Tiếng la ngọt lịm từ gánh “bún bò bà Đệ”

22/11/2021 - 08:32

PNO - Mỗi lần tôi cho mớ thịt bò các loại vào hầm lên theo “công thức bà Đệ”, ngoại lại sống dậy những ký ức với nồi bún bò 40 năm trời tần tảo.

Cuối tuần, cả nhà đông đủ, tôi nấu một nồi “bún bò bà Đệ” để thết đãi ký ức. Mớ xương ống, bắp bò, gân bò rửa kỹ bắc lên hầm với sả cây. Bà ngoại nằm ở cái giường gần nhà bếp, quờ quạng ngồi dậy hỏi: “Đứa mô hầm bò đó bây?”. Tôi chỉ chờ khoảnh khắc này nên hớn hở hỏi với lên: “Ngoại nghe mùi quen không?”. Bà ngoại ra vẻ tinh anh: “Chậc, bún bò bà Đệ chớ chi mà lạ!”.

Ngoại chính là “bà Đệ” trong tên gọi của món bún bò thần thánh. 5 năm nay ngoại không còn khả năng nấu bún. Và đã 15 năm ngoại “nghỉ hưu”, từ bỏ gánh bún bò ở một góc chợ Chùa. 

Bún bò tác giả nấu theo công thức của bà ngoại
Bún bò tác giả nấu theo công thức của bà ngoại

Nhưng chỉ cần nhắc “bún bà Đệ”, người dân Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) thế hệ 8X trở về trước chắc chắn sẽ sống dậy cả một vùng ký ức. Món bún bò ngon thần sầu, giá 2.000 đồng/tô. Nói tới bún bò bà Đệ, người biết chuyện sẽ nhớ đến một cụ bà cao và gầy, ngồi sau một cái gánh nghi ngút khói ở ngay góc ngã ba chợ Chùa. Nhưng với tôi, nó là từ khóa cho cả một đoạn đời dài dằng dặc.

Trong ngôi nhà gỗ phía sau sân banh của huyện, tôi đón ngoại về vào mỗi buổi trưa kèm theo… tiếng mắng. Ngoại không phải một bà ngoại hiền lành trong truyền thuyết. Ngoại có một vẻ ngoài lạnh lùng, suy nghĩ sắc sảo, nói lời sâu cay nhiều hơn là ngọt ngào.

Ở chợ Chùa năm đó, người ghét ngoại chắc nhiều hơn người thương, nhưng gánh bún luôn đông khách, lúc nào cũng hết chỗ. Tôi đoán, ngoài sự hấp dẫn của tô bún bò bà Đệ, thì gian hàng đông khách là vì khi ngồi đối diện ngoại qua gánh hàng đó, người ta lại thấy một cụ bà khe khắt và tỉ mẩn từng chút với tô bún trước khi trao vào tay khách hàng. 

Ngoại mắng tôi cả ngày. Sáng sớm đã mắng “lát lại dậy trễ cho coi” dù lúc ngoại rời nhà đi mới 4g sáng. Trưa ngoại mắng nấu nướng chậm chạp. Xế thì ngoại la: “Dại, ăn uống không nên nết”. 

Hồi đó, mẹ tôi mưu sinh ở Sài Gòn. Mỗi lần về thăm, mẹ lại phải nghe nhiều người giục: “Làm răng (sao) đem con bé này đi, chứ để ở nhà bị ngoại la hoài tội quá”.

Nhưng cả tôi và mẹ đều biết, phía sau những tiếng la mắng của ngoại là một trái tim đầy ân cần và âu lo. Ngoại đi bán rất sớm nên gửi lại một tiếng mắng để giúp tôi ghi nhớ mà đừng dậy trễ. Buổi trưa, thấy tôi vụng về nhóm bếp, ngoại vừa thương vừa thẹn nên cứ lớn tiếng la mắng để át đi cái xót xa. Hàng xóm chỉ nghe tiếng mắng, nhưng tôi thì chứng kiến ngoại buông gánh bún xuống, chạy lại giành mấy khúc củi để đỡ cho tôi một lần nấu nướng.

Còn buổi chiều, lúc nào tôi tỉnh dậy cũng thấy ngoại ngồi đó bên mớ thịt bò đã hầm mềm. Ngoại xắt một chén bắp bò để sẵn và… buộc tôi ăn hết. Rồi lần nào cũng thế, tôi ngúng nguẩy chê “ngán”, thì ngoại lập tức mắng: “Đồ không biết ăn, không biết cái gì ngon cái gì dở!”.

Lẽ ra cả nhà có thể sống nhờ vào gánh bún của ngoại: Cứ ngày hôm trước, mẹ tôi soạn sành chuẩn bị mọi thứ, đến sáng sớm hôm sau ngoại gánh đi bán. Nhưng khi cậu Út vào đại học, gánh bún không nuôi nổi bốn miệng ăn cùng hai đầu học phí của tôi và cậu, nên mẹ đành ly hương. 

Ngày mẹ nói dự định vào Sài Gòn làm công nhân, mặt ngoại lạnh như tiền. Rồi mẹ đi thật. Từ hôm đó tôi phải phụ một chân làm rau, còn ngoại thì lục đục nấu nướng cả ngày. Tôi thỉnh thoảng lén nhìn mặt ngoại để xem có phù hợp để trút ra một tiếng “nhớ má” không, nhưng ngoại chỉ lạnh tanh và chăm chú nấu nướng. Đến chiều, khi mọi việc xong hết và đến phần cơm nước, ngoại ngồi ngay bàn ăn, bệu bạo nói: “Cần thì nhịn ăn bớt, ở nhà rồi ăn mắm ăn muối cũng được, cớ chi phải đi tuốt vô trong nớ”.

“Giang sơn” sau đó là của tôi và ngoại. Trường cách nhà chỉ 500 mét, nhưng tôi phải… đi ngang qua hàng bún. Mà hễ đi ngang là phải ghé lại “làm một tô”. Tôi quá ngán mùi bún bò nên phải tìm cách đi vòng để tránh mặt ngoại. Tôi băng qua một cánh đồng nhỏ, leo lên bờ thành của một mương nước vắng teo để đi vào trường học. Bằng cách đó, tôi trốn được một bữa sáng với bún bò, nhưng lại… ăn thêm một lần mắng vào buổi trưa. 

Trưa về, thể nào ngoại cũng mắng um cả xóm vì tôi “bỏ bữa sáng, ăn uống không nên nết”. Thế nhưng sau vài lần ngoan cố khẳng định “không ăn nổi bún bò nữa”, tôi cũng được ngoại phát cho 2.000 đồng để được tự do ăn sáng.

Hồi đó, câu nói ngọt ngào nhất mà ngoại nói với tôi là: “Sau ni có nuôi ngoại không Trinh?”. Tôi luôn trả lời chắc nịch: “Nuôi chứ!”. Ngoại “xì” một tiếng: “Sau ni có chồng rồi đi tuốt luốt chứ biết chi tới ngoại nữa!”. Tôi lại cãi: “Có chồng cũng ở với ngoại!”. Ngoại lại thở hắt ra: “Lên trời mà kiếm thằng chồng chịu ở rể!”.

Hồi đó hứa vậy, nhưng tôi cũng không hình dung mình sẽ có chồng rồi sinh con đẻ cái thế nào để được ở bên ngoại. Vậy mà bây giờ, tôi lần lượt sinh hai đứa con và gầy dựng gia đình trên mảnh đất của ngoại, với sự chứng kiến của ngoại. 

Ở tuổi 80, ngoại chỉ còn minh mẫn mỗi lần nghe mùi bún bò, hoặc được giao nhiệm vụ giữ chắt
Ở tuổi 80, ngoại chỉ còn minh mẫn mỗi lần nghe mùi bún bò, hoặc được giao nhiệm vụ giữ chắt

Ngoại đã gần 90 tuổi, quên nhiều hơn nhớ. Tuổi già càng làm ngoại khó chiều. Cơn nhớ nhớ quên quên cùng những lần hưng phấn cảm xúc của ngoại rất thách thức sự kiên nhẫn của con cháu. Nhưng ngoại chỉ chịu “bé Trinh”, chịu hợp tác cùng lịch sinh hoạt do vợ chồng tôi tổ chức.

Căn nhà từ ngày có cháu rể thì được xây lại tinh tươm, sân trước trồng rợp hoa hồng. Ngoại hầu như không thể tự ăn uống, tắm rửa, nhưng luôn tinh anh mỗi lần được giao “ngó chừng bé Dưa”. 

Và mỗi lần tôi bỏ mớ thịt bò các loại vào hầm lên theo “công thức bà Đệ”, ngoại lại sống dậy những ký ức với nồi bún bò 40 năm trời tần tảo. Rồi ngoại ngồi đó, giọng lanh lảnh hướng dẫn cái này, nhắc nhở cái kia, rộn ràng hết cả một khu nhà vườn… 

Kiều Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI