Chuyện chương trình Công nghệ - Giáo dục bị rủa sả: Nguồn cơn từ sự độc quyền

10/09/2018 - 06:38

PNO - Trong suốt tuần qua, giáo sư Hồ Ngọc Đại và quyển sách Tiếng Việt 1 - chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của ông đã bị dư luận mạng xã hội vùi dập.

Chuyen chuong trinh Cong nghe - Giao duc bi rua sa: Nguon con tu su doc quyen
 

Tại sao bây giờ người ta mới chửi bới, trong khi bộ sách đã được khai triển cách nay 40 năm? 

Từ năm 1978, sách CNGD được đưa vào dạy thí điểm và ngày càng lan tỏa ra nhiều địa phương. Tại TP.HCM, theo ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM - những năm 1995-2000, trừ Q.10, các quận, huyện còn lại đều có trường dạy CNGD. Ở nhiều quận như Q.6, Q.Gò Vấp… tất cả các trường tiểu học đều dạy chương trình này. Toàn TP.HCM có năm trường dạy CNGD từ lớp Một đến lớp Năm. 

Nhưng vào năm 2000, khi chương trình tiểu học 2000 ra đời nhằm thay thế cho chương trình cải cách trước đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương giảng dạy thống nhất một chương trình, thì CNGD như một vận động viên bơi lội đang về đích thì bị cá mập cắn chân kéo lại.

Trong tình thế ấy, chương trình CNGD phải xin trở thành đề tài cấp quốc gia và mang thí điểm ở các tỉnh miền núi. Vài năm gần đây, chương trình CNGD mới "sống lại" ở một số tỉnh, thành. Ông Lê Ngọc Điệp cho biết, Trung tâm CNGD chỉ là một trung tâm (thuộc Bộ GD-ĐT), chẳng có quyền lực gì nên không thể bắt người ta phải theo.

Nhưng sự thật là CNGD có nhiều ưu điểm. Trước đó, trong những năm 1980-1990, học theo chương trình cải cách, học sinh tái mù chữ rất nhiều. CNGD đã khắc phục được nhược điểm này. Chương trình tiểu học 2000 ra đời, đổi mới phương pháp - “lấy học sinh làm trung tâm” thì tinh thần ấy cũng là của CNGD. Rồi tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cũng thế. Nếu xác định mục đích của bậc tiểu học là đọc thông, viết thạo, không tái mù chữ, thì CNGD rất đảm bảo. Sự xuất hiện của CNGD đã góp phần thúc đẩy cải cách giáo dục rất nhiều. 

Thực tế đã chứng minh rằng, mọi sự độc quyền đều gây cản trở cho sự phát triển. Trong giáo dục cũng thế. Chính sự độc quyền về nội dung chương trình sách giáo khoa và phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ bấy lâu đã khiến mọi người lầm tưởng chỉ có một cách dạy (truyền thống) là đúng và khác nó là sai, dẫn đến những tranh cãi không đáng có.

Cũng phải nói về cuộc thí điểm của chương trình CNGD. Như bao cuộc thí điểm khác, qua hàng chục năm thí điểm, chương trình CNGD không tổng kết, đánh giá để chính thức có một vị trí xứng đáng (nếu ưu việt) hoặc dẹp bỏ (nếu không tốt). Đằng này, ngành giáo dục cứ để nó sống thoi thóp. Chính vì thế, khi nhận được những thông tin về nó theo kiểu không đầu, không cuối, dư luận đã... lên đồng. 

Mục tiêu của chương trình giáo dục cụ thể ở lớp Một là đọc thông, viết thạo. Để đạt được điều đó thì có nhiều con đường. Chẳng thế mà là nhiều nhà giáo, nhân sĩ, trí thức, trong đó có cả những đại biểu Quốc hội đã ủng hộ việc phải có nhiều bộ sách giáo khoa. Nếu nhìn ở khía cạnh đó thì CNGD chỉ là một phương pháp khác với phương pháp truyền thống. Và trong tương lai không chỉ có sách CNGD mà sẽ còn có nhiều bộ sách khác sẽ ra đời. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI