"Tôi không thể ngồi yên khi bệnh nhân đang cần"

24/10/2020 - 16:35

PNO - Mùa dịch là lúc bệnh nhân cần bác sĩ, người dân trông đợi ngành y tế. Vì thế, các bác sĩ bảo nhau, không ai được lùi bước...

Sáng 24/10, Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức chương trình “Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19” tại TPHCM, tuyên dương 130 cá nhân, 16 tập thể y bác sĩ trong “cuộc chiến” với dịch bệnh. Nhiều câu chuyện cảm động được các bác sĩ chia sẻ, ai cũng có nỗi niềm riêng và ai cũng quyết tâm tạm “gói lại” để nghĩ về mục tiêu chung của cả đất nước, đó là đẩy lùi đại dịch đang khiến hơn 40 triệu người mắc bệnh, hơn 1 triệu người tử vong trên thế giới.

Nhớ lại chuỗi ngày đã qua, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân và người yêu là bác sĩ Nguyễn Văn Thành Được - cùng công tác tại khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - cho biết, trong lúc anh chị đếm ngược từng ngày cho đám cưới thì dịch COVID-19 “nhanh chân” hơn làm cho ai cũng bất ngờ.

“Hoãn đám cưới cảm giác khó tả lắm, ai cũng hối hả lên kế hoạch vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa quyết tâm đẩy lùi dịch, lãnh đạo rất cảm thông cho tôi và anh Được. Ban đầu, tôi và anh bối rối lắm, cho đến khi cả hai nguyện ra tuyến đầu, động viên nhau cố gắng để đám cưới được trọn vẹn hơn, hòa chung niềm vui của cả nước khi dịch bị đẩy lùi”, bác sĩ Xuân nói.

Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Gác lại ngày hạnh phúc, bác sĩ Xuân và bác sĩ Được lao vào cuộc chiến, trực tiếp chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Biết đây là căn bệnh chưa có thuốc điều trị, lại nguy cơ lây nhiễm cao, cứ hết ca trực cả hai lại nhắn tin, gọi điện thoại động viên nhau, trao đổi về tiến triển của bệnh nhân. 

Bác sĩ Được nói: “Lo thì phải lo rồi, lo cho Xuân, lo cho tôi và cả đồng nghiệp, tôi nghĩ ai cũng cùng tâm trạng đó. Mặc dù vậy, khi gặp nhau chúng tôi chỉ nói chuyện vui vẻ, nói về tương lai và một ngày dịch COVID-19 sẽ được đẩy lùi. Lúc đó, không chỉ tôi và Xuân, mà đồng nghiệp cả nước sẽ về với gia đình, về với nhau thật trọn vẹn”.

Giờ đây, dịch bệnh đã được kiểm soát, bác sĩ Được và bác sĩ Xuân đã cùng nhau sánh bước lên lễ đường trở thành vợ chồng trong sự chúc phúc của mọi người.

Hỏi có quá dài cho sự chờ đợi, nếu được lựa chọn lại sẽ ra sao, bác sĩ Xuân vẫn khẳng định: “Chúng ta đang có quyền hy vọng chiến thắng dịch COVID-19, vẫn đang phòng chống rất tốt dịch bệnh này. Nhưng nếu chẳng may phải đối mặt với dịch thêm lần nữa, chúng tôi cũng sẵn sàng. Tôi không thể ngồi yên khi bệnh nhân đang cần và khi đồng nghiệp của mình lao vào tâm dịch”.

Ông Tạ Hoa Kiên (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) vui mừng khi được bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chữa khỏi COVID-19, được xuất viện về nhà
Ông Tạ Hoa Kiên (73 tuổi, Việt kiều Mỹ) vui mừng khi được bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chữa khỏi COVID-19, được xuất viện về nhà

Một nữ điều dưỡng nghe chị Xuân chia sẻ cũng rưng rưng nước mắt đồng cảm: “Là phụ nữ ai không mong muốn trở thành người vợ, người mẹ tốt, nhưng dịch bệnh đâu chừa một ai. Mình ra tuyến đầu không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm. Chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, chữa trị được cho bệnh nhân thì người nhà mình mới có cơ hội khỏe mạnh”.

Ngày tri ân không thể thiếu bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, là một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân thứ 91 (phi công người Anh). Bác sĩ Linh và  đồng nghiệp cũng đến Đà Nẵng cùng các bác sĩ nơi đây chống dịch COVID-19. Lúc nào cũng vậy, bác sĩ Linh luôn khiêm tốn không muốn nhắc quá nhiều về mình.

Bác sĩ Linh chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian chi viện cho Đà Nẵng
Bác sĩ Linh chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian chi viện cho Đà Nẵng

Bác sĩ Linh xúc động: “Chống đại dịch không chỉ một bác sĩ mà thành. Đó phải là công sức điều trị của cả ngành y, của y tế dự phòng… và đặc biệt là sự đoàn kết phòng ngừa của người dân cả nước. Tuy bệnh nhân đầu tiên được phát hiện mắc COVID-19 và điều trị thành công nhưng đến Đà Nẵng mới thực sự là một cuộc chiến. Rất nhiều bệnh nhân có bệnh nền khác nhau, triệu chứng khác nhau và chuyển nặng nhanh chóng, nhiều lúc chúng tôi phải ngậm ngùi “chia tay” bệnh nhân của mình trong tiếc nuối. Sau những lần ấy, chúng tôi động viên nhau phải cố gắng, cứ dốc hết sức mình rồi chúng tôi sẽ chiến thắng”.

Bác sĩ Linh vẫn nhớ lần đầu tiên nghe tin đồng nghiệp mắc COVID-19, lòng anh như lửa đốt, anh và đồng nghiệp, một chút nghĩ về nếu bản thân mình không may cũng là ca dương tính… Đã có sự bồi hồi, chạnh lòng khi nghĩ về mẹ già, con thơ, người vợ, người chồng,… đang chờ đợi. Nhưng với các bác sĩ, đây là lúc bệnh nhân cần các anh, người dân trông đợi ngành y tế, không ai được lùi bước. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI