Từ năm 2024, Nhà nước sẽ không can thiệp vào giá điện

07/09/2020 - 13:55

PNO - Từ năm 2024, giá điện được tính đúng, tính đủ, không còn bù chéo giá điện giữa các hộ tiêu thụ điện.

Tại phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 7/9, ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đã xây dựng đề án mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn.

Từ đây tới hết năm 2021 sẽ là gia đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022-2024) cho phép khách hàng được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (sau năm 2024) cho phép khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Như vậy, từ năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ, có tăng, có giảm. Nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện.

Cũng theo đại diện Bộ Công thương, trong quy hoạch điện VIII, việc triển khai các dự án điện than sẽ được quản lý chặt chẽ, không đưa thêm nhiều dự án điện than vào quy hoạch. Các dự án sẽ được đánh giá đầy đủ về yếu tố môi trường. Cùng đó, sẽ có sự điều chỉnh về cơ cấu các nguồn điện trong thời gian tới. Điện than sẽ được tính toán cùng các dự án điện khí để điều chỉnh cho phù hợp.

“Đến 2024 sẽ không còn câu chuyện can thiệp về giá, không có chuyện bù chéo các mức giá điện giữa các vùng miền, các lĩnh vực. Chúng tôi sẽ đánh giá đầy đủ tác động của giá điện bán lẻ đối với người nghèo, với xã hội để đảm bảo công bằng cho các đối tượng khách hàng”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Từ 2024, người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp với giá điện được tính đúng, tính đủ.
Từ 2024, người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp với giá điện được tính đúng, tính đủ

Tại phiên giải trình, Bộ Công thương cũng cảnh báo, hệ thống điện bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nguồn điện dự phòng kéo theo nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025. Trong khi việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm).

Bên cạnh đó, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo dù có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.

Đáng lo ngại là các dự án nguồn điện, đặc biệt là nhiều dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị chậm so với quy hoạch. Theo đó, tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ đạt gần 60%.

Nguyễn Cẩm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI