Tính mạng thai phụ và trẻ em Afghanistan bị đe dọa khi hệ thống y tế bên bờ vực

22/11/2021 - 12:58

PNO - Sau khi các nước phương Tây cắt các nguồn viện trợ kể từ khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, nhiều bệnh viện ở nước này đang phải dần dần đóng cửa vì không có tiền trả lương cho nhân viên, thiếu điện và các trang thiết bị y tế, khiến cho những trường hợp cần được cấp cứu, trong đó có nhiều thai phụ và trẻ sơ sinh đang bị đe dọa tính mạng.

Shirin đã phải trả giá đắt trong cuộc xung đột ở Afghanistan, và ngay cả khi nó đã kết thúc với chiến thắng của Taliban. Ba năm trước, chồng bà - Mohammad Omar - bị mất chân khi một quả bom bên đường rơi trúng xe buýt ông của ông.

Một em bé sơ sinh đang được điều trị tại bệnh viện Gereshk
Một em bé sơ sinh đang được điều trị tại bệnh viện quận Gereshk

Sau đó, vào mùa hè năm nay, khi Taliban lên nắm quyền, thì Shirin, hiện đang làm nhân viên vệ sinh tại một bệnh viện ở tỉnh Helmand thuộc miền Nam Afghanistan, đã có được những ngày tháng yên bình. Nhưng cái đói lại đe dọa gia đình của bà Shirin khi nguồn viện trợ nước ngoài, vốn dùng để trả lương cho bà, nay không còn.

Chưa hết, do không trả được tiền thuê nhà, cả gia đình đã bị đuổi ra khỏi nhà. Ba tuần trước, do kiệt sức và đói và rét, cùng với những vết thương do tai nạn trước đây vẫn chưa lành hẳn, chồng của Shirin đã qua đời, bỏ lại bà và 4 đứa con.

“Ông ấy đã chết vì thiếu tiền. Không có ai cho chúng tôi vay cả. Chúng tôi đang phải sống trong khổ sở, nhưng nếu tôi vẫn còn nhận được tiền lương, thì mọi thứ có thể sẽ ổn”, Shirin, người phụ nữ 50 tuổi, than thở.

Nhưng ngay cả khi không được trả lương, Shirin vẫn tiếp tục đến bệnh viện quận Gereshk để làm việc tại khoa phụ sản. “Chúng tôi cần phải đến đây vì nhiều người khác cũng đang cần được giúp đỡ”, bà cho biết, khi đang cho một bé gái sơ sinh thở oxy, và bà phải chuẩn bị chuyển người mẹ vào phòng hồi sức, rồi khử trùng giường để nhận bệnh nhân tiếp theo.

Theo tờ The Guardian, các bệnh viện sản khoa ở Afghnistan hiện đang rất cần những nhân viên làm vệ sinh như bà Shirin để đảm bảo an toàn cho các bà mẹ mới sinh, vì hầu hết các bệnh viện cũng đang thiếu tiền mặt, điện, và phải dần dần ngừng hoạt động.

Hiện, những trường hợp cần cấp cứu - như thai phụ cần sinh mổ để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả mẹ lẫn con, hay nạn nhân tai nạn xe hơi cần phẫu thuật mở ngực và những người bị viêm ruột thừa tại Helmand - đều phải được chuyển đến Lashkar Gah, cách đó 1 giờ lái xe, nơi có bệnh viện Boost do tổ chức từ thiện Médecins Sans Frontières (Bác sĩ không biên giới) tài trợ - để được can thiệp kịp thời, vì hiện chỉ nơi đây mới có điện và các trang thiết bị y khoa cần thiết.

Khalida ba tuổi đang được điều trị vì suy dinh dưỡng. Để trang trải chi phí đi lại trong một giờ đến bệnh viện, mẹ cô đã hứa hôn với cô em gái năm tuổi của mình để kết hôn khi cô mới 15 tuổi.
Khalida ba tuổi đang được điều trị vì suy dinh dưỡng. Để trang trải chi phí đi đến bệnh viện, mẹ cô phải hứa gả cô chị gái năm tuổi khi cô bé được 15 tuổi

“Đã có trường hợp một thai phụ cần sinh mổ gấp do thai nhi có vị trí bất thường. Nhưng người mẹ không có tiền nên chúng tôi đã quyên góp tiền để hỗ trợ thuê xe hơi đưa cô ấy đến bệnh viện Boost”, Karim Walid - một bác sĩ phẫu thuật - cho biết.

“Phòng xét nghiệm thì không có đủ thiết bị, để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhiều loại bệnh, từ sốt rét đến AIDS, cũng như xác định công thức máu hoặc lượng đường trong máu. Hiện, chúng tôi chỉ có thể làm xét nghiệm mang thai và bệnh lao”, Bashir Ahmad Majar - giám đốc phòng xét nghiệm của một bệnh viện cho biết.

“Ngay cả găng tay dùng cho các nữ hộ sinh cũng đã hết. Chúng tôi đành phải yêu cầu những nhân viên có đủ khả năng tự mua những thứ này”, Malalai - một nữ hộ sinh từng làm việc tại cùng một bệnh viện với Shirin - cho biết.

“Nhiều bệnh viện đang đối mặt với tình trạng nói trên vì lâm vào cảnh nợ nần”, Haji Mohammad Barak - cựu Giám đốc bệnh viện Gereshk đã nghỉ việc vào đầu tháng 11- giải thích.

Hồi tháng 9, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới - đã đến thăm Kabul và cảnh báo toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Aghanistan đang trên bờ vực. Sau đó, Liên Hợp Quốc đã phải thu xếp hỗ trợ thanh toán một tháng lương cho đội ngũ nhân viên y tế của nước này.

“Nhưng chúng tôi cần một cái gì đó lâu dài. Chúng tôi không thể xoay xở khi chỉ nhận được vài tháng lương rồi mọi thứ lại diễn ra như trước. Xin đừng để chúng tôi vô vọng ở đây”, bà đỡ Malalai, người là trụ cột chính của gia đình, lên tiếng.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI