'The best years of our lives': Câu chuyện bất hủ về sự đoàn tụ

16/01/2023 - 19:55

PNO - Không có những hình ảnh hào nhoáng hay tình tiết kịch tính, "The best years of our lives" vẫn trở thành một bộ phim bất hủ với câu chuyện về những mảnh đời hậu chiến.

Năm 1989, Thư viện Quốc hội Mỹ chọn ra 25 phim đầu tiên để bảo tồn vì tầm quan trọng về văn hóa, lịch sử hoặc nghệ thuật. The best years of our lives (tạm dịch: Những năm tháng khó quên) của đạo diễn William Wyler vinh dự nằm trong số này. Tác phẩm ra mắt năm 1946 còn giữ vai trò quan trọng trong sự khởi sắc của phòng vé Mỹ sau Thế chiến thứ hai. Nó là bộ phim đạt doanh thu cao nhất trong thập niên 1940 và bán được đến 55 triệu vé ở Mỹ. Dân số nước này năm 1946 chỉ khoảng 140 triệu người, như vậy, trung bình cứ 3 người Mỹ khi ấy thì có một người từng xem phim.

The best years of our lives - một bộ phim bất hủ với câu chuyện về những mảnh đời hậu chiến
The best years of our lives - một bộ phim bất hủ với câu chuyện về những mảnh đời hậu chiến

Lúc bắt đầu dự án, có lẽ đạo diễn William Wyler và hãng Samuel Goldwyn Productions cũng không ngờ tác phẩm có thể gây tiếng vang lớn như vậy. Bởi lẽ câu chuyện phim có phần giản dị, chỉ xoay quanh cuộc sống của các quân nhân trở về từ chiến tranh. Nhà sản xuất Samuel Goldwyn được truyền cảm hứng khi đọc một bài báo trên tạp chí Time vào năm 1944, lúc cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Ông mời phóng viên chiến trường MacKinlay Kantor  viết một câu chuyện, về sau được xuất bản thành tập tiểu thuyết Glory for me (tạm dịch: Vinh quang cho tôi). Nhà biên kịch Robert E. Sherwood sau đó chuyển thể cuốn sách này thành kịch bản.

Đạo diễn William Wyler được chọn vì tài năng và có kinh nghiệm thật sự ở chiến trường. Ông từng quay bộ phim tài liệu The Memphis Belle: A story of a flying fortress (tạm dịch: The Memphis Belle: Câu chuyện về một pháo đài bay) về cuộc chiến ở châu Âu. Tính chân thật là điều Wyler đặt lên hàng đầu, đến nỗi ông nhất quyết đòi chiêu mộ Harold Russell - một quân nhân thực thụ - bất chấp anh không phải diễn viên chuyên nghiệp. Là người lính mất cả hai bàn tay trong tai nạn, Russell được giao thể hiện một vai diễn có số phận tương tự. 

Đây là bộ phim đạt doanh thu cao nhất trong thập niên 1940
Đây là bộ phim đạt doanh thu cao nhất trong thập niên 1940

Hành trình trở về thời hậu chiến 

3 quân nhân gồm trung sĩ bộ binh Al Stephenson (Fredric March), đại úy không quân Fred Derry (Dana Andrews) và hạ sĩ hải quân Homer Parrish (Harold Russell). Mỗi người đều có một câu chuyện và những tâm tư riêng khi quay về với người thân ở Boone City thuộc miền Trung Tây nước Mỹ.

Al Stephenson đoàn tụ với gia đình, bao gồm người vợ Milly (Myrna Loy) và 2 người con tên Peggy (Teresa Wright) và Rob (Michael Hall). Dù được người thân chào đón nồng ấm, Al vẫn không cảm thấy thoải mái. Sau nhiều năm tháng nếm trải lửa đạn ở mặt trận Thái Bình Dương, cuộc sống cũ mà ông quen thuộc nay bỗng thật mới mẻ. 

Trước chiến tranh, Al từng làm việc ở ngân hàng và ông lại quay về đây. Song, công việc thời hậu chiến không hề dễ dàng khi ông phải đứng trước quyết định tài chính liên quan đến các cựu binh khác. Mệt mỏi với gia đình và công việc, Al tìm đến rượu khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn.

Trailer phim The best years of our lives:

 

Trên bầu trời, Fred Derry là một phi công tài ba với nhiều thành tích được tuyên dương nhưng khi trở về đời thường, anh chàng bị sốc khi chẳng thể kiếm được một công việc tốt. Chẳng còn kẻ thù nào để thả bom, chẳng còn những trận quyết chiến giữa không trung. Fred bàng hoàng nhận ra tài năng của mình hầu như vô dụng ở thành phố. Anh chỉ có thể quay về làm công việc tẻ nhạt ở hiệu thuốc.

Trước khi ra trận, Fred đã kết hôn với cô nàng Marie (Virginia Mayo) xinh đẹp nhưng tình cảm của họ chưa bao giờ bền chặt. Giờ đây, anh cảm thấy đám cưới đó thật vội vàng vì tính cách cả hai quá khác biệt. Marie thích sự hào nhoáng và khinh thường Fred vì không kiếm được nhiều tiền. 

Một trong những cảnh quay được nhớ đến nhất phim là khi Fred lang thang vào một “nghĩa địa” rộng lớn của những phi cơ bị bỏ hoang. Chúng trở thành hình ảnh ẩn dụ cho chính những người phi công từng điều khiển chúng - lạc lõng và không còn giá trị trong xã hội.

Nếu nỗi đau của Al và Fred đến từ tâm lý, Homer còn phải gánh chịu nhiều hơn thế. Chàng thanh niên mất cả hai tay khi phục vụ trong hải quân, phải dùng móc sắt gắn vào để sinh hoạt hằng ngày. Trước chiến tranh, anh còn là một cầu thủ triển vọng nhưng giờ phải đối mặt tương lai vô định.

The best years of our lives hầu như không có cảnh mô tả chiến tranh nhưng qua lời thoại, nét mặt và hoàn cảnh của 3 nhân vật chính, khán giả có thể thấy sự tàn phá của cuộc chiến lớn đến dường nào. Dù Al, Fred và Homer đều thuộc phe thắng trận, cuộc sống của họ cũng chẳng hề có chút vinh quang nào như những lời cổ động sáo rỗng.

Sự đoàn tụ trong năm tháng tươi đẹp

Một điều thú vị là tác phẩm còn có 2 tên gọi khác là Home again (tạm dịch: Trở về) và Glory for me. Trong đó, Home again phản ánh trực diện tình thế trong phim còn The best years of our livesGlory for me gợi ra sự tích cực và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các nhân vật.

Sự tích cực, ấm áp cũng là tinh thần chủ đạo của phim. Đạo diễn không né tránh mô tả những khó khăn, ảm đạm thời hậu chiến nhưng cũng khắc họa những gam màu tươi đẹp để các nhân vật và có lẽ cả khán giả, cảm thấy lạc quan hơn với cuộc đời.

Trên hành trình điều chỉnh để thích ứng với cuộc sống dân sự, Al nhận nhiều sự ủng hộ từ gia đình. Một người vợ chung thủy và tảo tần, những đứa con dù hơi khác ông nhưng cũng hiểu cho bố mình. Bản thân Al cũng là một người chính trực và không hề lạnh lẽo, thực dụng như nhiều đồng nghiệp khác ở nhà băng. Sự hỗ trợ nhiệt thành của ông dành cho nhiều cựu binh dường như cũng là thông điệp bộ phim muốn truyền tải cho xã hội thời hậu chiến.

Harold Russell (phải) là người duy nhất giành 2 giải Oscar cho cùng 1 vai diễn
Harold Russell (phải) là người duy nhất giành 2 giải Oscar cho cùng 1 vai diễn

Với Fred, dù tan vỡ với vợ, anh lại tìm được tình yêu nơi Peggy (Teresa Wright). Trớ trêu thay, cô lại là con gái của Al và mối quan hệ không được viên sĩ quan lớn tuổi đồng tình. Kịch bản để Fred trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, trước khi hé mở những tia hy vọng hạnh phúc cho anh ở cuối phim.

Trong khi đó, những dằn vặt, đau đớn của nhân vật Honer được Harold Russell thể hiện vô cùng chân thật bởi chính anh cũng gặp cảnh tàn tật tương tự. Chưa từng học qua diễn xuất nhưng Russell chiếm trọn con tim hàng vạn khán giả bởi những câu nói và biểu cảm chân thật.

Một trong các đề cử Oscar của phim là dành cho Russell. Trước thềm buổi lễ, Viện Hàn lâm đánh giá thấp khả năng thắng giải của anh nên quyết định trao tặng một tượng Oscar danh dự. Tuy nhiên, tình yêu dành cho vai diễn của Russell quá lớn đến nỗi anh thắng cả giải chính thức. Sự kiện hy hữu này khiến Harold Russell trở thành người duy nhất giành 2 giải Oscar cho cùng 1 vai diễn. Tổng cộng, bộ phim giành 8 giải Oscar ở các hạng mục phim hay nhất, đạo diễn, nam chính, nam phụ, kịch bản, dựng phim, nhạc phim và giải danh dự.

Chọn cách tiếp cận giản dị, thiên về câu chuyện, The best years of our lives không có quy cách làm phim phức tạp. Tuy nhiên, cũng có những cảnh quay mà kỹ thuật đã giúp nâng tầm cách kể chuyện. Tại đám cưới của Homer trong đoạn kết phim, đạo diễn sử dụng tiêu cự sâu để lấy nét các sự kiện ở gần và xa khán giả. Ở phía gần là cảnh Homer hạnh phúc làm nghi thức với người thương. Ở phía xa, đó là Peggy với ánh nhìn hướng về phía Fred, báo hiệu sự kết nối của họ. 2 diễn biến độc lập nhưng cùng hòa chung trong sự trình hiện của tình yêu, đoàn tụ và hạnh phúc của con người. Đó là một trong những khoảnh khắc ấm áp nhất của điện ảnh Mỹ.

 

Ân Nguyễn

Ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI