Thời đại của ai?

02/10/2017 - 14:02

PNO - Nhạc Việt có thể bước sang một trang mới bằng cách tận dụng Amper thay vì ca sĩ phải chi hàng núi tiền cho các nhạc sĩ và cũng không phải lo lắng về chuyện bị xem là đạo nhạc.

Những gì từng xuất hiện trong các bộ phim khoa học giả tưởng của 20, 30 năm trước, ngày nay đã lần lượt xuất hiện trong đời sống. Xe tự chạy, robot phục vụ quán ăn, thậm chí búp bê tình dục biết biểu cảm theo trạng thái của chủ nhân. Tương lai mà máy móc thay thế và loại bỏ con người đang rõ rệt hơn bao giờ hết.

Thoi dai cua ai?
Nữ ca sĩ Taryn Southern thể hiện ca khúc Break Free - tác phẩm đồng sáng tác của cô và AI Amper trong album IAMAI

Ngày 21/8/2017, thế giới âm nhạc đón nhận một album đặc biệt - IAMAI của nữ ca sĩ Taryn Southern - một ngôi sao trên mạng chia sẻ video YouTube. Trong album, tên nhà soạn nhạc, nhà sản xuất và nghệ sĩ biểu diễn đều thể hiện là Amper và đó chính là một AI (Trí tuệ nhân tạo).

Phần nhạc trong abum do Amper “viết” theo yêu cầu của Taryn và nữ ca sĩ chỉ việc điều chỉnh lại đôi chỗ cho phù hợp với phần lời mà cô soạn sau đó. Bản phối sau cùng cũng do Amper thể hiện và Taryn chỉ việc hát trên nền nhạc ấy, thu âm lại, bổ sung phần hình ảnh là cô đã có một album trọn vẹn để phát hành.

Bằng cách sử dụng công nghệ này, quy trình “sáng tác” một tác phẩm giờ chỉ đơn giản là vài lần click chuột và soạn ca từ - tiết kiệm vô khối thời gian (trung bình Amper soạn xong một bản nhạc chỉ trong một phút). Câu hỏi là: với những ưu thế vượt trội như thế, liệu Amper có đẩy các nhạc sĩ vào tình trạng thất nghiệp không? Có thể lắm chứ!

Ở mảng hội họa, hạ tuần tháng Chín vừa qua, Cambridge Consultants đã giới thiệu đến công chúng hệ thống Vincent - AI có thể biến những nét phác thảo của bạn thành một tác phẩm hội họa theo đúng trường phái, bút pháp của các danh họa Van Gogh, Cézanne hoặc Picasso tùy bạn muốn.

Ngược về quá khứ, chúng ta đã biết đến những AI viết báo như đã từng được thử nghiệm ở Trung Quốc. Chỉ cần cung cấp cho AI những thông tin thô, trong vòng năm phút, ta sẽ có một bài báo hoàn chỉnh từ 1.000-1.500 chữ. Hệ thống Heliograf của The Washington Post còn tiến xa hơn khi có thể bình luận như một cây viết chính trị về chiến thắng của ứng viên Steve King thuộc đảng Cộng hòa trước đối thủ Kim Weaver trong cuộc bầu cử ở Iowa (Hoa Kỳ) hồi đầu năm nay.

AI cũng đã tham gia viết kịch bản phim và thành tích lớn nhất của AI cho đến nay là tiểu thuyết Konpyuta ga shosetsu wo kaku hi (The day a computer writes a novel - Ngày máy tính viết tiểu thuyết) - tác phẩm đã chiến thắng vòng loại trong cuộc thi văn chương quốc gia Nhật Bản.

Tất nhiên, AI không tự mình viết cuốn tiểu thuyết ấy mà nền tảng cơ bản là của Hitoshi Matsubara và nhóm nghiên cứu tại Đại học Future University Hakodate. Họ đã chọn sẵn từ, các mẫu câu và chi tiết trước khi giao cho AI viết.

Tương tự, để có thể soạn, vẽ nên tác phẩm, cả Amper lẫn Vincent đều đã được nạp trước vào bộ nhớ một lượng dữ liệu khổng lồ. Trong kho của Amper là hàng chục ngàn tác phẩm âm nhạc các thể loại - từ rock, pop, jazz đến newage ở nhiều thời kỳ âm nhạc khác nhau. Khi nhận một yêu cầu soạn nhạc (ví dụ một đoạn nhạc pop ba phút với phong cách của thập niên 1960-1970, thể hiện tâm trạng buồn), Amper sẽ căn cứ trên các tác phẩm mình có để soạn ra đoạn nhạc ta muốn.

Vincent được cung cấp sẵn những thông tin về cách phối màu, phát triển tác phẩm của các danh họa. Hệ thống Flow Machine của hãng Sony (tương tự Amper) cũng được cung cấp sẵn dữ liệu tác phẩm của The Beatles, Bach để có thể mô phỏng và soạn nhạc.

Tuy đến nay các hệ thống đều chưa được xem là hoàn chỉnh và công nghệ AI vẫn cần nhiều cải tiến, Amper đã được cung cấp miễn phí cho mọi người thử nghiệm để “tự viết nên tác phẩm của mình”.

Nếu biết rằng rất nhiều ca khúc Việt hiện đang có mặt trên thị trường đều dựa trên những âm thanh mẫu (sound samples) hoặc các beat nhạc có sẵn thì nhạc Việt có thể bước sang một trang mới bằng cách tận dụng Amper thay vì ca sĩ phải chi hàng núi tiền cho các nhạc sĩ và cũng không phải lo lắng về chuyện bị xem là đạo nhạc.

Các “sáng tác” của Amper đều “mới” và “khác” với mọi tác phẩm từng có. Công nghệ tự học còn cho phép AI tích hợp chính những sáng tác của chúng vào cơ sở dữ liệu để làm nền tảng cho những tác phẩm tiếp theo. Ở một góc khác, những tác giả lười biếng sẽ buộc phải suy nghĩ lại khi cái mà họ cho là sáng tạo ghê gớm, thành quả lao động của mình có thể được máy làm ra chỉ trong vài phút.

Tác phẩm của AI đương nhiên là sản phẩm sáng tạo dù hàm lượng sáng tạo không lớn - chúng chỉ mô phỏng và gần giống cái hiện hữu. Có điều, chính ở đây, các nghệ sĩ bị đặt vào một thách thức cực lớn: hoặc phải làm ra những sản phẩm thực sự sáng tạo và tiên phong, hoặc sẽ chìm khuất trong rừng sản phẩm na ná, tương tự nhau. 

Nếu một bài hát, một khúc nhạc, bức tranh... do con người sáng tạo không đủ đặc biệt thì chúng ta đã chứng tỏ mình kém thua cả máy móc rồi. Khi điều đó xảy ra, có lẽ chúng ta cũng không nên giữ làm gì cái danh nghệ sĩ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI