Thu phí nghe nhạc trực tuyến: Khó từ trong khó ra

18/04/2013 - 03:24

PNO - PN - Không dừng ở thu phí tải nhạc, ngay từ quý II/2013 này, việc thu phí sẽ áp dụng cho cả việc nghe trực tuyến. Tuy nhiên, nếu việc thu phí tải nhạc được xem là khó một, thì thu phí nghe nhạc lại khó mười. Nghịch lý là việc thu...

Theo ông Phùng Tiến Công - đại diện MV Corp, đơn vị đang nắm giữ bản quyền số lượng ca khúc lớn nhất hiện nay - bắt nguồn từ con số ít ỏi của tháng đầu tiên thu phí tải nhạc với hơn 15 triệu đồng, tình hình đã có chiều hướng tiến triển tốt hơn sau năm tháng thực hiện, khi doanh thu tăng đều đặn, tháng sau cao gấp rưỡi tháng trước. “Nếu có tăng gấp đôi, gấp ba thì con số đó cũng chẳng bõ bèn gì, nhưng ít ra đó cũng là một tín hiệu tốt”, ông Công cho biết. Sự chẳng bõ bèn đó phần nào đến từ một bất cập là thị trường vẫn tồn tại song song cả hai thao tác vừa cho, vừa bán: bên cạnh phiên bản để bán (chất lượng 320kbps) vẫn có phiên bản miễn phí (chất lượng 128kbps). Đó là chưa kể phương thức giao dịch trong thời gian qua khá rối rắm, mỗi đơn vị cung cấp áp dụng một cách khác nhau, đơn vị này dùng thẻ cào, đơn vị kia trừ thẳng vào tài khoản điện thoại…

Để kết thúc điều đó, phương án khả thi và được xem là hợp lý nhất là thu phí cả nghe trực tuyến. Theo đó, người dùng sẽ chỉ được nghe thử một đoạn của ca khúc thay vì nghe miễn phí hoàn toàn. Sau khi nghe thử, người dùng sẽ quyết định đóng phí để nghe trọn vẹn ca khúc (với mức khá thấp, chỉ vài trăm đồng một ca khúc, hoặc chỉ từ 10.000 - 15.000đ/tháng) hay đóng phí để tải ca khúc đó về phương tiện cá nhân như năm tháng qua. Hiện những vướng mắc về kỹ thuật đã được các bên họp bàn và thống nhất, đó là hoàn thiện chất lượng ca khúc và tối giản hóa phương thức thu phí. Theo đó, tất cả sẽ thông qua tài khoản điện thoại với mức phân chia dự kiến là nhà mạng hưởng 50%, 50% còn lại là của website, ca sĩ, nhạc sĩ… Tuy nhiên, dù đã bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 4/2013 nhưng hiện việc thu phí nghe nhạc cũng chỉ mới thử nghiệm đối với một số tên tuổi và số ít album, nên mọi thứ gần như chưa có gì thay đổi.

Thu phi nghe nhac truc tuyen: Kho tu trong kho ra

Không chỉ album cũ, nhiều album nhạc trẻ cũng đã nằm trong danh sách nghe có phí

Thế nhưng, dù “cưỡng chế” thói quen người dùng bằng cách bán hoàn toàn chứ không vừa bán vừa cho nữa, thị trường nhạc số Việt Nam không có gì hứa hẹn sẽ đi vào nền nếp. Khó khăn trong lộ trình thu phí này không chỉ ở thói quen xài “chùa” của người dùng, mà còn ở chính ca sĩ - người sẽ được chia một phần của miếng bánh doanh thu. Nếu như nhiều ca sĩ gạo cội đề nghị phải bán hoàn toàn, thì vẫn có không ít ca sĩ muốn cho nghe miễn phí, thậm chí là download miễn phí với mục đích quảng bá tên tuổi.

Thực tế, việc “coi rẻ” nhạc số trong một bộ phận ca sĩ không phải là không có lý do, dù không ít trong đó từng mong muốn có được một thị trường chuyên nghiệp như các nước và hoàn toàn biết rằng nhạc số là xu thế tất yếu. Trong đó, việc thiếu lòng tin vào sự trung thực của các website là lý do cơ bản nhất. “Nhiều website thông báo ca khúc được tải vài ngàn lần, nhưng thực tế là cả trăm ngàn lần. Biết vậy nhưng chúng tôi không có bằng chứng", ông Quang Cường, quản lý của ca sĩ Quang Hà cho biết.Không chỉ ca sĩ, hiện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng “đau đầu” khi không có phương tiện kỹ thuật để đối soát, đành chấp nhận những con số được thông báo một chiều từ các website.

Rõ ràng, bất kể đó là thị trường nào, một khi các bên tham gia không tuân thủ một quy tắc ứng xử chung, khi đó thị trường sẽ vẫn còn hỗn độn. "Chúng tôi cho rằng, ít nhất phải đến năm 2015 thì nhạc số mới có thể “làm nên chuyện” được”, ông Phùng Tiến Công nhận định.

 Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI