Tiêu thụ nông sản vẫn khó vì mỗi địa phương một quy định

04/09/2021 - 18:50

PNO - Chia sẻ tại buổi toạ đàm “Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản: trước mắt và lâu dài” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 4/9, có doanh nghiệp phản ánh, dù vận chuyển nông sản qua vài chục km nhưng phải chuyển xe hàng chục lần do qua mỗi vùng, quy định mỗi khác.

Doanh nghiệp, nông dân... đều khó

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, lưu thông hàng hóa vẫn đang rất khó khăn, trước đây là giấy xác nhận luồng xanh, xét nghiệm COVID-19, nay là giấy đi đường. Toàn TPHCM có 24 quận huyện nhưng có chưa tới 3-4 quận huyện cấp được giấy đi đường cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, mỗi tỉnh đều có nhiều quy định phòng dịch khác nhau. Vừa qua, TPHCM đưa ra kịch bản tái sản xuất sau ngày 15/9, nhưng vẫn còn quy định cứng nhắc mỗi nơi một kiểu, không giải toả được cho các doanh nghiệp thì lấy gì sản xuất? Chỉ cần một tỉnh nào đó mà người dân không được ra đồng, sợ nhiễm bệnh không xuống ao bắt cá để giao sẽ đứt gãy sản xuất. “Hiện một số mặt hàng nhu yếu phẩm không thiếu là do doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu dự trữ. Sau khi hết nguồn nguyên liệu này thì sẽ ra sao” – bà Lý Kim Chi nói.

Cũng vì mỗi địa phương một quy định nên theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, hiện công việc của doanh nghiệp mỗi ngày là giải quyết những vướng mắc ở các tỉnh. Khi doanh nghiệp xin phép sản xuất “3 tại chỗ”, có xã cho rằng, nếu phát hiện người nhiễm COVID-19 thì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự, khiến doanh nghiệp không dám thực hiện. Mặc dù đã phân luồng xanh, xe cũng ở “vùng xanh”, nhưng vận chuyển từ Cần Thơ về nhà máy sơ chế ở Tiền Giang, phải sang xe cả chục lần, ảnh hưởng đến chất lượng trái cây, quy trình sản xuất để xuất khẩu cho đối tác. Đó là chưa kể, doanh nghiệp xin phép cho công nhân đi thu hoạch nhãn nhưng mỗi ngày đều phải đưa đi test COVID-19, phải nhờ sự hỗ trợ khắp nơi, nếu không thì cũng không đi làm được. Nhiều người lao động đã thực hiện “3 tại chỗ” suốt 2 tháng qua, họ không còn tâm trí để làm việc nữa vì nhớ nhà, nhớ con. Nhưng doanh nghiệp không dám đưa người mới vào thay thế. Để doanh nghiệp duy trì sản xuất thì phải có biện pháp rõ ràng hơn. “Quan trọng hiện nay là tâm lý nông dân, họ không muốn sản xuất vì không biết dịch bệnh kéo dài đến bao giờ. Nếu họ không tập trung chăm sóc, khi kiểm soát được dịch sẽ xảy ra bài toán cầu lớn hơn cung” – ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, gần 95% doanh nghiệp trên địa bàn đóng cửa, còn lại sản xuất cầm chừng theo “3 tại chỗ” nhưng doanh nghiệp không thể gồng được nữa. Lúa chín thì phải thu hoạch, cá tra tới lứa thì phải bắt nhưng do vướng quy định giãn cách ở các tỉnh nên doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo ông Trường, tỉnh đưa ra giải pháp là phải tiêm đủ hai mũi vắc xin cho người lao động ở lĩnh vực nông nghiệp, kể cả thương lái nhưng lượng vắc xin không nhiều. Nhà nước cho phép địa phương tự tìm nguồn vắc xin nhưng không dễ. Bài toán này lẩn quẩn mãi chưa được giải quyết.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT thông tin, tiêu thụ nông sản những ngày gần đây đã được cải thiện. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm cần phải tiêu thụ 8 triệu tấn lúa, 1 triệu tấn rau của vùng ĐBSCL và 1,7 triệu tấn cây ăn trái. Riêng trong tháng 9, cần tiêu thụ 2 triệu tấn lúa, 400.000 tấn trái cây, rau cũng khoảng 250.000 tấn. Một tín hiệu đáng mừng là của khẩu Trung Quốc đã mở cửa, nhưng việc tiêu thụ trong nước vẫn chưa dàn trải đều tại các địa phương.

Đại dịch làm lộ nhược điểm chuỗi cung ứng nông sản

Theo bà Lý Kim Chi, các doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ”, chỉ sử dụng được 30-40% công suất. Nếu sau khi tái sản xuất, công suất lên 70-80%, các doanh nghiệp lại phát sinh nỗi lo là không có nguyên liệu. Sau đợt khó khăn này cho thấy, nông dân cần được hỗ trợ tham gia thương mại điện tử. Đồng thời, nhà nước cần có sự hỗ trợ về lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp cùng đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh quốc gia tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giúp lưu trữ nông sản trong thời gian dài, khối lượng lớn....

Tình hình tiêu thụ nông sản đã khả quan hơn trước. Ảnh Quốc Thái.
Tình hình tiêu thụ nông sản đã khả quan hơn trước - Ảnh: Quốc Thái.

Theo ông Trần Việt Trường, giải pháp trước mắt là cần có gói hỗ trợ tài chính trong thu mua lúa, thuỷ sản... giảm bớt khó khăn đầu ra cho nông dân. Lâu dài cần thiết phải có một trung tâm logigtis gắn với sàn giao dịch nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

“Muốn doanh nghiệp ký kết với người dân đòi hỏi phải có đơn vị đứng ra khảo soát bài bản về thị trường, nhu cầu từ các nhà nhập khẩu. Từ đó định hướng sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến sâu” - bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu đề xuất.

Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, dịch bệnh là dịp thử thách tư duy liên kết vùng của các địa phương, định hình lại không gian phát triển. Bộ cũng tự phát hiện đây là thời cơ để bộ nhìn lại trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sắp xếp lại hệ sinh thái từng ngành hàng, không bị chia cắt về hành chính nữa.

Hiện Bộ đã giao cho Tổ công tác 970 giúp đưa nông sản về TPHCM, chuẩn bị cho các mùa vụ sau vì tâm lý của người nông dân đang không tốt do giá cả đầu vào, đầu ra không ổn định. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch lâu dài cho các tỉnh ĐBSCL chứ không phải mỗi tỉnh. Hiện Bộ đã đề nghị mỗi tỉnh thành thành lập các tổ công tác riêng để kết nối tiêu thụ trong địa bàn. Đang tiến hành thực hiện quản lý vùng trồng để có sự đồng bộ về quản lý, khai thác vùng trồng, từng bước hình thành nội dung dự báo trong 3-5 tháng tới sẽ có gì, ở địa phương nào, không để bị ách tắc, gãy đứt như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, doanh nghiệp cần hướng đến mục đích không chỉ thu mua nông sản mà phải thông tin, định hướng với người dân về thị trường, giá cả. Nếu cả công đồng doanh nghiệp cùng với nông dân, giải quyết vấn đề, có cả chuyên gia, cơ quan quản lý đầu ngành hợp sức thì sẽ hạn chế rủi ro.

“Chúng ta cần phải xem lại cả hệ thống logictis cho cả thị trường nội địa, phát huy sức mạnh giữa nhà nước và doanh nghiệp là hợp tác công tư. Lâu nay nông dân cứ trách thương lái, gãy đứt chuỗi cũng từ thương lái, cần để thương lái mua cổ phần của doanh nghiệp, lập hiệp hội thương lái tạo cho họ sứ mệnh” – ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI