Tiếng trống trường không hẳn đã rộn ràng…

06/09/2017 - 11:36

PNO - Tia nắng còn sót lại cuối ngày quét qua mấy cái bằng khen trên tường, lóe lên cái tên của hai anh em Trà My, rồi mấy chốc, tắt hẳn. Nắng lụi, căn phòng trọ sụp tối và ngột ngạt hơn, những đôi mắt trẻ cũng lây lất.

Đã quá năm giờ chiều, trời vẫn loang lổ nắng. Những đứa trẻ chạy giỡn, rượt đuổi nhau chí chóe ngay giữa con lộ nhỏ thuộc ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TP.HCM, con bé mặc cái áo đỏ - lững thững đứng dòm lũ con trai, dòm người qua lại, dòm những vệt nắng cuối ngày quét xuống mặt đường nóng hổi. 

Cả một dãy nhà trọ giá rẻ, mỗi tháng 1 triệu đồng tiền nhà, 200 ngàn tiền điện nước. Xe máy ra vào liên tục, khói xịt từ ống bô vô mỗi cánh cửa hẹp. Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, bà nội của Trà My bị tai biến, liệt nửa người, nằm một chỗ từ cả năm nay; bà nằm ngay dưới cái kệ thờ con trai và cháu ngoại.

Tieng trong truong khong han da ron rang…
Có bữa, Trà My ôm cô nó khóc; mai mốt nội, rồi cô chết đi, con xin vô chùa ở, chứ biết ai nuôi anh em con bây giờ... Ảnh: Ái Mỹ

Cha Trà My bị câm, hôm đang chở đứa cháu gái kêu bằng cậu thì bị xe đụng, cậu chết tại chỗ, cháu cầm cự một thời gian rồi mất. Mẹ Trà My vốn sức khỏe tâm thần không ổn định, chịu tang chồng xong là mê mê tỉnh tỉnh, nhà ngoại thấy vậy nên xin rước về quê luôn. Thế là cô Tâm, trong cảnh vừa mất đứa con gái, lội từ Cà Mau lên, thuê nhà chăm mẹ, nuôi thêm mấy đứa cháu mồ côi. 

- Chào các cô đi con, Trà My! - Tôi quay lại, cái áo đỏ mấp máy môi, không thành tiếng nhưng đủ để hiểu đấy là lời thưa. Tôi rướn người, như cố tìm một chút không khí thoáng đãng, cảm nhận cái lững thững dòm đường của con bé ban nãy, ít nhất thì nó cũng sáng sủa và không bức bối, ngột ngạt như trong cái phòng trọ này. 

- Rồi con học bài, làm bài tập về nhà ở chỗ nào? - Tôi ái ngại hỏi khi nhìn quanh, chỗ ngồi còn không đủ thì lấy đâu ra mà kê bàn, bày sách vở. Con bé chỉ ra ngoài cái rẻo sân chung bé tẹo, ngổn ngang xe cộ, chất đống đồ lạc xoong, có một cái bàn đá công cộng. Người cô nói: Anh em tụi nó tranh thủ học khi trời còn sáng để tiết kiệm mở đèn, ở đây điện ký mắc lắm cô! 

- Con thích học môn gì nhất, toán hay tiếng Việt? - Con bé nhìn rồi cụp ngay ánh mắt xuống, tôi thấy khuôn miệng xinh xắn của nó he hé - Con thích múa - À, tay chân thẳng thớm này, múa chắc là đẹp lắm đây, mà vậy là con thích âm nhạc nữa phải không? - Nó gật cái rụp. Người cô cười, giọng vui hẳn: - Mê lắm, hôm trước, tui đi làm về (ai thuê gì làm đó), không thấy đâu, đi kiếm, con nhỏ ra tận ngoài sân bãi nghĩa trang, coi người ta hát múa, tui kêu mãi cũng không chịu về…

- Chiều nay, nhà nấu món gì? - Thì cũng như mọi hôm, đậu hũ, cháu nó không ăn được cá. Mà thịt thì cả tháng mới có một hai lần, đóng tiền học, tiền nhà, tiền thuốc, còn dư đồng nào thì tui mua. 

Tieng trong truong khong han da ron rang…
Bé Trà My trông bà nội nghỉ ngơi. Ảnh: Ái Mỹ

Tôi nhìn cái cơ thể gầy nhẳng của hai anh em, Trà My lớp 3 và anh trai Nguyễn Tiến, lớp 5. Mặt chúng nó buồn như nhau. Có chị hàng xóm đi ngang qua, ghé vào, chỉ tay ra phía ngoài, rổn rảng: Còn thằng anh tụi nó nữa, hơi khờ, đi lang thang miết. Cô Tâm nói thêm: - Nó khùng nhưng hiền, được cái không quậy phá gì, nhịn đói cả tuần cũng không sao, chỉ thèm uống Sting. 

Tia nắng còn sót lại cuối ngày quét qua mấy cái bằng khen dán trên tường, lóe lên cái tên của hai anh em Trà My, rồi mấy chốc, tắt hẳn. Nắng lụi, cả căn phòng trọ sụp tối và ngột ngạt hơn, những đôi mắt trẻ cũng lây lất. Ngày kia đã là tựu trường. Con bé có háo hức chờ đón? Chả biết. Nó nhận được phần học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ Nữ về là đưa hết cho cô, kèm theo lời năn nỉ: "Tối nay, cô cho con đi theo lượm bọc ve chai nhen". Bà cô già, người bé như cái kẹo, gạt đi: "Con ở nhà ngó nội rồi ngủ, 11 giờ khuya, con đi sao được". Nó canh nội rồi thiếp đi giữa sàn nhà hôi hổi. Có giấc mơ chữ nghĩa nào theo nó vào giấc ngủ…

2. Thằng bé Đạt theo mẹ xuống Sài Gòn, mặt nó vui như đi chơi tết. Mẹ nó, chị Đinh Thị Bạch Tin (ấp Kim Phát, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) tái khám căn bệnh ung thư vú. Chị đưa tay lên cổ thằng bé, nắn nắn, nói: "Nhân thể, em đưa con xuống khám luôn, nó nổi cái hạch cổ, càng ngày càng to, em lo quá…".

Tieng trong truong khong han da ron rang…
Chiều 5/9, chị Tin vui mừng báo cho chúng tôi, xét nghiệm hạch cổ của bé Đạt là viêm VA chứ không bị u bướu - Ảnh: Phùng Huy

Hai mẹ con thuê phòng trọ bên quận 2, chiều tối nay chị Tin gửi thằng con theo chuyến xe quen về Đức Trọng trước, cho nó kịp nhập học. Chị ở lại để vô tiếp đợt hóa trị. Gương mặt đẹp xanh xao, chỉ cười nổi khi dòm thằng con say sưa thưởng thức chai nước ngọt. Như hiểu cái nhìn của tôi, chị nói: "Em sống được tới giờ này là nhờ con, nghĩ tới tụi nhỏ, gì cũng vượt qua được". 

Trước ngày chị nhận lời chắp nối với anh, có nghe là anh có cô em gái bị tâm thần. Nhưng về ở cùng rồi thì mới hay, cả cha chồng, anh chồng, chị chồng, em chồng đều mang bệnh. Chị âm thầm gánh hết việc rẫy, việc nhà. Hỏi sao đã cực khổ trăm bề, còn đẻ chi nhiều, tội mình, tội mấy đứa nhỏ. Chị cười hiền, xuôi hai bàn tay gầy, nói trong hơi thở nhọc: "Biết là vậy nhưng nhà em nói, thôi thì mẹ mày chịu khó, mình đẻ con đông đông, để mai mốt hai vợ chồng có già chết đi, có anh em tụi nó ở lại mà chăm các bác các cô. Nhà này có huông bệnh tâm thần, nhỡ biết đâu anh em tụi nó…".

Tôi lặng người, ngoảnh dòm thằng bé con 8 tuổi, vẫn đang nhai từng miếng bánh Chocopie. Cái vị ngọt của chiếc bánh lại khiến tôi nuốt đắng. Trước nó, là Phát, là Hiếu, là Nguyên, là Trinh… Những đứa trẻ được sinh ra cho một “sứ mệnh”, là chúng sẽ thay nhau mà chăm những người thân bị bệnh tâm thần. Liệu rồi đây, có một sự đổi thay nào để phá tan cái mặc định nghiệt ngã ấy…

Thằng Đạt cười, để lộ hàm răng sún mà cu cậu cứ cố giấu nãy giờ. Mắt nó đẹp nhưng càng cười lại càng buồn. Cạnh đấy, mẹ nó vừa vuốt tóc thằng con vừa nói như tự an ủi mình: "Các cô, các bác được cái ai cũng hiền, không phải lên cơn quậy phá gì cả, họ ngủ ngày, đêm thức, mà thức thì đòi ăn, ăn dữ lắm…".

Tieng trong truong khong han da ron rang…
Nụ cười bẽn lẽn của bé Đạt bên mẹ. Ảnh: Phùng Huy

Chúng tôi trao 10 triệu đồng trong Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Hội LHPN TP.HCM - Báo Phụ Nữ TP.HCM cho chị Tin, gửi thêm ít quà cho Đạt, mong thằng bé học giỏi. Tôi bỏ lửng cái câu nói thường ngày “ để sau này lớn lên…”, bởi bức tranh màu xám ấy đã nguệch ngoạc ngay từ thuở nó chưa lọt lòng. Biết đâu đấy, Đạt và anh chị em cậu bé học giỏi, sẽ mày mò tìm thấy chiếc bút chì mầu nhiệm để tô vẽ lên đời chúng những sắc màu tươi sáng hơn…

***

Gạo, mắm, dầu ăn, bánh trái và… một nồi thịt kho đã kịp gửi về Hóc Môn cho anh em Trà My ngay trước dịp nghỉ lễ. Ít nhất, cái gia đình khốn khó ấy sẽ có chút niềm vui lễ lạt như bao người, bớt đi khoản lo tiền nhà, tiền chợ, tiền thuốc trong tháng tới. Cái hạch cổ của bé Đạt được chẩn đoán là viêm VA chứ không phải u bướu.  

Sáng 5/9, báo đài ngập tràn hình ảnh 22 triệu học sinh khắp cả nước tưng bừng đón chào năm học mới. Những chùm bong bóng bay bổng trên trời cao, chở theo bao ước mơ tuổi học trò, trong ấy, có mang theo cái ước mơ “thèm một bữa cơm có thịt”, “thèm một đôi giày để học múa” mà Trà My thỏ thẻ với tôi. Tiếng trống khai trường vang lên từng hồi, trong ấy, có vọng về cái thanh âm ngày mai không chờ đợi - với anh em nhà bé Đạt. Khi cái nghèo đói, bệnh tật, khốn khó cứ chồng chất, ghì sát đất, liệu nhịp cầu chữ nghĩa có bắc nổi qua sông mà đổi thay những số phận, những cuộc đời? 

Tiếng trống khai trường, tôi nghe, không hẳn đã rộn ràng… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI