Sao lại cho phép xây nhà trên cống thoát nước?

27/12/2018 - 06:00

PNO - Để giải quyết cái gốc của sự việc, chính quyền TP.HCM cần có trách nhiệm thu hồi phần đất công trên cống chung đã cấp sai cho nhà 489A/21/15 Huỳnh Văn Bánh.

Nhiều hộ dân tại hẻm 489A/21, 489A/19 và 489/24A Huỳnh Văn Bánh (P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) rất ngạc nhiên và hoang mang khi hay tin UBND TP.HCM đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng cho một hộ dân xây nhà đè lên đường cống thoát nước chung. Nguy hiểm hơn, công trình này còn bít lối thoát hiểm của cư dân.

Quyết định hợp lòng dân

Gửi đơn đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Vân (63 tuổi) cho biết, gia đình bà sống tại số 489A/21/7 Huỳnh Văn Bánh, P.13, Q.Phú Nhuận hơn 60 năm qua, sử dụng duy nhất đường cống phía sau nhà. Gần 15 hộ dân khác cũng sử dụng đường cống thoát nước này.

Phía sau dãy nhà hẻm số 489A/21 trước đây là hẻm thông và là cống thoát nước công cộng, đồng thời cũng là lối thoát hiểm cho cư dân từ tổ 37 sang tổ 38 khi có sự cố thiên tai, hỏa hoạn. Các hộ dân đều chừa một phần đất phía sau nhà làm hành lang an toàn cho việc thoát hiểm.

Sao lai cho phep xay nha tren cong thoat nuoc?

Hiện trạng công trình xây trên phần cống thoát nước chung tại hẻm 489 Huỳnh Văn Bánh, P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Nam Anh

Thế nhưng, vào năm 2016, bà Nguyễn Thị Đức - chủ nhà số 489A/21/15 Huỳnh Văn Bánh - được UBND Q.Phú Nhuận cấp phép xây dựng nhà 4 tầng. Việc cấp giấy phép xây dựng (GPXD) của UBND Q.Phú Nhuận căn cứ chủ quyền đất được UBND TP.HCM cấp cho bà Đức trước đó.

Khi bà Đức khởi công xây nhà, người dân mới phát hiện phần phía sau của công trình (diện tích 3,6m x 2,5m) xây đè lên đường cống thoát nước chung. Cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thoát nước, thoát hiểm, mất an toàn, bít lối mặt tiền hẻm nhà bên cạnh và xâm phạm sự an nguy của cả khu vực, tập thể các hộ dân xung quanh đã gửi đơn khiếu nại.

Sau nhiều lần phối hợp cùng UBND P.13 và Thanh tra cơ sở thuộc Sở Xây dựng TP.HCM kiểm tra, xác minh hiện trạng, UBND Q.Phú Nhuận kết luận: phía sau công trình của nhà bà Đức đè lên hệ thống cống chung vốn tồn tại trước năm 1975 và vẫn còn 4 hộ đang sử dụng.

Do đó, ngày 8/3/2017, UBND Q.Phú Nhuận ban hành Quyết định số 209/QĐ-UBND thu hồi GPXD số 684/GPXD ngày 3/10/2016 đã cấp cho bà Đức. Dù bà Đức có khiếu nại nhưng UBND Q.Phú Nhuận vẫn giữ nguyên quan điểm, vì cho rằng đã làm đúng quy định pháp luật và dựa trên cơ sở hiện trạng công trình.

Bà Đức tiếp tục khiếu nại việc bị thu hồi GPXD lên UBND TP.HCM. UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng chủ trì thẩm tra vụ việc.

Trong báo cáo giải quyết khiếu nại của bà Đức tại công văn số 20552/SXD-TT ngày 29/12/2017, Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, các quyết định thu hồi GPXD, giải quyết khiếu nại đối với hộ bà Đức của UBND Q.Phú Nhuận là “đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xử lý”.

Nhưng thật khó hiểu, Sở Xây dựng lại đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo thu hồi và hủy bỏ các quyết định của UBND Q.Phú Nhuận để bà Đức tiếp tục được xây nhà đè lên cống và bít lối thoát hiểm của dân. Do vậy, người dân rất hoang mang, bức xúc và đặt câu hỏi: tại sao ngay trong cùng một công văn mà Sở Xây dựng lại tự mâu thuẫn như vậy?

Cho xây vì sợ bị kiện?

Một trong những lý do chính mà sở này nêu ra là, căn cứ vào công văn số 5112/UBND-ĐT ngày 16/8/2017 của UBND TP.HCM về cấp GPXD trong phạm vi hành lang an toàn hệ thống thoát nước, rằng: “Đối với đường cống không còn chức năng tiêu thoát nước, UBND quận/huyện có trách nhiệm thông báo đến các chủ sở hữu công trình để phối hợp thực hiện đấu nối cống thoát nước vào hệ thống chung của khu vực, thực hiện cấp GPXD theo đúng quy định…”.

Sở này cũng cho rằng, căn cứ biên bản giải quyết đơn kiến nghị do UBND P.13, Q.Phú Nhuận lập ngày 14/12/2016, căn cứ các giấy cam kết của các hộ dân tại khu vực, Sở Xây dựng nhận thấy, hệ thống cống thoát nước phía sau dãy nhà số 489A/21/17, 489A/21/15, 489A/21/13, 489A/21/11 Huỳnh Văn Bánh không còn chức năng tiêu thoát nước.

Đồng thời, theo ý kiến của UBND Q.Phú Nhuận trong biên bản cuộc họp ngày 11/10/2017 tại Sở Xây dựng, chủ trương của quận là sẽ hủy bỏ hệ thống cống thoát nước phía sau nhà bà Đức và vận động các hộ dân chuyển cống thoát nước ra hệ thống thoát nước chung.

Trên thực tế, ngoài 4 hộ mà cơ quan chức năng đã thừa nhận, theo bà Vân, còn có hơn 10 hộ khác ở hẻm 489/24A và 489A/19 cũng đang thải nước sinh hoạt vào hệ thống cống này, nơi đang bị công trình của bà Đức xâm phạm.

Hiện cư dân ở đây đang rất hoang mang và mong chờ quyết định đúng pháp luật, nhân văn của UBND TP.HCM. Bởi lẽ, đây không chỉ là hệ thống cống thoát nước đang hoạt động mà còn là lối thoát hiểm của cư dân.

Đã sống ở khu vực này hơn nửa thế kỷ tương tự bà Vân, ông Nguyễn Trung Anh - 62 tuổi, ở nhà 489A/21/5 Huỳnh Văn Bánh - cũng cho rằng, nhà bà Đức lấn chiếm phần cống thoát nước công cộng đang được sử dụng, cũng là con hẻm chung.

“Chính quyền TP.HCM luôn khẳng định quyết tâm chỉnh trang đô thị theo hướng khang trang, hiện đại, đáng sống hơn bằng những hành động kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân lấn chiếm các công trình công cộng. Không lẽ với công trình này, họ lại đang hành động ngược với mục tiêu mình đặt ra?” - ông Anh đặt câu hỏi.

Theo luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM), Công văn 5112/UBND-ĐT mà Sở Xây dựng dựa vào để đề xuất chỉ là một văn bản hướng dẫn cá biệt, không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, nó không có giá trị pháp lý để áp dụng chung đối với mọi công dân. Hơn nữa, trái với những gì mà Sở Xây dựng báo cáo với UBND TP.HCM, đường cống vẫn đang được người dân sử dụng.

Ngoài ra, ông Trí cho rằng, Công văn 20552/SXD-TT của Sở Xây dựng TP.HCM còn thể hiện sự thiếu minh bạch giữa cơ quan này và chủ công trình. Cụ thể, trong công văn của mình, sở này cho biết, bà Đức (chủ nhà 489A/21/15) đã cam kết không khiếu nại và không yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chính quyền phục hồi GPXD cho bà.

Nghĩa là, một lý do khiến sở này phải giải quyết như trên là nhằm để “bà Đức không tiếp tục khiếu nại và đòi bồi thường thiệt hại nữa”. Đây là một sự thỏa thuận đầy rủi ro cho chính quyền, đồng thời che đậy một sự thiếu minh bạch trong việc giải quyết khiếu nại. Sở đã xử lý vụ việc không dựa vào quy định của pháp luật mà dựa vào sự thỏa hiệp.

“Quy hoạch hệ thống cống có liên quan đến không gian bên trên, do đó mọi điều chỉnh và thay đổi hệ thống cống sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng bên trên. Để giải quyết cái gốc của sự việc, theo tôi, UBND TP.HCM có trách nhiệm thu hồi phần đất công trên cống chung đã cấp sai cho nhà 489A/21/15 Huỳnh Văn Bánh. Việc cấp chủ quyền cho diện tích đất nằm trên hệ thống cống thoát nước là trái với Luật Đất đai. Đây cũng là một tiền lệ để UBND TP.HCM giải quyết đúng đắn việc xây dựng liên quan đến hành lang an toàn thoát nước” - ông Trí nói. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI