Dân Sài Gòn khó thở vì hàng ngàn miệng cống 'hết đát'

22/02/2019 - 09:28

PNO - Buổi trưa, nhiều người dân ở TP.HCM phải đóng kín cửa để tránh mùi hôi từ miệng cống xộc lên.

Hơn một tuần nay, TP.HCM nắng nóng với nhiệt độ giữa trưa vượt 360C. Ngoài “chạy nắng”, nhiều người dân còn phải gồng mình với nạn ô nhiễm mùi hôi từ các mương, cống ô nhiễm nghiêm trọng.

Miệng cống hà hơi, dân ngộp thở

11g trưa, nhiều người dân có nhà ở gần chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) phải chốt kín cửa, tự nhốt mình trong phòng để trốn mùi hôi. Cái nắng oi bức mang theo mùi hôi của rác thải, ô nhiễm xộc vào nhà khiến nhiều người khó thở. 

Dan Sai Gon kho tho vi hang ngan mieng cong 'het dat'
Nước kênh Hy Vọng đổi màu trong mùa nắng nóng - Ảnh: Hoàng Nhiên

Gần số nhà 87 Phạm Văn Hai, có một miệng cống bốc mùi hôi, bị người dân phủ bạt che kín. Thế nhưng, giải pháp này không mấy hiệu quả, vì càng về trưa, khu vực gần cống càng nặng mùi hơn. Theo người dân, phủ bạt bịt miệng cống hoặc xịt khử mùi chỉ là giải pháp tạm thời vì mỗi ngày, vẫn có hàng đống rác thải bị vứt xuống miệng cống và nguồn nước vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Anh Đinh Văn Sơn - nhà ở đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình - cho biết: “Do khu vực này gần chợ nên nguồn nước thải thường bị ô nhiễm, bốc mùi hôi. Khoảng hơn một tuần nay, chúng tôi chịu trận mùi hôi từ sáng đến chiều; tới tối, mùi hôi mới 
dịu bớt”.

Dọc theo trục đường Ba Tháng Hai, Q.10, vào giữa trưa, hàng loạt miệng cống xuống cấp, bốc mùi hôi nồng nặc. Anh Hoàng - chủ một tiệm ăn trên tuyến đường này cho biết - để ngăn mùi hôi, anh đã mua thảm lót sàn che miệng cống. Tuy nhiên, nhiều khách đến tiệm ăn vẫn phàn nàn về mùi hôi và lượng khách gần đây có phần giảm. 

Theo tài liệu chúng tôi có được, hiện TP.HCM có hàng ngàn miệng cống kiểu cũ được đánh giá là “hết đát” do bị xuống cấp, khả năng thu nước kém và gây mất mỹ quan đô thị, nằm rải rác ở các quận, huyện. Trong lúc chờ được lắp miệng cống thông minh có chức năng ngăn mùi, vào mùa nắng nóng, người dân sống ở gần các miệng cống cũ vẫn phải gồng mình chịu đựng mùi hôi, 
ô nhiễm.

Lộ diện “sát thủ” mùa nóng

Trong khi ở khu vực nội thành, người dân khốn khổ với mùi hôi thối từ miệng cống liên tục bốc lên, thì tại nhiều khu vực ngoại thành, khi mực nước kênh rạch xuống thấp, tình trạng ô nhiễm cũng lộ ra, gây nhiều lo ngại. Cụ thể, tại kênh Hy Vọng, đoạn gần tiếp giáp với đường Tân Sơn (thuộc Q.Tân Bình), nước chuyển sang màu nâu đỏ rất kỳ lạ.

“Vào mùa mưa, mực nước kênh nhiều nên màu nước đỏ hòa lẫn, nhìn không rõ. Vào mùa khô, màu đỏ rất đậm và mùi hôi từ kênh bốc lên càng nhiều” - một người dân ở gần miệng cống đổ nước ra kênh Hy Vọng, lo lắng.

Tại đoạn kênh trước Trường mầm non Trúc Xanh (đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân), nước cũng chuyển màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc. Dưới kênh, có đủ loại rác thải, xác động vật chết nổi lềnh bềnh khiến người đi ngang qua có cảm giác buồn nôn. Đáng nói, khu vực này nằm gần khu dân cư và ngay trường học. Không ít người lo ngại, tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là các học sinh mầm non.

“Kênh bốc mùi hôi cả tháng nay. Mùa mưa còn đỡ hôi chứ vào mùa khô, nước tù đọng, rác thải nổi đầy mặt kênh. Ban ngày ngửi mùi hôi đến khó thở, tối lại thì muỗi hoành hành” - chị Bùi Cẩm Liên, có nhà ở bên đoạn kênh này, cho hay.

Dọc theo đoạn kênh 19/5 (Q.Bình Tân), chúng tôi ghi nhận, nước kênh đen đặc, còn trên bờ kênh, người dân vẫn tụ tập buôn bán và vứt rác thải xuống kênh. Trong khi đó, vào mùa nắng, mực nước kênh xuống cạn nên rác không trôi đi mà tụ lại thành từng đống, bốc mùi gây khó chịu và bất an.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) - cảnh báo, trong miệng cống hay dưới kênh, có rất nhiều loại vi khuẩn vì có rất nhiều chất thải sinh hoạt lẫn chất thải công nghiệp. Vào mùa ngập nước, vi khuẩn theo nước nổi lên mặt đường; khi nước rút, sẽ khô lại thành bụi. Khi đó, xe cộ, người đi qua làm bụi tung lên, các phân tử này sẽ theo đó bay khắp nơi, dính vào cơ thể người rồi gây bệnh.

“Mùi hôi mà người dân đang hứng chịu là do các phân tử hữu cơ phân tán ra không khí. Trong phân tử này có chứa vi khuẩn, vi-rút, là tác nhân gây các bệnh về hô hấp và các bệnh truyền nhiễm” - bác sĩ Mai nói. 

Cần thay gấp hơn 3.000 hố ga ô nhiễm

Theo khảo sát của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM, hiện ở TP.HCM, có hơn 3.000 hố ga không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, cần phải thay thế gấp. Trước đó, công ty này đã được chấp thuận cho thay thế thí điểm hơn 300 hố ga ô nhiễm bằng hệ thống hố thu nước mới do chính công ty thiết kế, sản xuất.

Ông Bùi Văn Trường - Trưởng phòng Quản lý thoát nước mưa của công ty này - cho biết, những hố ga mới thay thế không chỉ cải thiện được tình trạng thu nước, ngăn chặn rác hiệu quả mà còn giảm thiểu mùi hôi bốc lên.

Theo đánh giá của UBND Q.4 (một trong ba quận được lắp đặt thí điểm hố ga mới), các hố ga thông minh hoạt động hiệu quả trong việc thu nước, ngăn chặn mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Từ đó, UBND Q.4 kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho triển khai lắp đặt mới toàn bộ những hố ga không đảm bảo môi trường tại quận này.

Hoàng Lâm - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI