Thiên thần nhỏ của tôi: Không gian bí mật thời thơ ấu

31/05/2016 - 06:39

PNO - Thế giới của những đứa trẻ sẽ thật tẻ nhạt và vô vị nếu không có những bí mật. Những bí mật trong con mắt người lớn chỉ là trò trẻ nít...

Thien than nho cua toi: Khong gian bi mat thoi tho au
Khu vườn bí mật của Kha và Hồng Hoa trên sân khấu Hồng Hạc

Thế giới của những đứa trẻ sẽ thật tẻ nhạt và vô vị nếu không có những bí mật. Những bí mật trong con mắt người lớn chỉ là trò trẻ nít, nhưng với chúng là cả một vùng trời thơ ấu. Vở kịch Thiên thần nhỏ của tôi (dựa theo truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, biên kịch Việt Linh, đạo diễn Lan Phương) được xây dựng trong không gian bí mật như thế. Nơi đó, khu vườn sau nhà Kha là một bí mật lớn chứa đựng những bí mật nhỏ hơn, sâu hơn và buồn hơn.

Kha chuyển nhà, và cậu bé nhanh chóng khám phá ra vườn cây sau nhà, nơi dư vị của quê ngoại vương lại nơi đây, nơi cái chất “quê mùa” khiến cậu say mê và quấn quýt. Khu vườn lập tức trở thành bí mật của riêng Kha, nơi cậu trở thành “vị vua nhỏ” với “ngai vàng” là cái giếng cũ xanh rêu hay chạc ba cây khế, cùng con sáo là “cận thần” và cây cỏ là “thần dân”. Cậu bé đã giữ riêng bí mật đó cho mình, đến khi có một “kẻ lạ mặt” xâm nhập vào vương quốc của cậu - cô bé Hồng Hoa.

Hồng Hoa, ngay sau đó, cũng trở thành một bí mật của Kha, nên thơ và đẹp tới mức mãi hai mươi năm sau, nó vẫn còn thổn thức trong tim. Kha đã giữ Hồng Hoa vào khoảng trời nhỏ thời thơ ấu riêng mình, như một ký ức lung linh, một xúc cảm đặc biệt. Khu vườn vì thế, trở thành biểu tượng, không chỉ của ấu thơ, mà còn của sự gặp gỡ, của tri âm, của hoài niệm và dư âm về những gì đã cũ. Hai mươi năm sau, Kha gặp lại Hồng Hoa ở một mảnh đất xa xôi, nơi họ đều thành đạt, và nói với nhau về con sáo, về khu vườn, về cái bí mật giờ thổ lộ đã muộn màng.

Những bí mật tuổi thơ thường êm đềm, ngây ngô và dịu ngọt. Và có lẽ khu vườn nơi Kha và Hồng Hoa gắn kết sẽ còn mãi nếu như nó không đứng trước những “bí mật” của người lớn vốn thường thâm sâu và vẩn đục. Biên kịch Việt Linh đã khéo léo khắc họa chúng trong kịch bản sân khấu vừa đáng giận, vừa đáng thương.

Đáng giận ở những người lớn - là cha, là mẹ của Kha đã vô tâm với niềm vui con trẻ. Nếu như ngôi nhà trong mắt những đứa bé là khu vườn, là nan cửa sổ hình ngôi sao, là cầu thang vòng cung hai mươi bốn bậc, thì trong mắt người lớn, nó đơn thuần là cái mặt tiền đáng giá. Nếu như khu vườn sau nhà là một mảnh thiên nhiên trong trẻo, thì với người lớn lại là nơi cần phát quang để kiếm thêm chút tiền.

Đáng giận ở Khánh - anh của Kha - nhân vật đã qua thời ấu thơ đã và đang đại diện cho một thế hệ bị mê dụ và dần tha hóa bởi những ranh ma người lớn. Hình ảnh Khánh lao vào khu vườn với gương mặt hả hê, vung tay chém lấy chém để những nhánh cành khi biết khu vườn sẽ “được” chặt hết; cái cách Khánh rũ bỏ và khinh bỉ chất “quê mùa”; và cả bài học chửi thề nói bậy mà Khánh dạy cho con sáo của Kha, tất thảy dễ khiến người ta giật mình hốt hoảng. Đâu đó nhân vật này đang lăm le trong chính mỗi người, xóa sạch và chối bỏ tất cả dấu vết quá khứ, biến chúng ta thành những con rối thành thị sống khô trơ và không còn tình nghĩa.

Và đáng thương ở một nhân vật vốn dĩ không được khắc họa trong nguyên tác: bà ngoại Kha. Việt Linh đã cho bà bước ra bằng xương bằng thịt, đã đưa cho người bà này vị thế của một chứng nhân thời cuộc, một dấu gạch nối giữa những thế hệ nhưng đang phần nào bất lực trước biến chuyển, đổi thay. Trong không gian khu vườn, bà ngoại cũng đang giữ cho mình một “bí mật” mà chỉ có Kha cảm biết: đó là bí mật của cỏ cây, bí mật của những linh hồn thực vật cũng biết nhớ, biết thương, biết buồn, biết vun vén và nuôi dưỡng những điều thiêng liêng, vĩnh cửu.

Giữa thế “mất cân đối” những sự đáng giận và đáng thương, giữa một thời cuộc đang nghiêng về phía những mưu toan người lớn, nhân vật người bà như bị gạt ra ngoài khỏi dòng chảy thế sự. Nhưng ngẫm kỹ, bà ngoại vẫn như đại thụ trường tồn âm thầm gieo hạt mầm sự sống, và hạt mầm thành công của bà chính là Kha.

Cuộc gặp gỡ giữa những mảnh ghép tuổi nhỏ nơi khu vườn sau nhà đã băng qua thế sự, băng qua thời cuộc, vượt lên những háo thắng và toan tính, những tranh đua khốc liệt và tàn nhẫn để biến thành thiên đường riêng của những đứa trẻ, trong lành, đến cả nỗi buồn cũng hồn nhiên trong vắt.

Thiên Huân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI