TPHCM có thể dành ít nhất 60ha đất công để xây trạm sạc xe điện

17/07/2025 - 17:55

PNO - TPHCM sẽ phải dành ít nhất 60ha đất công khó khai thác để quy hoạch trạm sạc, đổi pin xe điện nếu muốn đẩy nhanh lộ trình điện hóa 400.000 xe máy phục vụ vận tải dịch vụ - một đề xuất đáng chú ý từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

Chiều 17/7, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TPHCM, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) – cho biết, Viện đã hoàn tất dự thảo đề án chuyển đổi xe máy 2 bánh sử dụng xăng sang xe điện, áp dụng với lực lượng tài xế giao hàng, xe ôm công nghệ.

Chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang điện tại TP.HCM có thể giúp giảm 170.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm, theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển - Ảnh: Thanh Tâm
Chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang điện tại TPHCM có thể giúp giảm 170.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm, theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển - Ảnh: Thanh Tâm

Dự kiến, dự thảo này sẽ được trình UBND TPHCM lấy ý kiến vào ngày 18/7. Trước đó, HIDS đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp sản xuất xe điện, đơn vị đầu tư hạ tầng trạm sạc, đổi pin, ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô.

Trong đề án, Viện đề xuất TPHCM dành ít nhất 60ha đất công khó khai thác để phát triển trạm sạc, đổi pin. Ngoài ra, tích hợp lớp dữ liệu “EV Facilities” vào quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000, bổ sung chỉ tiêu nội địa hóa thiết bị tối thiểu 40%, tiêu chuẩn vận tốc từ 40km/h trở lên và quãng đường đạt ít nhất 80km/lần sạc cho các phương tiện điện.

Viện cũng kiến nghị thành phố kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ tài chính: miễn VAT và lệ phí trước bạ với xe máy điện đến hết năm 2027, xây dựng cơ chế tín dụng “green-window” với lãi suất trần 6%/năm, giảm hệ số rủi ro tín dụng xuống 40%, đồng thời hỗ trợ tối thiểu 2% lãi suất vay cho tài xế.

Để giảm ô nhiễm không khí, TPHCM được khuyến nghị loại bỏ dần xe máy xăng và khuyến khích sử dụng xe điện thay thế trong giai đoạn 2025–2035 - Ảnh: Thanh Tâm
Để giảm ô nhiễm không khí, TPHCM được khuyến nghị loại bỏ dần xe máy xăng và khuyến khích sử dụng xe điện thay thế trong giai đoạn 2025–2035 - Ảnh: Thanh Tâm

Đặc biệt, Viện đề xuất TPHCM cần bắt đầu xác lập quyền sở hữu tín chỉ carbon, xây dựng hệ thống MRV (đo lường, báo cáo, xác minh) để ghi nhận số km chạy điện, lượng CO₂ giảm thải và công bố định kỳ trên EV-Dashboard. Dữ liệu MRV phải được công khai 6 tháng/lần, phục vụ cộng đồng khoa học và báo chí giám sát.

Viện cũng cảnh báo, nếu lưới điện bị quá tải 3 tháng liên tiếp, thành phố cần kích hoạt "Kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp", bao gồm bổ sung trạm sạc di động, tăng hỗ trợ lãi suất vay hoặc các biện pháp ứng phó khác nhằm đảm bảo tiến độ điện hóa phương tiện.

Theo dự thảo, giai đoạn từ nay đến năm 2029 sẽ là thời gian quyết định để TPHCM chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy xăng trong lĩnh vực vận tải dịch vụ. Từ tháng 1/2026, thành phố được kiến nghị ngưng cấp phù hiệu cho xe xăng đăng ký mới. Đến tháng 12/2029, cấm hoàn toàn xe xăng hoạt động giao hàng, vận chuyển trên địa bàn.

Lộ trình cụ thể: đến cuối năm 2026, dự kiến chuyển đổi 200.000 xe; năm 2027 nâng lên 320.000 xe và đến hết 2028 hoàn tất 80.000 xe còn lại. Viện khẳng định mốc hoàn tất vào cuối 2029 là khả thi nhờ tốc độ phát triển hạ tầng và chính sách ưu đãi.

Đáng chú ý, nếu được thực hiện đúng tiến độ, đề án sẽ giúp TPHCM tiết kiệm khoảng 1.600 tỉ đồng chi phí y tế mỗi năm nhờ giảm ô nhiễm không khí. Đồng thời, tạo ra hơn 5.000 việc làm xanh trong lĩnh vực bảo trì, pin và trạm sạc. Đây cũng là cơ hội để TP thu hút dòng vốn ESG toàn cầu, thúc đẩy sản xuất nội địa và nâng tỷ lệ nội địa hóa xe điện trên 40%.

“Giai đoạn vàng” để chuyển đổi

Theo ông Lê Thanh Hải, giai đoạn từ 2025–2028 sẽ là "giai đoạn vàng" để TPHCM chuyển đổi do chi phí pin được dự báo giảm 10–12% mỗi năm, trong khi Trung ương đang duy trì các chính sách ưu đãi cho xe điện.

“Chúng ta cần hành động sớm, nếu không, nguồn lực ưu đãi sẽ chuyển sang các địa phương cạnh tranh, làm tăng chi phí cơ hội và kéo dài thời gian hoàn vốn cho cả hệ sinh thái pin - sạc - xe điện” - ông Hải nhấn mạnh.

TPHCM được kỳ vọng trở thành đô thị đi đầu trong chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. Nhưng để làm được, không chỉ cần quyết tâm chính trị mà còn đòi hỏi sự đồng hành mạnh mẽ từ cộng đồng tài xế, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI