Hấp dẫn từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh

02/10/2015 - 07:07

PNO - Trải dài qua 380 trang sách, Nguyễn Nhật Ánh đã mở ra nhiều tình huống, cảnh ngộ khác nhau khiến bạn đọc lúc ngạc nhiên thích thú.

Ngay từ lúc phát hành, ngày 9/12/2010, tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trở thành hiện tượng kỳ lạ trong ngành xuất bản: 15.000 bản bìa mềm, 2.000 bản bìa cứng bán hết vèo. Ngay chiều cùng ngày NXB Trẻ đã tái bản thêm 10.000 bản.

Sự hào hứng đón nhận của bạn đọc đã cho thấy Nguyễn Nhật Ánh đi đúng hướng: giữa lúc sự hướng thiện, lòng nhân ái đang được xã hội khơi dậy từng ngày qua những việc làm tốt, sống vì mọi người, xả thân vì cộng đồng thì một loạt tác phẩm của anh đã góp thêm một tiếng nói tích cực.

Thông qua các nhân vật như Thiều, Sơn, Mận, Đàn, Tường, Nhi… Nguyễn Nhật Ánh lại quay về với thế giới tuổi thơ với nhiều gam màu khác nhau. Ở đó, cái thiện, cái ác xen lẫn nhau nhưng cuối cùng đã “kết thúc có hậu” đã khiến người xem nhẹ lòng, an nhiên.

Trong phần kết thúc anh viết: “Con Mận về thì cuộc sống của tôi sẽ khác, chắc chắn là xáo trộn, nhưng vui hơn hay buồn hơn thì tôi không biết được. “Tình yêu” mà! Nhưng tôi sẵn sàng tin là vui hơn. Bạn biết rồi đó, lúc nào cũng nhìn tương lai bằng ánh mắt u ám thì làm sao sống nổi”.

Hap dan tu tac pham cua Nguyen Nhat Anh
Ảnh: Internet

Trải dài qua 380 trang sách, Nguyễn Nhật Ánh đã mở ra nhiều tình huống, cảnh ngộ khác nhau khiến bạn đọc lúc ngạc nhiên thích thú, khi cảm động băn khoăn, ngẫm nghĩ… Câu chuyện không có gì gay cấn, lên gân mà diễn biến nhẹ nhàng, chân thật như vốn có.

Có thể đó là đứa trẻ lần đầu tiên ngạc nhiên biết rằng mình cũng có “hoa tay”, hồi hộp nghe người lớn kể chuyện ma, rồi choảng nhau một trận ra trò vì cùng “thích” cô bạn học cùng lớp, hoặc những trò chơi “bày hàng” của trẻ con như hái lá tre, lá dương xỉ, lá dâm bụt… nhưng tưởng tượng đùi gà, trứng gà bù đắp cho cuộc sống quanh năm thiếu thốn…

Tôi tin rằng, đứa trẻ nào lại không từng trải qua cảm giác này: ông Xung làm nghề hốt thuốc Bắc. Mỗi lần ông hốt thuốc cho khách, thằng Thiều đứng xớ rớ cũng được ông cho một quả táo Tàu. Nhưng đâu phải lúc nào ông Xung cũng có khách.

“Những lúc đó, thèm táo quá, tôi nhìn dáo dác không thấy ai liền đánh liều bắc ghế trèo lên các ngăn tủ. Ngăn đựng táo quá cao, tôi phải chồng một lúc ba cái ghế mới vói tới”. Sau vài lần trót lọt, chồng ghế lộn nhào, cu cậu té xuống nền nhà ê ẩm và vội chạy về nhà.

Ông Xung có biết không? Tác giả cứ “úp úp mở mở” ai hiểu sao thì hiểu. Lần nọ, thằng Thiều lại tìm táo lần nữa, không ngờ, ngay ngăn thấp nhất, khỏi cần bắc ghế nữa, đã thấy dán chữ “Táo” to tổ chảng, ngay tầm tay. Ông Xung sợ thằng Thiều té.

“Nhưng từ hôm đó, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy táo của ông nữa, chẳng hiểu vì sao”. Câu chuyện nhỏ ẩn chứa một “triết lý” giáo dục.

Cái khéo, sự tài tình của nhà văn là chỗ đó.

Khi tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể qua nghệ thuật thứ bảy, ngoài các tình tiết trên, đạo diễn còn nghĩ đến những thước phim đẹp khi quay về thiên nhiên, hoa cỏ, dòng sông, con suối… bởi đọc bàng bạc trong tác phẩm này, Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả nông thôn với sự bình dị như nó đã có, của cái thuở làn sóng “hiện đại hóa” chưa phá vỡ cấu trúc thân thiện, dân dã, bình dị sau lũy tre làng.

Khi khép lại tập sách, bạn đọc nhiều lứa tuổi lại sống trong cảm giác hoài niệm, tươi đẹp như chính tác giả tâm tình: “Ngồi im trong gió nghe đêm rớt/ Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Huyền Sương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI