Thi nhan sắc theo nghị định mới: Làm sao để không loạn danh hiệu?

09/04/2021 - 19:19

PNO - Cơ chế mới ngỡ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng lại bộc lộ hạn chế. Việc “mở cửa” cũng kéo theo nỗi lo loạn danh hiệu trong tương lai.

Băn khoăn thủ tục xin phép

Sáng 9/4, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức hội nghị tại TPHCM để phổ biến Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn (NTBD).

Các cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, hay từng vùng trước đây phải do Bộ VH-TT&DL hoặc Cục NTBD cấp phép thì nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Tuy nhiên, việc này lại sớm bộc lộ hạn chế. 

Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới 

Các cuộc thi thường diễn ra tại nhiều địa phương. Chẳng hạn, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2021 dự kiến tuyển sinh tại TPHCM, Hà Nội, nhưng tổ chức chung kết ở Vũng Tàu.

Theo luật hiện hành, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ký giấy phép phê duyệt đề án cuộc thi. Nhưng để đề án tổng thể được thông qua, đơn vị tổ chức phải có công văn đồng ý tại các địa phương mà họ tổ chức sơ khảo, chung khảo, bán kết. 

Bà Phạm Kim Dung - Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam - bày tỏ: “Nghĩa rằng khi xin phép cần phải trình đề án tổng thể lên tất cả địa phương mà cuộc thi sẽ diễn ra. Sau đó, mỗi tỉnh sẽ có văn bản cấp phép, đồng ý, không khác cấp phép cho một cuộc thi độc lập. Trường hợp tôi muốn chuyển từ tỉnh A sang tỉnh B để tổ chức khi có vấn đề lại phải xin phép từ đầu. Nếu như thế này thì chắc phải đợi rất lâu mới hy vọng có giấy phép".

“Sự kiện diễn ra ở địa phương nào phải để địa phương đó biết. Bây giờ có quy định về nội dung cấm, nếu hồ sơ không có vấn đề gì vi phạm thì phải cho phép, nếu không cơ quan chức năng phải có phản hồi chi tiết, rõ ràng theo thời gian quy định”, ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên quyền Cục trưởng Cục NTBD nói. 

Tuy nhiên, ông Vinh cũng đồng ý rằng mỗi địa phương sẽ có cách xử lý khác nhau. Chẳng hạn, một số TP lớn, có kinh nghiệm thì khâu này sẽ nhanh, thuận lợi hơn. Nhưng ông nghĩ trong điều kiện hiện tại không phải quá khó khăn để giải quyết thủ tục này.

Bà Phạm Kim Dung chia sẻ trong sự kiện sáng 9/4
Bà Phạm Kim Dung chia sẻ trong sự kiện sáng 9/4

Trong khi đó, ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO Uni Media, đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - đặt vấn đề nếu xin phép địa phương tổ chức vòng chung kết trước, sau đó quay ngược lại xin các địa phương tổ chức sơ khảo, bán kết có được hay không.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho biết sẽ nghiên cứu thêm, có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn để đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi nhất cho các đơn vị tổ chức trước hạn chế được chỉ ra. 

Để không loạn cuộc thi: Bài toán có dễ giải?

Các cuộc thi sắc đẹp không còn bị giới hạn số lượng như trước. Theo thống kê sơ bộ trong năm 2021 này có ít nhất khoảng 5-6 cuộc thi hoa hậu dự kiến diễn ra, chưa tính những cuộc thi hoa khôi, người đẹp cấp tỉnh thành. Điều này làm dấy lên lo ngại sẽ loạn danh xưng người đẹp trong tương lai, chưa kể những cuộc thi kém chất lượng, càng khiến lĩnh vực này thêm bát nháo.

Trước thực tế này, ông Lê Minh Tuấn - Cục phó cục NTBD - cho rằng: “Bất kỳ quy định mới nào cũng có những mặt tích cực và những điểm mới phát sinh. Nghị định chỉ mới có hiệu lực khoảng 2 tháng. Giá trị của mỗi văn bản sẽ thể hiện rõ nhất khi đi vào thực tiễn cuộc sống. Chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá và nhìn nhận lại sau một thời gian”.

Ông Lê Minh Tuấn - Cục phó Cục NTBD
Ông Lê Minh Tuấn - Cục phó Cục NTBD

Dĩ nhiên, với cơ chế mở hiện tại không phải không có cách để điều tiết các cuộc thi. Việc đánh giá năng lực của đơn vị tổ chức là điều vô cùng quan trọng, trong đó gồm năng lực, kinh nghiệm tổ chức và điều kiện kinh tế. 

Ông Tuấn cho biết khi hướng dẫn cơ quan quản lý cấp địa phương sẽ nhấn mạnh điều này, yêu cầu xem xét thật kỹ hồ sơ của đơn vị tổ chức để đảm bảo có những cuộc thi chất lượng.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Kim Dung, sẽ khó để biết chính xác đơn vị tổ chức có đủ năng lực hay không, đặc biệt về kinh tế. Vì thế, với tình hình mở cửa hiện tại thì thị trường, chất lượng cuộc thi sẽ là yếu tố quyết định sự tồn, vong của một cuộc thi nào đó. 

Thu hồi danh hiệu ra sao?

Năm 2017, Lê Âu Ngân Anh vi phạm quy định thi nhan sắc vì từng sửa mũi, nhưng sau đó tháo ra để dự thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam và đăng quang. Cục NTBD ra văn bản yêu cầu đơn vị tổ chức thu hồi danh hiệu, nhưng ban tổ chức không làm. Cục NTBD đành "bó tay" vì luật có kẽ hở, khiến cơ quan này không thể xử lý hơn nữa.

Sau đó, Ngân Anh xin cấp phép dự thi quốc tế nhưng Cục NTBD không đồng ý. Cô khởi kiện vì cho rằng động thái trên xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Rút kinh nghiệm từ sự việc này, nghị định mới có quy định cụ thể cơ quan quản lý có thẩm quyền được quyền hủy kết quả cuộc thi nếu việc thu hồi không được ban tổ chức thực hiện. 

Việc không thu hồi được danh hiệu của Lê Âu Ngân Anh trở thành kinh nghiệm cho cơ quan quản lý để hoàn thiện luật định mới
Việc không thu hồi được danh hiệu của Lê Âu Ngân Anh trở thành kinh nghiệm cho cơ quan quản lý để hoàn thiện luật 

Một số trường hợp vi phạm được quy định rõ ràng như: chống phá nhà nước, xuyên tạc lịch sử, xâm phạm an ninh quốc gia, kích động bạo lực... Tuy nhiên, quy định về hành vi trái thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng, tâm lý xã hội vẫn còn chưa rõ, thực sự khó có thước đo chính xác. Vì thế, quy định này cũng cần được làm rõ hơn.

Bà Phạm Kim Dung - Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Phó trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam cho biết nếu các người đẹp có các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục nghiêm trọng như: sử dụng ma túy, cố tình coi thường pháp luật... sẽ bị tước danh hiệu. Đây cũng là một trong những điểm cơ quan quản lý cần tham khảo để có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

“Luật hiện tại chỉ quy định đối tượng được dự thi các cuộc thi người đẹp là công dân Việt Nam không vi phạm pháp luật, thay vì “là nữ công dân” như trước đây. Sự thay đổi này giúp nam giới cũng có thể thi nhan sắc. Về người chuyển giới, luật chưa công nhận quyền của họ nhưng thực tế họ vẫn đang tồn tại, các cuộc thi dành cho người chuyển giới vẫn diễn ra. Chúng tôi không kế thừa cái cũ rồi hai hay vài năm sau phải tiếp tục sửa đổi”, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI