Thể dục học đường: Môn nào cũng học nhưng không chơi được môn nào

12/09/2018 - 06:12

PNO - Một khi cả thầy lẫn trò đón nhận môn học với tâm thế “cho tròn nghĩa vụ” để được lên lớp thì khó trách sao học sinh chúng ta hầu như môn nào cũng biết, nhưng không có môn nào… chơi được.

Nhiều trường học đã xây dựng nhà luyện tập, hồ bơi, sân bóng… để việc học sinh học thể dục đạt hiệu quả hơn. Thế nhưng, do phân bổ chương trình cũng như việc dạy và học chỉ cốt “cho tròn nghĩa vụ” nên học sinh được học rất nhiều môn, nhưng lại không chơi được môn nào.

The duc hoc duong: Mon nao cung hoc nhung khong choi duoc mon nao
Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên trong giờ tập môn cầu lông - Ảnh: P.Huy

Cầu vừa “dính” chân đã chuyển sang môn khác 

“Mẹ cho con đi học bóng chuyền đi. Ở trường dạy kỳ quá, mới học lý thuyết xong, chưa chuyền được đã chuyển qua môn khác. Đó là tụi con trai. Còn mấy bạn gái thì chưa kịp làm gì hết” - Vũ Hoàng, học sinh (HS) lớp Chín ở Q.12, TP.HCM, phàn nàn với mẹ.

Không lạ gì với cậu con trai mê thể thao và có ý thức rèn luyện, chị Trúc Anh, mẹ Hoàng, liền tìm đăng ký cho cậu học lớp bóng chuyền buổi tối. Trò chuyện, chị liệt kê những môn mà con đã học trong bốn năm cấp II, từ những môn điền kinh như chạy, nhảy xa, nhảy dây, nhảy cao, ném tạ, đến cầu lông, đá cầu, bóng đá, bóng rổ, võ, bơi… dường như không thiếu môn nào. Năm nào chị cũng trang bị dụng cụ học thể dục cho con. Năm ngoái, con chị hào hứng khoe chuẩn bị học môn đá cầu. Nhưng đâu được mấy tuần, chị lại nghe cậu con trai càm ràm: “Mới tốn tiền mua trái cầu, vừa “dính” được chân thì phải chuyển sang học môn khác”. 

Do rất thích thể thao, Hoàng mong muốn được chơi tốt ở vài môn mà em thích nhưng ở trường không có cơ hội thực hiện điều đó. Năm học sau, Hoàng đăng ký học lại môn thể thao đã học dở dang năm trước nhưng không được chấp nhận, mặc dù đó là môn tự chọn. Hoàng bị bắt buộc học một môn tự chọn khác. “Em học đủ môn hết, nhưng không có môn nào được học một cách bài bản”, Hoàng nhận xét.

Cùng tâm trạng đó, Thanh Nghi, HS lớp 12 ở Q.7, cho hay: “Năm nào tụi em cũng học bốn môn điền kinh kết hợp, kể từ lớp Bảy đến nay. Kể chi đến chạy bền, nhảy xa, động tác đơn giản nhất là hít đất, không đứa con gái nào làm nổi. Vì cái cơ bản nhất là kỹ năng hít - thở, các bạn không nắm được”. Nghi cho biết thêm, ngày được học môn bóng rổ, cả lớp rất hào hứng. Những buổi đầu, các em được giáo viên hướng dẫn một số kỹ thuật như nhồi bóng, dẫn bóng, ném rổ và luật chơi.

Cũng có một số tiết thực hành riêng lẻ về từng kỹ thuật, nhưng chỉ dừng lại ở đó. Trong khi, với những môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền… nếu ai chưa thực sự thi đấu một trận nào, thì coi như chưa biết chơi bóng, bởi việc luyện tập của mỗi cá nhân so với việc chơi trong một đội hình khác nhau một trời một vực. “Học bóng rổ như vậy chẳng khác nào bắt HS vào sân cỏ để học bơi” - Nghi ví von.

Sao không đặt mục tiêu?

Trao đổi về những bất cập trong môn học này, thầy N.M.T., một giáo viên dạy thể dục cấp THCS tại TP.HCM, cho biết: “Với thời lượng chương trình dành cho môn học, điều giáo viên có thể làm là dạy cho các em các kỹ thuật cơ bản, giúp các em phát hiện năng lực thể chất, còn lại yêu cầu mỗi HS phải phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động trong tập luyện”.

Thầy cho biết thêm, phân phối chương trình dành cho môn thể dục (hay giáo dục thể chất) là 70 tiết/năm dành cho các khối lớp theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, tương đương mỗi tuần HS có hai tiết (90 phút) học. Các cấp học từ THCS đến THPT, chương trình không có nhiều khác biệt, bao gồm bài tập thể dục phát triển chung (các động tác tay, chân, thăng bằng, hít thở, nhịp điệu…), các môn điền kinh (chạy ngắn, chạy bền, nhảy cao, bật xa) và môn tự chọn (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, đá cầu, võ, bơi…). Trong đó, trừ môn thể dục tự chọn, HS sẽ được học lặp lại các bài tập thể dục phát triển chung và các môn điền kinh qua mỗi năm học.

Không đồng ý với nguyên nhân cho rằng việc học tập không hiệu quả do thời lượng dành cho chương trình ít, thầy Robert. J, giáo viên dạy thể dục tại một trường quốc tế ở Q.7, đưa ra quan điểm: “Vấn đề nằm ở chỗ, nhà trường, mà cụ thể là giáo viên chưa đặt ra mục tiêu HS phải đạt được cho môn học đó, hoặc có đặt ra thì cũng chỉ mang tính lý thuyết mà bản thân người dạy chưa thực sự hướng đến”. 

Thực tế là, môn giáo dục thể chất lâu nay vẫn bị xem nhẹ trong trường học. Hình ảnh các bạn HS tụm lại một góc để “tám” chuyện hoặc lững thững di chuyển trong giờ thể dục cho thấy đó là môn học không đáng để “đổ mồ hôi”. Không riêng gì thể dục, các môn nhạc, mỹ thuật cũng cùng chung số phận là “môn phụ” khi hầu hết các trường có xu hướng “dạy cho có”.

Chị Hồng, một phụ huynh có con đang học cấp II ngán ngẩm: “Tôi đăng ký cho con khóa học nhạc hai tháng rưỡi ngoài trung tâm, chỉ sau một tháng, cháu đã biết và đánh được những kỹ thuật cơ bản. Còn môn nhạc trong trường, được học chín năm liên tiếp nhưng mấy đứa nhỏ không biết gì ngoài tiểu sử của các nhạc sĩ Việt Nam”.

Cũng khó để quy trách nhiệm cho người thầy khi chương trình giáo dục của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết. Điều chúng ta có thể mong mỏi là, đối với môn học rèn luyện thể chất, nhà trường chỉ cần làm sao để HS biết chơi và chơi thường xuyên một môn thể thao nào đó như một cách rèn luyện sức khỏe. Tại sao không chậm lại để các em có thể hiểu biết một cách cơ bản nhất? Một khi cả thầy lẫn trò đón nhận môn học với tâm thế “cho tròn nghĩa vụ” để được lên lớp thì khó trách sao HS chúng ta hầu như môn nào cũng biết, nhưng không có môn nào… chơi được. 

 Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI