Nếu nước nghèo không đủ vắc-xin, nước giàu cũng sẽ chịu hậu quả

26/01/2021 - 06:01

PNO - Nghiên cứu mới cho thấy, nếu các quốc gia nghèo không thể nhận vắc-xin ngừa COVID-19 đầy đủ, thiệt hại kinh tế sẽ trầm trọng hơn và các quốc gia giàu có phải gánh chịu một nửa chi phí.

 

Nếu các quốc gia nghèo và đang phát triển không có đủ vắc-xin COVID-19  để bảo vệ người dân, cả thế giới sẽ hứng chịu hậu quả - Ảnh: Getty Images
Nếu các quốc gia nghèo và đang phát triển không có đủ vắc-xin COVID-19 để bảo vệ người dân, cả thế giới sẽ hứng chịu hậu quả - Ảnh: Getty Images
 

Thiệt hại rộng lớn

Việc các nước giàu tìm cách giữ độc quyền cung cấp vắc-xin COVID-19 đang đe dọa gây ra thiệt hại lớn hơn cả một thảm họa nhân đạo, đó là sự tàn phá kinh tế nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển và ảnh hưởng nặng nề đến chính nhóm “nhà giàu”.

Đây là kết luận rút ra từ một nghiên cứu học thuật dự kiến công bố chính thức ngày 25/1. Nhóm các nhà kinh tế liên kết với Đại học (ĐH) Koc (Thổ Nhĩ Kỳ), ĐH Harvard và ĐH bang Maryland (Mỹ) đã kiểm tra dữ liệu thương mại của 35 ngành công nghiệp ở 65 quốc gia về tác động kinh tế của việc phân phối vắc-xin không đồng đều.

Theo đó, khi người dân các quốc gia giàu có được tiêm phòng đầy đủ vào giữa năm nay và các nước nghèo vẫn bị phong tỏa, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại hơn 9.000 tỷ USD - một khoản tiền lớn hơn tổng sản phẩm hằng năm của Nhật Bản và Đức cộng lại. Trong trường hợp các nước đang phát triển tiêm phòng cho một nửa dân số của họ vào cuối năm nay, nền kinh tế thế giới sẽ vẫn bị thiệt hại từ 1.800-3.800 tỷ USD.

Nghiên cứu được Phòng Thương mại quốc tế - một tổ chức phi chính phủ tại Pháp - kết luận rằng, việc phân phối công bằng vắc-xin là lợi ích kinh tế của mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại, đồng thời phản bác quan điểm phổ biến rằng chia sẻ vắc-xin với các nước nghèo chỉ là một hình thức từ thiện.

Selva Demiralp - nhà kinh tế học tại ĐH Koc, người từng làm việc tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ và là một trong những tác giả của nghiên cứu trên - cho biết: “Rõ ràng, tất cả các nền kinh tế đều có mối liên hệ với nhau. Sẽ không có nền kinh tế đơn lẻ nào được phục hồi hoàn toàn trừ khi các nền kinh tế khác cũng phục hồi”.

Tác động thông qua chuỗi cung ứng

Suy nghĩ phổ biến rằng đại dịch không phân chia chủng tộc và giai cấp đã bị bác bỏ bởi thực tế là, COVID-19 tạo ra cái chết và sự tàn phá sinh kế nhiều hơn cho những người lao động lương thấp, đặc biệt là các nhóm thiểu số. Có những chuỗi cung ứng toàn cầu hay các ngành sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục bị gián đoạn khi vi-rút vẫn tồn tại.

Nếu người dân ở các nước đang phát triển vẫn không có việc làm do bị phong tỏa, họ sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu, làm giảm doanh số bán hàng cho các nhà xuất khẩu ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á; các công ty đa quốc gia ở các nước tiên tiến cũng khó đảm bảo các bộ phận, linh kiện và hàng hóa cần thiết. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, trong số 18.000 tỷ USD hàng hóa được giao dịch vào năm ngoái, hàng hóa trung gian chiếm đến 11.000 tỷ USD.

Nghiên cứu trên chỉ ra rằng, đại dịch tiếp tục diễn ra ở các nước nghèo có thể là viễn cảnh tồi tệ nhất đối với các ngành công nghiệp đặc biệt phụ thuộc vào các nhà cung cấp trên thế giới, bao gồm ô tô, dệt may, xây dựng và bán lẻ, nơi doanh số có thể giảm hơn 5%.

Ước tính, phải đến năm 2024, nền kinh tế của nhiều quốc gia đang phát triển, từ Bangladesh, Tanzania đến Peru mới phục hồi khi người dân được tiêm chủng đầy đủ. Sáng kiến ​​cung cấp thêm nguồn lực cho các nước nghèo đã được thúc đẩy khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Cố vấn y tế của ông Biden về đại dịch COVID-19 - tiến sĩ Anthony S. Fauci - thông báo rằng, Mỹ sẽ tham gia chiến dịch chia sẻ vắc-xin. Tuy nhiên, ở các cuộc thảo luận, việc hỗ trợ cho nhóm nước đang phát triển bị đóng khung bởi các khía cạnh đạo đức. Các nhà lãnh đạo tranh luận về việc họ có thể “chừa” bao nhiêu để giúp đỡ các cộng đồng kém may mắn nhất hành tinh trong khi chủ yếu vẫn ưu tiên cho người dân của mình. 

Lao động nhập cư khó tiếp nhận vắc-xin

Tại một trang trại trồng nho ở Nam California, hàng trăm công nhân nhập cư xếp hàng dài trong thời gian nghỉ thu hoạch để tiêm vắc-xin COVID-19. Họ nằm trong số những người nhập cư dễ bị tổn thương ở Mỹ, bao gồm 11 triệu người cư trú bất hợp pháp, là đối tượng khó tiếp cận nhất trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Mỹ. 

Một số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ lo sợ rằng, thông tin được ghi lại có thể bị chuyển cho chính quyền khiến họ gặp rắc rối, trong khi những người nói ít hoặc không biết tiếng Anh khó tiếp cận tiêm chủng. Như nhiều người khác, họ cũng do dự về việc tiêm loại vắc-xin mới được phê duyệt giữa ma trận thông tin sai lệch bằng nhiều ngôn ngữ.

Để giải quyết thách thức này, các nhóm vận động cho người nhập cư đã đến các nông trại để trực tiếp mang vắc-xin và thông tin đến những người lao động nhập cư, cố gắng động viên họ tiêm chủng và xóa bỏ thông tin sai lệch bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc các ngôn ngữ khác.

 

Linh La (theo NY Times, ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI