Thế giới hướng tới “mức lương đủ sống”

01/10/2022 - 06:00

PNO - Hiện có khoảng 10% dân số thế giới đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Giải pháp tăng việc làm là cần nhưng chưa đủ để giảm nghèo, bởi một nửa trong số những người nghèo cùng cực vẫn có việc làm, nhưng họ không bao giờ được trả lương thỏa đáng.

Gần 700 triệu người thu nhập dưới 1,9USD/ngày

Dưới cái nắng chói chang ở khu vực Tây Phi, những người nông dân đang lúi húi nhổ cụm bông vải. Cùng lúc đó, dưới ánh đèn neon trong một nhà máy phía xa, những nữ công nhân đang lom khom bên những cỗ máy để biến khối bông đó thành vải. Tất cả họ đều có chung một nỗi niềm: Chạy ăn từng bữa, mơ ước có nơi ở và gia đình bình yên.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, toàn cầu có gần 700 triệu người đang sống trong cảnh nghèo cùng cực, với thu nhập ở mức dưới 1,9 USD/ngày. Đây là tình trạng kéo theo những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Đến mức trong mục tiêu phát triển bền vững, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra điều khoản đầu tiên là cam kết “chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, nếu chỉ tăng việc làm là không đủ. Bởi vì có khoảng một nửa trong số người nghèo cùng cực cũng có việc làm, nhưng họ không được trả lương thỏa đáng. 

Phụ nữ nông thôn ở Mexico hiện đang có mức thu nhập khá thấp - Ảnh: APS

Hơn 170 quốc gia đã ấn định mức lương tối thiểu, nhưng mức này thường không đủ để người dân thoát nghèo. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp hãy thực thi “mức lương đủ sống”, được hiểu là phải cân bằng được chi phí sinh hoạt thực sự của người lao động và gia đình họ. Khi đó, họ không chỉ đủ no mà còn mua được thực phẩm bổ dưỡng mang lại lợi ích sức khỏe cho mình và người thân. Đây là khía cạnh mang tính hệ thống, người lao động ít bệnh đau hơn sẽ mang lại lợi ích cho cả hệ sinh thái lao động, việc làm.

Thu nhập đủ sống tạo sự thay đổi lớn

Một công nhân có “mức lương đủ sống” còn có nhiều cơ hội mua được nhà ở để cải thiện chất lượng sống. Khi có một chút thu nhập “khả dụng”, người dân có thể trồng cây lấy bóng mát, trả tiền cho việc thắp sáng đường phố và đóng góp vào việc xây dựng trường học, cơ sở thể thao. Những thay đổi đó sẽ giúp tạo ra các cộng đồng an toàn và ổn định hơn. Chưa hết, việc cải thiện xã hội như trên cũng gắn liền với giáo dục. Với số tiền đủ sống, cha mẹ không cần con cái phụ giúp tìm thêm thu nhập. Vì vậy, bọn trẻ có cơ hội được đi học thay vì phải đi làm… 

WB đưa ra khái niệm “mức lương đủ sống” với mục tiêu chấm dứt nghèo đói cùng với chuẩn nghèo được nâng lên. Thoát nghèo giờ đây không có nghĩa chỉ là cơm no áo ấm. “Mức lương đủ sống” là giải pháp bảo đảm cho nhiều thành viên trong cộng đồng có thể có thêm thời gian rảnh rỗi để tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tập luyện thể thao. Thu nhập đủ sống cũng hỗ trợ quyền bình đẳng giới bằng cách bảo đảm phụ nữ, vốn là những người lao động được trả công thấp nhất thế giới, nhận được mức lương công bằng. Về cơ bản, nâng cao thu nhập của tất cả người lao động đang hưởng mức lương thấp sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hòa nhập xã hội, chính trị, giảm bất bình đẳng xã hội và tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Như đã nói, trả lương đủ sống cho người lao động liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Điều này thậm chí còn giúp chống lại biến đổi khí hậu bằng cách cho phép ngày càng có nhiều người đủ điều kiện mua năng lượng sạch hơn và mua các sản phẩm thân thiện môi trường hơn. Với những lợi ích sâu rộng như vậy cho toàn xã hội, WB kêu gọi toàn cầu phải cùng nhau nỗ lực để biến “mức lương đủ sống” trở thành hiện thực. 

Nam Anh (theo National Geographic, WB)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI