Thực phẩm bẩn độc: Người sản xuất lý giải chuyện "đầu độc"

17/11/2015 - 11:54

PNO - Nuôi đàn lợn, trồng ruộng rau nhưng chẳng lời lãi, sung sướng gì khi phải gánh bao nhiêu thuế phí, áp lực cơm - áo - gạo - tiền.

Đau đầu vì thuế, phí

Huyện Chương Mỹ - TP. Hà Nội là địa phương cung cấp thực phẩm hàng ngày cho người dân thủ đô và các tỉnh phụ cận. Trước thông tin thực phẩm bẩn độc tràn lan thị trường khiến tình trạng ung thư gia tăng, những hộ nuôi lợn, gà, bò... ở đây đều lâm vào tình trạng khó khăn bởi số lượng tiêu thụ không còn nhiều như trước.

Trao đổi với Phunuonline vào chiều ngày 15/11, anh Nguyễn Văn Hải (42 tuổi, ngụ xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) phân trần: "Bây giờ nuôi lợn, nuôi gà mà không dùng cám tăng trọng thì chỉ có lỗ vốn, làm sao có thể đảm bảo cuộc sống của gia đình hàng ngày?".

Chính anh Hải cũng thừa nhận việc nuôi gia súc bằng các loại hình cám tăng trọng sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm, gây hại cho người tiêu dùng. Nhưng "nếu không như vậy thì không giải quyết được nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền". Theo lời anh Hải chia sẻ, vợ chồng anh có 4 người con, đều đang ở độ tuổi đến trường. Hai vợ chồng chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ nuôi lợn, nuôi gà và trồng rau.

Thuc pham ban doc: Nguoi san xuat ly giai chuyen
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mỗi con lợn hiện đang phải gánh 51 loại thuế.

Năm 2012, khổ nhọc mãi vợ chồng anh mới làm xong thủ tục vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lợn.

"Chưa kể đến áp lực của sinh hoạt cá nhân, chỉ cần tính toán làm sao chăn nuôi đạt hiệu quả để trả tiền con giống, tiền cám, tiền lãi ngân hàng, phí như kiểm dịch, tiêm phòng, gắn thẻ tai, vệ sinh chuồng trại, giết mổ… thậm chí, khi thịt lợn ra đến ngoài chợ cũng còn phải chịu thêm phí.

Mỗi năm, tôi phải mất vài chục triệu đồng cho tất cả các loại phí trên, phí nhiều đến mức giờ tôi chả nhớ nổi, khiến vợ chồng tôi đau đầu mà muốn đạt kết trong thời gian nhanh nhất..." - anh Hải lý giải cho việc sử dụng cám tăng trọng, kích thích tăng trưởng cho lợn ăn hàng ngày.

Cũng có trại chăn nuôi lợn với quy mô khoảng gần 200 con ở huyện Ba Vì, ông Nguyễn Văn Đại cho biết, một con lợn giống sinh ra một tuần phải tiêm vaccine phòng hô hấp 15.000 đồng; đến 21 ngày tiêm vaccine phòng hô hấp lần 2 với giá 15.000 đồng; ngày thứ 25 tiêm phòng đông lạnh 75.000 đồng.

Khoảng 1 tuần sau tiêm vaccine thương hàn 3000 đồng; vaccine dịch tả, suyễn, PRRS và vaccine LMLM tổng là 90.000 đồng. Phí phòng bệnh tai xanh 60.000 đồng, phí cho việc phòng kháng sinh và thuốc bổ là 100 nghìn đồng.

 “Với quá nhiều phí như vậy, thử hỏi giá thịt lợn từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên bao nhiêu, đó là chưa kể các loại “phụ phí” khác? Phí nhiều đến mức chúng tôi chỉ nghĩ đến đã thấy đau đầu rồi” - ông Đại tâm sự.

Còn bà Phạm Thị Chuyền - 54 tuổi, người dân xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ cũng thừa nhận chuyện phun thuốc kích thích hàng ngày để cho rau phát triển, có hàng đem ra chợ bán. "Ở đây, mọi người đều làm như vậy, có hiệu quả thì tôi cũng làm theo. Nếu mình không chạy đua thì sẽ tụt hậu, sao cạnh tranh được với họ" - bà Chuyền nói.

Thuc pham ban doc: Nguoi san xuat ly giai chuyen
Để có được mớ rau ra chợ bán, người nông dân cũng phải chịu rất nhiều áp lực cơm - áo - gạo - tiền.

Theo bà Chuyền, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình trông chờ vào mấy ruộng rau do 2 vợ chồng chăm bón. Rồi cuộc sống hiện đại khiến hai vợ chồng quay cuồng với nỗi lo tiền bạc.

"Ở nhà thì chịu thuế đất, thuế giao thông... ra tới ruộng thì chịu phí quản đồng, phí đánh chuột, phí thủy lợi.... đưa rau ra tới chợ thì chịu "phí chỗ ngồi", tính ra mỗi cọng rau phải chia thành 14 - 15 phần để trả từng loại thuế, phí. Chưa kể để có cọng rau thì còn phải bỏ bao nhiêu công sức chăm bón, nhiều khi bỏ cả con để ra ăn, ngủ với rau" - bà Chuyền phân trần.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI