Tôi muốn con trai trưởng thành, và chịu làm theo những gì mẹ sắp đặt

13/10/2022 - 19:00

PNO - Cho đến lúc nào mọi cha mẹ mới có thể thực sự hiểu được rằng: thành công lớn nhất mà họ mong mỏi cho con là nó được hạnh phúc.

Chị Hạnh Dung thân mến!

Con trai tôi 19 tuổi, hiện đang là sinh viên đại học năm thứ 2. Cháu là một người luôn hướng thiện, thích tham gia hoạt động, không ngại giao tiếp, có thể chơi được với tất cả các bạn từ ngoan ngoãn đến nghịch ngợm, thậm chí có bạn tính tình kỳ dị, không ai muốn chơi nhưng cháu vẫn chơi, có điều không thân thiết.

Một nhược điểm lớn nhất của cháu mà tôi luôn băn khoăn, trăn trở là cháu thiếu sự quyết tâm vượt khó, nên càng lớn, sự thành công của cháu càng bị hạn chế. Từ những năm học tiểu học cháu từng là học sinh rất xuất sắc, được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.

Do cháu thông minh và tự giác học tập nên việc học của cháu khá nhẹ nhàng, rất nhiều bậc PHHS có con cùng trang lứa thể hiện sự ngưỡng mộ khi nhắc đến cháu. Càng lên lớp lớn, sự chăm chỉ, tự giác giảm sút, đặc biệt tôi nhận thấy con thiếu đi sự quyết tâm.

Từ học sinh luôn đứng ở vị trí số 1 trong các cuộc thi cấp huyện, từng đạt huy chương Bạc trong cuộc thi Tiếng Anh trên mạng cấp quốc gia, lên đến lớp 6 cháu đã đánh mất vị trí số 1 trong cuộc thi Tiếng Anh cấp huyện. Thấy cháu buồn, tôi đã động viên cháu không quá nặng nề và lần sau sẽ cố gắng hơn.

Trong suốt quá trình học cấp 2, cấp 3, cháu càng ngày càng bị tụt lùi so với các bạn, mặc dù cháu vẫn là học sinh trong top đầu của lớp. Theo tôi đánh giá, kết quả đó là do cháu thiếu ý chí vươn lên, thiếu sự quyết tâm tìm tòi mà chỉ hoàn thành những bài thầy cô giao. Thời gian rảnh rỗi cháu hay chơi điện tử, mặc dù chưa đến mức quên ăn, bỏ học để chơi song tôi thấy việc đó đã ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của cháu.

Nay cháu đi học đại học, cuối tuần về nhà tôi thấy cháu miệt mài chơi điện tử mà không để ý giúp đỡ gia đình. Tôi nhắc nhở, cháu nói: "Con về nhà mới chơi, chứ ở trên trường con vẫn học bài đầy đủ, không bao giờ bỏ tiết hoặc đi muộn". Tôi cũng tin cháu, song tôi hiểu cháu vẫn chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ học tập theo yêu cầu tối thiểu của thầy cô chứ chưa có sự tìm tòi, suy nghĩ, chưa xác định rõ mục tiêu và ý chí vươn lên.

Tôi hiểu với sinh viên đại học, muốn thành công trong tương lai, các bạn phải tự học trong sách vở, học bên ngoài, trong thực tế rất nhiều, chứ chỉ dừng lại ở việc thầy cô dạy gì biết đấy thì sau này khó phát triển được bản thân.

Vì thế, thấy thời gian nhàn rỗi như nghỉ hè, nghỉ giữa kỳ hoặc các giờ rảnh rỗi trong ngày, cháu không biết khai thác, sắp xếp hợp lý để xây dựng và thực hiện kế hoạch, mà chỉ chơi điện tử, thấy cháu không vất vả với việc học, tôi đã động viên cháu thử kiếm việc gì đó làm thêm, vừa là có chút thu nhập để con chủ động hơn trong chi tiêu, vừa là tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, cháu cứ vâng rồi để đấy.

Tôi nghĩ với khả năng Tiếng Anh của cháu từ học phổ thông, cộng với hiện cháu đang theo học chương trình đào tạo quốc tế, học hoàn toàn bằng Tiếng Anh, thì cháu có thể đi dạy hoặc trợ giảng cho trung tâm Tiếng Anh là rất hợp lý. Ở đó cháu sẽ được rèn thêm về kỹ năng giao tiếp, và còn học hỏi được nhiều điều. Tôi đã gợi ý, song cháu chỉ vâng để đấy mà không để tâm tìm hiểu xem thế nào.

Tôi hiểu cháu còn chưa có động lực để phấn đấu, và cháu có một đặc điểm là dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn thử thách. Tôi không muốn tạo áp lực cho con, song cũng rất mong con trưởng thành hơn, mong con thay đổi để chuẩn bị cho mình một hành trang tốt nhất bước vào đời mà không biết phải làm thế nào?

Xin chị cho lời khuyên. Trân trọng!

Thanh Thủy

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Thanh Thủy thân mến

Câu hỏi của chị là làm thế nào giúp con trưởng thành, thế nhưng khi đọc bức thư dài của chị, Hạnh Dung thấy rằng hai chữ trưởng thành không đúng với những điều chị mong muốn. 

Điều chị mong muốn hơn hết từ chính con mình, là sự vượt trội hơn tất cả mọi người. Hễ đã họ giỏi thì phài luôn luôn giỏi, luôn luôn đứng đầu, luôn luôn trên tất cả, và dù có là chỉ đứng trong Top giỏi, nhưng sau người khác, chị cũng đã không hài lòng. 

Sự phát triển về khả năng của một con người hoàn toàn không đơn giản như vậy, chị ạ. Lúc nhỏ, sự học hành đơn gian có khi chỉ là nghe, hiểu và phản ánh lại. Khi lớn dần lên, những tư duy logic riêng, khả năng sáng tạo riêng của mỗi cá nhân phù hợp với lãnh vực nào hơn cả mới từ từ phát huy.

Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là đứa trẻ đó đang yếu, kém đi. Nhiệm vụ lớn nhất và tuyệt vời nhất của cha mẹ lúc ấy là giúp trẻ nhận ra được tài năng của mình, thế mạnh của mình ở đâu, chứ không phải là đòi hỏi ở trẻ sự "thành công" về thành tích ganh đua, xếp hạng với bạn bè.

Những gì chị mong muốn ở con, Hạnh Dung nói thật, nó rất giống việc chị lấy những hình mẫu thanh niên trên các phương tiện truyền thông hôm nay: học giỏi, ngay từ nhỏ đã có chí hướng, sắp xếp, xây dựng kế hoạch tương lai, rồi vừa đi học vừa đi làm, tự kiếm tiền này kia, tốt nghiệp ra trường là tương lai đã rộng mở vì được chuẩn bị trước, được nơi này nơi kia mời mọ từ trước... chị ấn con trai mình vào cái hình mẫu đó, và muốn con phải làm theo, coi đó mới là đường đi đúng tới tương lai.

Nhưng lúc này con trai chị đã lớn rồi, nó sẽ không thích bị ấn vào đâu cả. Thậm chí, có lẽ nó đã bị mệt mỏi vì những nỗ lực đáp ứng bệnh thành tích của gia đình, của nhà trường, của xã hội. Nó mệt mỏi vì luôn bị thúc ép sử dụng hết công suất mọi thời gian và khả năng vào "những việc có ích", những việc đó là học, là lên kế hoạch, là chuẩn bị cho tương lai... Nó muốn được nghỉ ngơi thư giãn, và có khi là cả ngấm ngầm chống đối.

Cho đến lúc nào cha mẹ mới có thể hoàn toàn hiểu được rằng, thành công lớn nhất mà họ mong mỏi cho con là nó được hạnh phúc. Nó có thể không phải là "ông nọ, bà kia", nhưng nó hạnh phúc. Như người thợ bánh hạnh phúc với chiếc bánh mình làm ra, người trồng hoa vui với bông hoa nở buổi sáng... chứ không phải là bằng cấp, vị trí xã hội, sự thăng tiến... 

Đừng ép con vào những hình mẫu của chị, sự cưỡng ép sẽ tạo nên phản kháng. Mọi việc sẽ còn tệ hơn, đi xa hơn với mong muốn của chị. Đừng nhìn sự trưởng thành của con theo con mắt của chị.

Sự trưởng thành thực sự của một con người là khi người đó tự biết giải quyết mọi vấn đề của mình, chịu trách nhiệm về bản thân, quan tâm và yêu thương người thân, quản lý được cảm xúc của mình, biết mình muốn gì và phải làm gì, biết đứng dậy khi vấp ngã. Người trưởng thành là người làm chủ được cuộc đời mình, chứ không phài chịu ảnh hưởng, ép buộc, sai bảo của người khác. 

Khi con chị có được những điều đó, cháu sẽ tự nhiên chọn lựa cho mình cuộc đời hạnh phúc. Đó mới chính là mục tiêu, động lực phấn đấu, chị à. Vậy nên, lúc này, điều chị có thể làm tốt hơn cả là song hành cùng con, động viên, khuyến khích con, giúp con tự tin và vững vàng bước đi.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn An 15-10-2022 07:19:26

    Chị xem lại ngành học của con ở Đại học xem có đúng với ý muốn của con hay là ngành học theo lựa chọn mà gia đình định hướng cho cháu. Nếu cháu học mà không yêu thích gì ngành đó thì cháu miễn cưỡng học tiếp là may lắm rồi. Có nhiều em bỏ ngang đó!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI