Thiết bị điện “trôi nổi” gắn mác EVN

11/09/2020 - 12:24

PNO - Rất nhiều thiết bị điện không rõ nguồn gốc, chất lượng nhưng lại gắn logo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để dễ bán hàng.

Gắn logo EVN lừa người mua

EVN vừa phát thông tin cảnh báo về việc xuất hiện một số website như Điện Bách Khoa, dienlucvn.online… sử dụng trái phép logo EVN để quảng cáo bán hàng, đồng thời sử dụng một số thuật ngữ, từ ngữ có thể gây hiểu nhầm đây là sản phẩm của EVN.

Rất nhiều thiết bị điện giá rẻ bán trên thị trường được nhập lậu từ Trung Quốc
Rất nhiều thiết bị điện giá rẻ bán trên thị trường được nhập lậu từ Trung Quốc

Ngay sau khi EVN cảnh báo, các website trên đã gỡ bỏ tên miền. Nhưng hiện tại, vẫn còn một số website “mượn” logo EVN để quảng cáo, rao bán các thiết bị điện. Website thietbidienhanoi.vn chuyên bán các sản phẩm như dây điện, cáp điện, cáp viễn thông, thiết bị điện gia dụng, hệ thống tủ phân phối điện, thiết bị chiếu sáng… logo thương hiệu của website này lại là logo nhãn hiệu EVN, nhưng đã bị làm khác đi bằng cách thêm vào logo EVN một dấu chấm tròn đỏ. Toàn bộ sản phẩm bán trên website này đều được đóng dấu logo nhái nhãn hiệu EVN. Người tiêu dùng sẽ khó phân biệt được sự khác nhau này và có thể nghĩ rằng đó là các sản phẩm của EVN. 

Hiện trên các sản phẩm điện gia dụng của các doanh nghiệp uy tín đều có logo của các tổ chức như Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, dấu chứng nhận hợp quy để chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc gia về an toàn điện, ISO 9001… Không ít nơi đã nhái các logo và dấu chứng nhận này để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trên mạng xã hội Facebook, đang tràn ngập các thiết bị tiết kiệm điện của namphat.group được gắn thêm logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Trong khi đó, trên bao bì các sản phẩm này, lại có dòng chữ “made in China” hoặc chi chít tiếng Anh. 

Không chỉ trên “chợ mạng”, tại các cửa hàng, cũng có tình trạng gắn đủ loại logo trên sản phẩm hoặc bao bì in đủ tiếng nước ngoài nhưng nguồn gốc lại không rõ ràng. Tại một cửa hàng thiết bị điện trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TPHCM, chúng tôi thấy không ít sản phẩm ổ điện, phích cắm, dây đuôi đèn mang thương hiệu Kasaki, chỉ có giá 29.000 đồng/sản phẩm, nhưng trên sản phẩm không có thông tin về doanh nghiệp sản xuất mà chỉ có vài dòng chữ Thái Lan. Một số sản phẩm khác cũng gắn dòng chữ Kasaki được đựng trong hộp, in logo chứng nhận an toàn sản phẩm nhưng cũng không có thông tin nhà sản xuất. Người bán khẳng định, đây là sản phẩm do Việt Nam sản xuất. 

Nếu so sánh bao bì sản phẩm của thương hiệu uy tín với một thương hiệu lạ, sẽ thấy sự khác biệt rất lớn về cách ghi thông tin. Các sản phẩm của thương hiệu lạ sẽ ghi chung chung, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng về nơi sản xuất. Chẳng hạn, một sản phẩm ổ cắm điện thương hiệu lạ hoắc là S.K. ghi chung chung “cơ sở H.P.”, tiếp đến là dòng chữ “sản xuất tại Việt Nam”. 
Theo một nhà sản xuất thiết bị điện, cách ghi này khiến người tiêu dùng ngộ nhận là do cơ sở H.P. sản xuất, nhưng thực tế, cơ sở này chỉ là nhà phân phối.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ 

Hàng loạt quốc gia châu Âu mới đây phải ra cảnh báo tiêu dùng kèm các quyết định thu hồi các sản phẩm ổ cắm điện, dây sạc điện, một số thiết bị điện do Trung Quốc sản xuất vì sản phẩm không đảm bảo an toàn cho người dùng. Các ổ cắm điện có phần chân nhựa của ổ điện không đủ khả năng chịu nhiệt, mối hàn tại các điểm tiếp xúc với nguồn điện không đúng vị trí cố định, có thể dẫn đến rò điện, gây giật hoặc chập cháy. Tây Ban Nha thậm chí không cho phép nhập ổ cắm điện Trung Quốc vì sản phẩm này không có giấy kiểm định chất lượng, độ an toàn, thông tin về sản phẩm sơ sài, thiết kế cẩu thả, không có mã vạch hàng hóa…

Một sản phẩm dây đuôi đèn có tên Kasaki được cho là hàng Việt Nam nhưng lại không có thông tin nhà sản xuất mà chỉ có các dòng chữ Thái Lan
Một sản phẩm dây đuôi đèn có tên Kasaki được cho là hàng Việt Nam nhưng lại không có thông tin nhà sản xuất mà chỉ có các dòng chữ Thái Lan

Theo tiến sĩ Hoàng Minh Nam (Trường đại học Bách Khoa TPHCM), khi mua các thiết bị điện nói chung, nên lựa chọn sản phẩm của thương hiệu uy tín, có tem nhãn đầy đủ vì đây là sản phẩm đi liền với sự an toàn tính mạng. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thiết bị điện. Do đó, tất cả thiết bị điện khi sản xuất và lưu hành ra thị trường, phải được kiểm định xem đã đáp ứng được các quy chuẩn này chưa. Các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng nhập lậu không thể đảm bảo được các quy chuẩn này, gây nguy hiểm cho người sử dụng. 

Bà Lại Thúy Hằng - đại diện một doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện chiếu sáng - cho biết, hiện không ít cơ sở nhập linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp hoặc thậm chí nhập nguyên sản phẩm về rồi đóng bao bì, đưa ra thị trường với mác là hàng Việt Nam. “Doanh nghiệp sản xuất uy tín phải đầu tư máy móc hàng chục tỷ đồng vì phải đảm bảo sản phẩm an toàn chống cháy, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nếu mua linh kiện về lắp ráp, chỉ cần đầu tư khoảng 200-300 triệu đồng, nên giá bán ra rẻ. Người tiêu dùng vẫn chuộng hàng giá rẻ nên các doanh nghiệp sản xuất chân chính rất khó cạnh tranh” - bà Hằng nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI