 5.000 bác sĩ sẵn sàng cho 500 ca nhiễm COVID-19 thì thật ra, trong đó chỉ có 100 bác sĩ về truyền nhiễm thôi. Khi không có lực lượng dự phòng sẵn, nếu bác sĩ về truyền nhiễm bị kiệt sức hoặc phải cách ly, sẽ không có người thay thế”. 

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, sở dĩ chọn đào tạo, huấn luyện bác sĩ chuyên về hô hấp, tim mạch để bổ sung nhân lực điều trị bệnh COVID-19 là vì những bác sĩ chuyên ngành này thường có sẵn kinh nghiệm, kỹ năng về vận hành các máy thở, máy lọc máu, máy hỗ trợ tim, ECMO... là những loại máy móc rất cần thiết trong điều trị các ca COVID-19 nặng. 

Bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho rằng, Sở Y tế TPHCM phải tính đến việc thống kê lượng ô-xy, máy thở hiện có. Nếu để mỗi bệnh viện tự lo, mỗi nơi sẽ có những con số thống kê khác nhau, có khi cao hơn mức cung ứng thực tế của những nhà cung cấp. Khi có được thống kê  này, Sở Y tế TPHCM sẽ biết được chính xác nguồn lực cung ứng cho các bệnh viện toàn thành và đủ sức duy trì hoạt động được bao lâu. 

Báo cáo với đoàn công tác của UBND TPHCM, bác sĩ Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết, bệnh viện có 115 máy thở nhưng chỉ có 84 máy thở hiện đại, có thể dùng để hỗ trợ bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, bệnh viện có 14 máy thở di động và dự trữ từ 5-10 máy thở. Bác sĩ Phan Văn Báu thông tin: “Sẽ thiếu máy thở nếu dịch COVID-19 bùng phát. Bệnh viện chỉ có thể dành ra 40 máy thở cho riêng bệnh nhân COVID-19”. Về giá máy thở, bác sĩ Báu cho biết, có loại 550 triệu đồng, có loại 1 tỷ đồng. Bệnh viện chỉ xin máy giá 550 triệu đồng. Bệnh viện xin được cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế như khẩu trang N95, găng tay, đồ phòng hộ, bình ô-xy. 

Vừa chống dịch quyết liệt, vừa tính đường dài

Hiện TPHCM chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia yêu cầu tăng cường xét nghiệm giám sát COVID-19 cho các nhân viên y tế, người bệnh và người chăm sóc bệnh ở các bệnh viện tuyến cuối. 

Theo chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, từ chiều tối 12/5, tất cả bệnh viện ở TPHCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 với toàn bộ nhân viên y tế và thân nhân, bệnh nhân. Cụ thể, vào khoảng 18g, ê-kíp y, bác sĩ trực đêm tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 khẩn trương phân chia công việc, lập khu vực lấy mẫu xét nghiệm đối với toàn kíp trực và thân nhân, bệnh nhân đang điều trị. Tính đến 5g sáng 13/5, bệnh viện này đã lấy 2.140 mẫu xét nghiệm, trong đó có 247 mẫu là của y, bác sĩ trực đêm, còn lại là của thân nhân, bệnh nhân. 

Bác sĩ Lê Thị Minh Hồng - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: “Sáng sớm hôm nay, chúng tôi tiếp tục chia ca, lấy mẫu xét nghiệm cho các nhân viên y tế còn lại, cũng như bệnh nhi và người nhà có chỉ định nhập viện. Hiện tại, bệnh viện chưa phát hiện ca nghi ngờ nào”.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện Quận 2 trước đây) - cũng cho biết, khoảng 19g ngày 12/5, bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm hơn 500 người, trong đó có khoảng 100 nhân viên y tế. Sáng 13/5, bệnh viện tiếp tục lấy mẫu thêm 900 người là những nhân viên y tế còn lại, bệnh nhân chạy thận định kỳ và thân nhân, bệnh nhân mới.

Theo bác sĩ Khanh, việc chống dịch COVID-19 phải quyết liệt nhưng cũng phải tính đường dài. Vì vậy, bệnh viện tổ chức lại đội ngũ nhân viên để đảm bảo các y, bác sĩ không bị quá tải. Thể chất, tinh thần của các chiến sĩ tuyến đầu phải vững mới có thể quyết định, xử lý nhanh chóng các ca bệnh, không để bị động trong việc đẩy lùi COVID-19.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, tính đến 3g sáng 13/5, Bệnh viện Hùng Vương đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.725 trường hợp, trong đó có 285 nhân viên y tế, 744 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong ngày 13/5, nhân viên bệnh viện tiếp tục chia thành từng nhóm y, bác sĩ, thay phiên lấy mẫu xét nghiệm nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh diễn ra bình thường. Sau khi hoàn tất, tất cả mẫu sẽ được gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM để xét nghiệm, sàng lọc COVID-19.

Phạm An

Hiếu Nguyễn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI