Thế giới cần chung tay thay vì chia rẽ trước biến thể mới

07/12/2021 - 06:03

PNO - Nếu thế giới tiếp tục đóng cửa, cố thủ cục bộ và để COVID-19 lây lan qua các quần thể chưa được tiêm chủng, những biến thể tiếp theo sẽ không ngừng xuất hiện, đe dọa kéo dài đại dịch và gây chết người nhiều hơn.

Thế giới chia rẽ trước Omicron

Đã gần hai năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện và một năm kể từ khi vắc xin COVID-19 đầu tiên được sử dụng, thế giới lại đang chứng kiến những thành quả tuyệt vời trong cuộc chiến với virus đang bị bỏ phí vì sự cục bộ của không ít quốc gia. Trong nhiều tháng qua, nhiều nước giàu có chỉ tập trung vào việc tăng tốc tiêm chủng cho người dân của mình với suy nghĩ rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã lùi về sau. Thế nhưng, biến thể Omicron nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc.

Trong vòng chưa đầy hai tuần, biến thể Omicron, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, đã lan đến hơn 40 nước. Nhiều nước, bao gồm cả Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng hạn chế kết nối hàng không với toàn bộ khu vực phía nam châu Phi, với lý do bảo vệ người dân của họ khỏi một đợt đại dịch khác. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản và Israel thậm chí đóng cửa biên giới với người nước ngoài, đe dọa tạo nên một hiệu ứng domino khác khiến ngành hàng không toàn cầu ngừng hoạt động một lần nữa.

 

Thế giới đang bị chia tách bởi những phản ứng có phần thái quá của nhiều quốc gia trước Omicron, vào thời điểm nhạy cảm với nhiều ngành kinh tế và du lịch toàn cầu - ẢNH: NCA NEWSWIRE
Thế giới đang bị chia tách bởi những phản ứng có phần thái quá của nhiều quốc gia trước Omicron, vào thời điểm nhạy cảm với nhiều ngành kinh tế và du lịch toàn cầu - Ảnh: NCA NEWSWIRE

Phản ứng hoảng sợ của thế giới đối với Omicron vấp phải sự chỉ trích từ chính quyền Nam Phi. Họ cho rằng có cảm giác như mình đang bị gánh chịu hậu quả không chỉ vì phát hiện ra biến thể mà còn vì đã chia sẻ thông tin quá nhanh với phần còn lại của thế giới. Những phản ứng có vẻ quá đà đối với thông tin từ Nam Phi của nhiều quốc gia có thể cũng sẽ dẫn đến việc các nước khác ngần ngại trong việc tiết lộ về những chủng COVID-19 mới trong tương lai, hoặc thậm chí là các bệnh truyền nhiễm khác. Trong khi bản chất và mức độ nghiêm trọng của Omicron, cũng như ảnh hưởng của nó đối với bệnh nhân vẫn đang được nghiên cứu. 

Cần những nỗ lực chung

Nếu SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trong các quần thể chưa được tiêm chủng đầy đủ trên toàn cầu càng lâu, thì càng có nhiều khả năng xuất hiện một biến thể có khả năng vượt qua hàng phòng vệ của vắc xin và phương pháp điều trị. Điều quan trọng là hiện tại, lời giải cho đại dịch đã được làm sáng tỏ và không thay đổi suốt hai năm qua. Đó chính là đeo khẩu trang, tăng cường xét nghiệm, giãn cách xã hội, cách ly ca dương tính (đi kèm hỗ trợ cộng đồng) và tiêm chủng đầy đủ. 

Omicron một lần nữa nhấn mạnh sự bất bình đẳng về vắc xin. Các nước hoảng sợ khi đối mặt với biến thể này là những nước đã trữ một lượng lớn vắc xin vượt quá nhu cầu của họ. Trong khi phần lớn thế giới, đặc biệt là người dân các nước châu Phi, vẫn đang mỏi mòn chờ đợi để được tiêm chủng. Kết quả là, trong khi Israel đang lên kế hoạch cho mũi tiêm thứ tư và hầu hết các nước giàu hiện đang ở chiến dịch tiêm liều thứ ba, thì ở châu Phi, chưa đến 5% dân số nhận được mũi tiêm đầu tiên. Việc các nước sử dụng mũi tiêm bổ sung để bảo vệ dân số của mình là điều dễ hiểu, nhưng điều đó cần phải diễn ra song song với việc đảm bảo nguồn cung vắc xin toàn cầu. Đó là cách không thể khác để chiến thắng đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần thực hiện vai trò của mình trong việc dẫn dắt phản ứng chung của thế giới trước Omicron sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong đó ưu tiên lớn nhất là dù thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ cộng đồng khỏi biến thể, nhưng hành động của các quốc gia sẽ không khiến nền kinh tế toàn cầu ngừng trệ một lần nữa. Hiện nay, một trong những phản ứng tích cực nhất đến từ Ấn Độ, quốc gia này đã chọn tăng cường kiểm tra tại hệ thống sân bay và yêu cầu công dân của mình cảnh giác hơn về đại dịch. Họ loại trừ việc cắt đứt liên kết hàng không với các nước bị ảnh hưởng.

Ấn Độ cũng cam kết tăng cường cung cấp vắc xin và các thiết bị y tế khác cho các nước châu Phi đang gồng mình chống dịch. Đây nên là hình mẫu phản ứng chung cho thế giới. Sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia đủ và thiếu điều kiện mới có thể giúp tìm thấy hy vọng trong việc thoát khỏi đại dịch, giảm thiểu ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế chung. 

Tấn Vĩ (theo Guardian, Arab News, ABC, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI