Tiêm chủng cho con - nhiều phụ huynh mơ hồ

07/03/2016 - 07:16

PNO - Nhiều bậc phụ huynh không nắm rõ tình trạng sức khỏe của con mình trước khi tiêm phòng, "mù tịt" về lịch và các loại bệnh cần tiêm phòng...

Tiem chung cho con - nhieu phu huynh mo ho
Tiêm chủng cho bé tại viện Pasteur TP. HCM - Ảnh: P. Huy

Nhận sổ tiêm chủng của con từ tay vợ, anh Phạm Hữu Chí (32 tuổi, Q.8) “nghiên cứu” khoảng năm phút rồi hỏi: “Bữa nay con mình chích cái gì vậy? Có còn phải chích viêm gan không?”. “Anh hỏi tôi, tôi hỏi ai?”, vợ anh bực dọc. Những phụ huynh (PH) mơ hồ về lịch chủng ngừa của con như vợ chồng anh Chí không ít.

Sáng 3/3, tại khoa Khám trẻ lành mạnh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, có hàng trăm PH đưa con đến chờ chích ngừa, hầu hết đều không nắm được con mình sẽ tiêm vắc-xin gì. Chị Nguyễn Thanh Cầm (Q.2) cho biết, con chị ba tháng tuổi, đi tiêm vắcxin lần 2, nói: “Lần trước tui đưa cháu đến BV tiêm vắc-xin 6 trong 1 nhưng chưa có nên phải tiêm “tạm” loại 3 trong 1 dạng dịch vụ. Lần này bác sĩ (BS) nói cháu sẽ được tiêm loại 5 trong 1 theo chương trình miễn phí, không biết có phù hợp không?”. Đáng lo là dù mù mờ thông tin nhưng chị cũng không dám hỏi BS.

Tại phòng tiêm số 6, BV Nhi Đồng 2, nơi tiêm vắc-xin miễn phí cho trẻ, nhiều PH lúc ở bên ngoài tỏ ra thắc mắc và tranh luận rất nhiều với người nhà về chuyện tiêm vắc-xin cho con, nhưng khi đưa trẻ vào gặp BS lại... im như thóc. Ghi nhận tại nhiều đơn vị phường/xã tiêm vắcxin cũng cho thấy, hầu như không PH nào kiểm tra lọ vắcxin Quinvaxem (các lọ vắc-xin đều có dấu hiệu nhận biết về chất lượng) hay phân biệt giữa mũi tiêm 5 trong 1 và 6 trong 1.

Ngay cả những việc đơn giản nhưng rất quan trọ g là tình trạng sức khỏe của con trước khi tiêm phòng, nhiều PH cũng... ấm ớ khi nhân viên y tế hỏi đến. Tại phòng tiêm số 6, BV Nhi Đồng 2, khi được nhân viên y tế hỏi, hai PH (mẹ bé Nguyễn Phương Anh và bé Lê Thanh Vinh, cùng ba tháng tuổi, đi tiêm phòng lần thứ 2) đều không nhớ con mình hai tuần qua có bị sốt hay không.

Thậm chí, khi nghe hỏi về thân nhiệt của bé, mẹ bé Phương Anh “vô tư”: “Hôm trước em dùng tay sờ thấy cháu hơi ấm ấm…”, BS phải hướng dẫn: “Muốn biết con bị sốt hay không và để đo thân nhiệt thì phải dùng nhiệt kế…”. Thực tế, tại các phường/xã đều có hướng dẫn, phát tờ rơi cung cấp những thông tin cơ bản về việc theo dõi sức khỏe bé, cách đo thân nhiệt, khi nào có thể dùng thuốc hạ sốt, điều kiện để bé có thể tiêm phòng… nhưng chẳng mấy PH quan tâm, cứ nghĩ đó là việc của BS.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm và BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 1 đều khẳng định, việc chích ngừa cho trẻ là vô cùng quan trọng. Hiện Nhà nước đang miễn phí vắc-xin phòng các bệnh thường gặp cho trẻ, PH nên cho con tiêm đúng lịch để hiệu quả phòng bệnh được tốt nhất.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, PH có thể cho con chủng ngừa thêm các loại vắc-xin khác như phế cầu (bệnh dễ lây và gây biến chứng cho trẻ như viêm phổi) hay ngừa viêm não mô cầu, thủy đậu... Các loại vắc-xin đều được thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới và sự đồng ý cho lưu hành của Bộ Y tế, nên đều đáng tin cậy.

Theo BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe TP.HCM, một trong những vấn đề khiến PH lo lắng khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin là phản ứng sau tiêm. Khảo sát của Sở Y tế TP.HCM cho thấ y, có đến 76% (653/859 người) quan tâm đến yếu tố này. Tiếp đến là lo ngại về sự an toàn của vắc-xin, chiếm 39% (331/859 người). Nỗi lo sợ của PH xuất phát từ sự thiếu thông tin và nhiều thông tin bị nhiễu, chưa minh bạch.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI