“Thời đại của shipper” sắp kết thúc?

05/03/2023 - 21:01

PNO - Nhiều năm trước, robot giao hàng có lẽ là thứ chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Nhưng giờ đây, điều đó đã trở thành hiện thực khi các công ty Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm robot giao hàng tự động trên đường phố.

 

Từ trái sang: Robot 1 chỗ ngồi RakuRo dành cho người bị suy giảm khả năng vận động, robot tuần tra Patoro và robot giao hàng DeliRo của ZMP - ẢNH: AFP
Từ trái sang: Robot 1 chỗ ngồi RakuRo dành cho người bị suy giảm khả năng vận động, robot tuần tra Patoro và robot giao hàng DeliRo của ZMP - Ảnh: AFP

Khi robot “làm thay” shipper

Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới, với hơn 38% dân số ở tuổi 60, trong khi khoảng 29% người dân ở độ tuổi trên 65. Dân số già có tác động cực kỳ tiêu cực đến kinh tế của Nhật Bản. Cư dân ở các vùng nông thôn dân cư thưa thớt khó tiếp cận các nhu yếu phẩm hằng ngày. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang tiến hành cuộc thử nghiệm robot giao hàng với hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu lao động và vấn đề vận chuyển hàng hóa đến các vùng nông thôn hẻo lánh.

Hisashi Taniguchi - Chủ tịch Công ty Chế tạo robot ZMP có trụ sở tại Tokyo - cho biết, có những thách thức đặt ra, bao gồm cả những lo ngại về an toàn. Tuy nhiên, sẽ có người giám sát các robot này từ xa và can thiệp khi cần thiết.

ZMP đã hợp tác với tập đoàn bưu chính Japan Post Holdings trong quá trình thử nghiệm robot giao hàng ở Tokyo. Robot DeliRo của ZMP có vẻ ngoài quyến rũ, nổi bật với đôi mắt to, biểu cảm, đặc biệt có thể rơi nước mắt vì buồn nếu người đi bộ cản đường. “Mọi đứa trẻ quanh đây đều biết tên của robot này” - Taniguchi nói.

Robot DeliRo được trang bị phần mềm lái xe tự động độc quyền của ZMP và có khả năng chịu tải tối đa là 50kg. Với nhiều camera tích hợp, robot DeliRo có thể phát hiện mọi thứ xung quanh nó. Yutaka Uchimura - giáo sư kỹ thuật robot tại Viện Công nghệ Shibaura (SIT) - cho biết, robot được quy định tốc độ tối đa ở mức 6km/h để giảm thiểu khả năng “bị thương nặng” trong trường hợp va chạm.

Robot Hakobo của Panasonic có thể tự đánh giá khi nào nên rẽ và có thể phát hiện chướng ngại vật, chẳng hạn như công trình xây dựng và xe đạp đang đến gần, rồi dừng lại. Mỗi nhân viên tại trung tâm điều khiển Fujisawa giám sát 4 robot thông qua camera và được cảnh báo khi robot bị mắc kẹt hoặc dừng lại do chướng ngại vật. Ở những khu vực có nguy cơ cao như nút giao thông, Hakobo được lập trình để chụp và gửi hình ảnh đèn giao thông ngay lúc đó cho người điều khiển và chờ hướng dẫn.

Robot giao hàng DeliRo của ZMP đang nhận một túi thức ăn để giao - ẢNH: AFP
Robot giao hàng DeliRo của ZMP đang nhận một túi thức ăn để giao - Ảnh: AFP

Triển khai từng bước 

Tình trạng thiếu lao động ở các thành phố và các quy định mới hạn chế làm thêm giờ đối với tài xế xe tải đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu giao hàng.

Dai Fujikawa - kỹ sư làm việc cho Panasonic - cho biết công ty đang thử nghiệm robot giao hàng ở Tokyo và Fujisawa, tỉnh Kanagawa: “Tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực vận tải sẽ là một thách thức trong tương lai. Tôi hy vọng robot của chúng tôi sẽ được sử dụng để tiếp cận những nơi còn khó khăn và giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng lao động”.

“Tôi nghĩ việc đưa robot vào đời sống, dần thay thế nhân viên bán hàng là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng ta có thể mua sắm thoải mái hơn, ngay cả khi không mua gì, chúng ta vẫn có thể rời đi mà không cảm thấy ái ngại” - Naoko Kamimura - một người đi đường - nói sau khi mua thuốc ho từ Hakobo trên đường phố Tokyo. Được biết, “robot bán thuốc” của hãng Panasonic có chức năng cấp thuốc theo toa và lấy mẫu xét nghiệm.

Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng robot sẽ không phổ biến trên đường phố Nhật Bản trong thời gian ngắn vì áp lực về tài chính và việc làm. Hiroki Kanda - một quan chức của Bộ Công nghiệp Nhật Bản - cho biết: “Chúng tôi không mong đợi sự thay đổi mạnh mẽ ngay lập tức, bởi vì có nhiều công việc đang bị đe dọa. Chúng tôi nghĩ rằng sự phổ biến của robot sẽ là một quá trình diễn ra từng bước”.

Ông Uchimura cho rằng ngay cả với những tác vụ đơn giản nhất của con người, robot cũng khó có thể bắt chước. Việc triển khai robot ở các vùng nông thôn thưa thớt dân cư trước tiên sẽ là giải pháp an toàn nhất. Tuy nhiên, theo các công ty, việc triển khai ở đô thị lại khả thi hơn về mặt thương mại. “Tôi nghĩ mọi người sẽ hài lòng nếu robot giao hàng có thể tuần tra khu phố hoặc kiểm tra sự an toàn của người già” - Chủ tịch Taniguchi nói. Ông hy vọng sẽ thấy các cỗ máy này hoạt động ở mọi nơi.

Theo Tạp chí Global Economics, câu hỏi đặt ra là ai sẽ quản lý những robot đó? Liệu người lao động phổ thông có thể điều khiển chúng hay cần một nhóm người có tay nghề cao hơn? Nếu điều thứ hai là đúng, việc sử dụng robot có thể gây ra một số khó khăn cho các công nhân. Do vậy, cần phải đào tạo thế hệ trẻ của Nhật Bản bất kể nền tảng kinh tế nào để họ có thể giám sát, quản lý, điều khiển và sửa chữa những 
robot này.

Robot giao hàng Hakobo của Panasonic đang bán đồ uống nóng và đồ ăn nhẹ tại khu thương mại và mua sắm Marunouchi của Tokyo - ẢNH: AFP
Robot giao hàng Hakobo của Panasonic đang bán đồ uống nóng và đồ ăn nhẹ tại khu thương mại và mua sắm Marunouchi của Tokyo - Ảnh: AFP

Chuyện của hiện tại

Andrew Curtis - người đứng đầu các hoạt động của Starship Technologies (nhà sản xuất robot giao hàng lớn nhất thế giới có trụ sở chính ở Mỹ) tại Vương quốc Anh - cho biết robot không phải là chuyện của tương lai, mà là chuyện của hiện tại.

Theo ABI Research - một công ty phân tích công nghệ quốc tế - robot giao hàng được dự đoán sẽ tạo ra khoảng 670 triệu USD doanh thu toàn cầu vào năm 2030, so với 70 triệu USD năm 2022. 

Starship Technologies cho biết số lượng đơn hàng của họ trên toàn cầu đã tăng gấp 3 lần vào năm 2021. Robot của hãng được thiết lập sẵn lộ trình giao hàng, di chuyển dọc theo vỉa hè, sử dụng camera cũng như cảm biến để băng qua đường và tránh chướng ngại vật. Nếu một robot Starship bị mắc kẹt, những người điều khiển từ xa ở Estonia có thể giúp chúng đi đúng hướng. FedEx, Amazon, Uber và những hãng khác cũng đã tung ra các robot giao hàng trên vỉa hè.

Các động thái hướng tới tự động hóa đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thất nghiệp đối với các nhân viên giao hàng và người chuyển phát nhanh. Nhiều người trong số đó nói rằng hiện tại, họ đã phải đối mặt với vấn đề tiền lương và điều kiện làm việc tồi tệ. 

Yaseen Aslam - Chủ tịch App Drivers and Couriers Union (ADCU) - hiệp hội đại diện và hành động vì quyền lợi của người lái xe có trụ sở tại Vương quốc Anh - tin rằng robot sẽ làm việc cùng những người chuyển phát nhanh và nhân viên điều khiển, đặc biệt là ở các thành phố, nơi giao thông quá phức tạp. Các robot của Starship thường bị giới hạn việc giao hàng trong bán kính 5km.

Người phát ngôn của Amazon - Av Zammit - cho biết nhà bán lẻ trực tuyến này cũng đang đầu tư vào cả lĩnh vực robot bên cạnh việc cải thiện quyền của người lao động, cam kết mang lại những lợi ích và mức lương phù hợp với mục tiêu tạo ra môi trường công bằng, đảm bảo sự an toàn. 

Từ tháng 4/2023, Luật Giao thông sửa đổi sẽ cho phép robot giao hàng tự động di chuyển trên đường phố Nhật Bản. Luật quy định người vận hành những robot này phải đăng ký với chính quyền.

Theo Bộ Công nghiệp Nhật Bản, các cuộc thử nghiệm robot giao hàng tự động đã diễn ra tại 5 trong số 47 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Những thử nghiệm này được tiến hành theo từng giai đoạn ở cả khu dân cư và khu vực thương mại.

Những robot giao hàng mới được thiết kế cực kỳ lịch sự và khiêm tốn - một phẩm chất khiến chúng trở nên nổi tiếng trong giới trẻ Nhật Bản. Trong quá trình di chuyển qua các con đường, robot giao hàng biết nói “xin lỗi” và những lời lịch sự khác. Khi bán đồ ăn, robot có thể “bắt chuyện” khách hàng bằng những câu như: “Lại một ngày lạnh nữa phải không? Còn đồ uống nóng thì sao?”…

Thụy Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI