Thay khớp háng nhân tạo vì vết cào nhỏ của chó cưng

09/03/2018 - 12:30

PNO - Những vết thương nhỏ do thú cưng gây ra có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề chủ nhân của chúng.

Một phụ nữ (66 tuổi, ở Anh) phải phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo chỉ vì vết cào nhỏ của con chó cưng mà bà nuôi trong nhà.

Thay khop hang nhan tao vi vet cao nho cua cho cung
 

Sau vài tháng bị đau ở vùng háng và mông, người phụ nữ tìm đến bác sĩ chỉnh hình để khám bệnh. Thời điểm này, bà lo mình bị ung thư ở những vùng bị đau nói trên. Tuy vậy, kết quả chụp cắt lớp cho thấy không có khối u nào trong cơ thể bệnh nhân.

Trước đó vào năm 1997, bệnh nhân đã được thay khớp háng nhân tạo một lần. Vì vậy các bác sĩ nghi ngờ rằng các khớp giả của bệnh nhân đã bị nhiễm trùng. 6 lần xét nghiệm sinh thiết đầu tiên không phát hiện điều gì bất thường. Đến lần thứ 7, bác sĩ mới phát hiện một loại vi khuẩn không thể nhận dạng được.

Thời gian này, cơn đau của bệnh nhân mỗi lúc càng trở nên tồi tệ hơn. Tiếp tục xét nghiệm thêm một lần nữa, bác sĩ vẫn tìm thấy vi khuẩn lạ nói trên. Lần này họ gửi mẫu đến một phòng thí nghiệm vi sinh học để tìm hiểu thêm.

Về phía bệnh nhân, sau 14 tháng kể từ lần đầu tìm gặp bác sĩ, cơ đau của bà đã đến mức gần như không thể chịu nổi, hình ảnh xét nghiệm cũng cho thấy sự tổn thương nặng nề ở phần đầu xương đùi gần với hông.

Cuối cùng, bằng một kỹ thuật phân tử gọi là PCR 16S, các nhà khoa học đã tìm ra nguồn gốc của vấn đề: Bệnh nhân đã bị nhiễm siêu vi khuẩn Capnocytophaga canimorsus. Tình trạng nhiễm khuẩn vô cùng hiếm gặp, đây là ca thứ 2 trên thế giới được công bố khi xảy ra trên cơ thể người đã thay khớp nhân tạo.

Thay khop hang nhan tao vi vet cao nho cua cho cung
 

Vi khuẩn Capnocytophaga canimorsus lây truyền từ chó mèo sang con người qua vết cắn có nước bọt của chúng, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm nội tâm mạc và nhiễm trùng mắt nếu không được kiểm soát.

Bệnh nhân cho biết bà đã bị chó cưng cào một vết ở mặt sau cánh tay khoảng 9 tháng trước khi bắt đầu xuất hiện cơn đau.

Các bác sĩ đặt giả thuyết rằng vi khuẩn Capnocytophaga canimorsus (vốn thường chỉ có mặt trong vùng miệng của những con chó) đã di chuyển từ miệng sang móng của con chó khi nó liếm chân. Điều này đã khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẫn sau khi bị chó cào.

Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng kháng sinh để diệt vi khuẩn, đồng thời phải thay khớp háng nhân tạo mới. 15 tuần sau khi phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân không còn cảm giác đau đớn ở hông như trước nữa.

Trường hợp này đã được báo cáo trên tạp chí y khoa BMJ Case Reports.

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI