Vợ Việt - chồng Tây

Tình yêu sẽ xóa nhòa mọi khác biệt?

25/04/2022 - 10:31

PNO - Người ta cứ bảo tình yêu sẽ xóa nhòa mọi ranh giới, rào cản, khác biệt về địa lý, văn hóa, tuổi tác, giai cấp… Vậy nhưng, có lẽ những rào cản đó chỉ được xóa đi một cách… tạm thời, khi người ta đang ngây ngất trong men yêu. Trong khi đó, cuộc sống gia đình với muôn vàn thứ bày ra trước mắt, va chạm hàng giờ rất khó để người ta làm quen, chấp nhận sự khác biệt.

 

1. Sau cuộc ly hôn chẳng lấy gì làm vui vẻ, T.H., quản lý của một công ty truyền thông, được bạn bè “bơm” vào đầu ý nghĩ: “Mày giờ chỉ có lấy đàn ông Tây thì mới hạnh phúc. Một nách hai con, đàn ông Việt Nam nào có thể chấp nhận mày, vui vẻ yêu thương hai đứa con mày? Đàn ông Việt Nam thường không bao dung, độ lượng như Tây…”.

Thế là T.H. bắt đầu lao vào việc “săn” cho được một ông chồng Tây. Sau vài lần kết bạn, làm quen trên các ứng dụng hẹn hò với đàn ông nước ngoài, cuối cùng, nhờ kiên nhẫn và kiên định với mục tiêu của mình, cô cũng “bắt” được… một chàng Mỹ. Họ quen nhau trong một quán bar, khi cô theo bạn bè đi chơi.

Sau thời gian tìm hiểu, họ về sống chung với lời hẹn: “Thử xem có phù hợp không”. Bạn trai của T.H. tuổi trên 50, khá chững chạc, nghề nghiệp ổn định, thu nhập khá và T.H. đặc biệt ưng bụng khi đến thăm cơ ngơi của anh - căn hộ sang trọng trên tầng 24 một chung cư cao cấp. 

Một năm, hai năm… bạn bè đều mừng vì thấy cô có vẻ hài lòng, hạnh phúc. Thỉnh thoảng, cô khoe một vài bức ảnh họ đi chơi, đi ăn cùng nhau, tay trong tay hạnh phúc. Cho đến một ngày, cô bạn thân nghe cô tâm sự: “Tao cũng phải xem lại thế nào mày ạ. Dù khá lớn tuổi, dù có vợ, hắn vẫn không thể bỏ được thú đi bar vài lần một tuần. Lúc nào hắn cũng đi từ 8, 9 giờ tối và sáng sớm mới mò về. Nhiều khi tao cố gắng đi theo nhưng mệt quá, mình không theo nổi, rồi phải bỏ con ở nhà… Cứ thế này không biết tao chịu đựng được bao lâu”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Nhiều người nghĩ chồng Tây bao dung với quá khứ của vợ hơn chồng Việt (Ảnh mang tính minh họa - Freepik)

 

Một trong những vấn đề lớn nhất khiến T.H. và chồng mâu thuẫn là cách xài tiền. Sống với nhau đã mấy năm, dù T.H. có một căn hộ nhỏ nhưng chồng cô không chịu về đó ở. Anh thích được ở chỗ rộng rãi, sang trọng, đẹp đẽ, nhiều tiện ích; nhưng mua nhà là khái niệm hoàn toàn xa lạ với anh, cả khi anh sống ở quê nhà lẫn khi sang Việt Nam làm việc. Thế là hằng tháng, họ phải trả hơn 20 triệu đồng để thuê căn hộ cao cấp. “Xót tiền quá, mày ạ” - T.H. kết luận.

 

2. “Tiền và cách tiêu tiền là một trong những mâu thuẫn khá lớn trong đời sống vợ chồng của tôi” - H.V., một phụ nữ Việt sống cùng chồng ở Canada, tâm sự. Người nước ngoài không có kiểu chi tiêu tiết kiệm và tiết kiệm bằng mọi cách như người Việt. Ví dụ, họ không “xài chùa” nhạc. Họ vẫn mua nhạc, mua sách, đi xem kịch, nghe hòa nhạc dù có thể họ không dư dả. Với họ, đó là nếp sống văn minh. Họ gọi hành động “xài chùa” của người Việt là xâm phạm, thậm chí là ăn cắp.

“Chồng tôi nói anh ấy không thể chịu đựng được cách sống tiết kiệm, chắt bóp từng đồng của tôi. Tôi mua thì cái gì cũng chọn thứ rẻ nhất, kinh tế nhất. Còn nếu để anh đi mua, anh sẽ chọn cái mắc nhất, tốt nhất. Thời gian đầu qua đó, chúng tôi sống ở nơi mà tôi đi học. Tôi đi săn lùng, so sánh và cuối cùng mua cái giường chỉ 100 USD còn anh khuân về cái tủ lạnh 2.300 USD mà không hề hỏi tôi một tiếng. Chúng tôi chỉ ở đó chừng vài năm, mua làm gì cái tủ mắc hơn cả học bổng của tôi? Chỉ cần 500 USD là có thể có một cái tủ hoàn hảo rồi.

Tôi và anh cãi nhau. Anh nói anh mua nó là vì tôi, anh muốn tôi được hưởng những tiện nghi tốt nhất. Thế nhưng, tôi thấy điều đó không cần thiết. Chỉ mãi về sau, tôi mới hiểu được rằng người nước ngoài, cụ thể là chồng tôi, luôn cảm thấy cuộc sống ổn định về mặt tiền bạc. Tiền chảy ra và tiền đi vào ngang nhau là đủ. Họ không lo lắng về tương lai còn người Việt thì căn cơ, tích cóp, lúc nào cũng sợ đói khổ nếu không có tiền.

H.Y. là cô gái được nuôi dạy kỹ lưỡng, cẩn thận với đầy đủ công dung ngôn hạnh. Tuy nhiên, cuộc sống với người chồng ngoại quốc lại khiến cô choáng chính vì điều cô giỏi nhất: Chồng cô không thể nào ăn được các món ăn Việt Nam: “Tưởng tượng xem, nhà hàng Việt gần nhà tôi có đến trên 100 món ăn, thế mà anh chỉ ăn được một, hai món. Vậy nên tôi không biết nấu gì cho anh ăn. Mà những món anh nấu cho tôi ăn, trời ơi, nó ngán tới… óc”.

3. Tiền nong, ăn uống, thậm chí cả việc quan hệ họ hàng còn có thể thu xếp được, nhưng khác biệt lớn nhất vẫn là quan điểm sống. Chị H.T. kể: “Người nước ngoài rất coi trọng tự do cá nhân. Họ chỉ làm những gì theo họ là đúng - đúng luật pháp, đúng khuôn chuẩn của họ. Mà khuôn chuẩn của họ thì rộng mênh mông. Trong khi đó, người Việt mình làm gì cũng ngó trước ngó sau, sợ người khác đánh giá. Quan niệm hạnh phúc của họ khác mình, quan niệm đối xử cũng khác nên mâu thuẫn có thể xảy ra hằng ngày”. 

Chuyện cô gái tên H.H. có chồng Pháp, hiện sống ở Việt Nam khiến chúng tôi cười mãi. Nhà hàng xóm nuôi chó nhưng lại muốn giữ cổng nhà mình sạch sẽ, thơm tho. Vì vậy, họ thường dắt chó tới cổng nhà H. để chó đi vệ sinh. Sau nhiều lần nhắc nhở mà hàng xóm vẫn không thay đổi, lần nọ, giữa ban ngày ban mặt, chồng H. tiến đến trước cửa nhà kia và… đi vệ sinh một cách thản nhiên, khiến H. hết hồn vì ngại, vì sợ, vì quê độ. Nhưng chồng H., đang làm việc cho lãnh sự quán chứ chẳng phải là kẻ “ất ơ” nào, rất thản nhiên nói rằng muốn dạy cho hàng xóm một bài học.

4. Trong 1.001 câu chuyện những người vợ Việt có chồng Tây kể cho nhau nghe, than thở, tìm phương cách giải quyết, có cả những vấn đề vô cùng tế nhị trong chuyện riêng tư. Không chỉ là độ chênh về sức khỏe, nhu cầu mà cả những chuyện khác lớn hơn. 

Lần đầu nghe chồng rủ đi “swap party”, H.L. hết hồn hết vía khi biết rằng ở đó họ có thể… đổi chồng đổi vợ. Cãi cọ, phản đối, không chấp nhận… vô ích, chồng cô nói điều đó không có gì là ghê gớm và đó là tự do của mỗi người, nếu cô không thích thì anh sẽ đi một mình.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Cuộc sống chung với vô vàn khác biệt sẽ thử thách sức chịu đựng của đôi bên (Ảnh mang tính minh họa - Freepik)

 

Còn với K.N., một phụ nữ đã khá đứng tuổi, có vị trí xã hội cao ở Việt Nam, sau khoảng thời gian ly hôn và sống một mình thì được mai mối lấy một người chồng Mỹ. Vốn có hiểu biết, chị tìm hiểu kỹ rồi mới kết hôn. Song, khi sang đến Mỹ, sau một thời gian chung sống, chị mới nhận ra sự chênh lệch với chồng trong vấn đề riêng tư. Sức chịu đựng của chị lên đến đỉnh điểm khi chồng chị công khai đưa phụ nữ về những khách sạn gần nhà để chung sống.

Nói chuyện với vợ, chồng chị bảo anh ta vẫn thương chị, không bỏ chị vì chị là người phụ nữ tốt, biết giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, biết chăm sóc cho chồng từ cái áo đến đôi giày… còn giải quyết sinh lý là một vấn đề khác. Chị có toàn quyền chọn lựa: tiếp tục cuộc hôn nhân hay chia tay để trở về Việt Nam. 

Không ít đổ vỡ đã xảy ra, cũng không ít người tìm được hạnh phúc sau một khoảng thời gian chung sống. H.V. kể: “Mấy năm đầu quả là cực khổ. Chúng tôi cãi nhau thường xuyên, đập đồ đạc nữa. Con ra đời còn cãi nhau lớn hơn khi anh không chịu được kiểu chăm bẵm, lo lắng cho con của tôi. Nhưng rồi tôi cũng nhận ra rằng điều quan trọng là tôn trọng nhau và cùng tìm hiểu, cùng thỏa hiệp, cùng thay đổi rồi dần dần mọi chuyện sẽ ổn.

Vượt qua mười năm hôn nhân, bây giờ tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, tự do khi xếp được bản thân vào chuẩn sống tôn trọng tự do cá nhân của anh cũng như anh chấp nhận những tằn tiện, gom góp chi tiêu của tôi vì gia đình, con cái; vì tương lai vững chắc và cùng vì con”. 

Song Văn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI