Thực hiện Nghị quyết 43: Tiến độ giải ngân vốn nhiều dự án y tế không đảm bảo thời hạn

25/05/2024 - 10:16

PNO - Tiến độ giải ngân vốn nhiều dự án y tế, công nghệ thông tin không đảm bảo thời hạn trong Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ông Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 43
Ông Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 43

Quyết sách kịp thời, hợp lòng dân

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Nghị quyết 43 được Quốc hội ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.

Đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh...

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng và chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nỗ lực, cố gắng để hoàn thành đưa vào khai thác 635km thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.001km.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đánh giá, đây là quyết sách kịp thời, “hợp lòng dân”, các chính sách đưa ra có tính chất chiến lược, thúc đẩy kinh tế, xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế tiếp tục
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế đánh giá hiệu quả vốn từ chương trình, nâng cao hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh cũng thẳng thắn chỉ ra, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 còn một số tồn tại, hạn chế.

Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết số 43; danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của chương trình.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin.

“Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỉ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đạt 56% kế hoạch” - ông Lê Quang Mạnh nói.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn. Việc mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, đôi lúc bị gián đoạn hoặc chậm cung ứng. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được sau tác động của dịch COVID-19.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ tác động của thế giới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, có nguyên nhân từ công tác dự báo, đề xuất mức vốn các dự án đầu tư chưa sát thực tiễn. Một số cơ quan, địa phương chưa quyết liệt triển khai

“Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục” - ông nói.

Cùng với đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách còn chậm, có quy định chưa rõ, chưa thống nhất.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan.

Trong đó, Bộ Y tế cần đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của chương trình để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật. Công tác này phải bảo đảm tính đồng bộ giữa đầu tư các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế.

Các địa phương rà soát, có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố để hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu