Thế giới đau đầu vì giá xăng dầu tăng

23/02/2022 - 17:07

PNO - Nhu cầu mở cửa, phục hồi kinh tế của các quốc gia sau đại dịch và tình trạng giảm nguồn cung dầu thô bởi khó khăn trong khai thác đang khiến thế giới lo lắng trước tình hình giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo nguy cơ lạm phát.

Nhu cầu sử dụng dầu sụt giảm rất mạnh vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch do sự suy thoái lớn trong hoạt động kinh tế. Thế nhưng, nhu cầu về dầu mỏ đã tăng cao trở lại theo đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới sau khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, kéo theo giá dầu thô tăng mạnh từ dưới 80 USD/thùng hồi cuối năm 2021 lên gần 100 USD/thùng. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga với Ukraine và phương Tây, cũng như ở Trung Đông đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Dầu mỏ chiếm 3% GDP toàn cầu, giá dầu tăng cao đang góp phần làm tăng lạm phát, cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia.  

Quỹ dầu mỏ nhà nước của Thái Lan đã được sử dụng để trợ giá bán lẻ xăng dầu đến mức thâm hụt 429,4 triệu USD tính đến cuối tháng Giêng - ẢNH: REUTERS
Quỹ dầu mỏ nhà nước của Thái Lan đã được sử dụng để trợ giá bán lẻ xăng dầu đến mức thâm hụt 429,4 triệu USD tính đến cuối tháng Giêng - ẢNH: REUTERS

Giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực đến cuộc sống

Sara Bate (43 tuổi) là một trong 1,5 triệu chủ hộ gia đình ở Anh. Nhà của cô ở vùng nông thôn và sử dụng hệ thống sưởi đốt bằng dầu. Trước tình hình giá nhiên liệu tăng, hóa đơn thanh toán tiền sử dụng năng lượng đang là nỗi lo đối với các khách hàng như Sara. Bà mẹ một con này chia sẻ: “Mọi thứ đều quy về nhu cầu cơ bản. Tôi chọn thực phẩm rẻ tiền và từ bỏ ý định mua giày mới. Tôi có thể ngưng sử dụng ô tô, nhưng điều đó khiến tôi chỉ có thể làm việc quanh nhà vì dịch vụ xe buýt cũng đóng cửa do giá cả leo thang”. Một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra ở Anh, với tốc độ tăng giá nhanh nhất trong gần 30 năm và thậm chí có thể khiến cuộc sống của mọi người trở nên tồi tệ hơn. 

Vào tháng Giêng vừa qua, Cục Thống kê Úc (ABS) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 với mức tăng lên đến 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhiên liệu đóng góp một tỷ lệ lớn vào con số trên, với mức tăng gần 1/3 trong năm 2021. Không chỉ các hộ gia đình sử dụng xăng và dầu diesel mới đau đầu, các doanh nghiệp cũng đối mặt tình cảnh tương tự khi chi phí nhiên liệu đẩy giá thành nhiều loại sản phẩm của họ tăng cao. Gerry Gerrard - Giám đốc điều hành một công ty phân phối hoa tươi tại Úc - cho biết: “Chi phí nhiên liệu rõ ràng là một yếu tố quan trọng trong quá trình giao hàng. Vì vậy, chúng tôi phải nâng giá bán để đảm bảo lợi nhuận cho các cửa hàng”. 

Là một trong những lĩnh vực nhạy cảm với giá nhiên liệu, ngành hàng không quốc tế đang gặp khó khăn trong việc tính toán, cân đối chi phí. Linus Benjamin Bauer - người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Bauer Aviation Advisory (trụ sở tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) - cho biết giá vé máy bay nội địa toàn cầu dự kiến sẽ tăng trung bình 6% mỗi tháng cho đến tháng 8/2022. Khi đại dịch suy yếu, dẫn đến việc nới lỏng các quy tắc nhập cảnh và mở lại biên giới của nhiều quốc gia, nhu cầu đi lại tăng sẽ càng đẩy giá lên cao. 

Gánh nặng cho kế hoạch phục hồi kinh tế

Giá xăng dầu tăng vọt và lạm phát đang khiến các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đau đầu. Các nền kinh tế có mức lương trung bình không cao, đang “tụt hậu” so với lạm phát càng dễ bị tổn thương bởi các tác động dữ dội do giá xăng dầu gây ra. 

Tại châu Á, lượng nhiên liệu xuất khẩu của Trung Quốc giảm đáng kể trong những tháng gần đây càng làm trầm trọng sự gián đoạn kinh tế của khu vực vốn đang phục hồi nhờ nới lỏng các hạn chế về phòng dịch, kéo theo nhu cầu về tiêu thụ năng lượng tăng. Trong cơ cấu giá nhiên liệu, tùy thuộc vào từng quốc gia nhưng cơ bản là thuế và phí chiếm đến 50 - 60%. Do đó, để có thể giảm thiểu tác động xấu của tình trạng tăng giá nhiên liệu, Ấn Độ đã cắt giảm thuế bán lẻ đối với xăng và dầu diesel từ tháng 11/2021 đồng thời thực hiện chính sách (không chính thức) cố định về giá. Hàn Quốc tạm thời giảm 20% thuế nhiên liệu từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2022 và có thể chính sách này sẽ được gia hạn. Riêng Nhật Bản đang trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu để tăng cường sản xuất nhiên liệu. 

Nhà nghiên cứu tại Học viện Kinh tế Hoàng gia Campuchia Ky Sereyvath giải thích, về lý thuyết cũng như thực tiễn, chính phủ có thể can thiệp vào thị trường nhiên liệu, tùy thuộc vào nguồn lực của ngân sách. Nếu chính phủ tin rằng họ cần can thiệp nhằm ngăn chặn giá nhiên liệu tăng cao, họ có thể giải ngân các khoản tiền cần thiết, giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dầu thô, hoặc đơn thuần là thiết lập giá bán lẻ xăng và dầu diesel ở mức thấp.

Nhưng dù bằng cách nào, điều này sẽ gây tổn thất cho ngân sách quốc gia. Điển hình, lạm phát do giá dầu toàn cầu tăng cao khiến chính phủ Thái Lan phải vay thêm tiền để chi hỗ trợ, giữ giá xăng dầu ở mức 30 baht/lít (khoảng 21.100 đồng), chấp nhận mức trần nợ công lên đến 70% GDP. Các chuyên gia ở Thái Lan đã cảnh báo các khoản nợ mới này sẽ đè nặng lên ngân khố, có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng sau này. 

Linh La (theo Nikkei Asia, Phnom Penh Post, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI