Thắt chặt chi tiêu, dìu nhau qua đại dịch

26/08/2021 - 06:16

PNO - Sau ba tháng trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, nhiều người ở TPHCM đang có việc làm, thu nhập ổn định nay rơi vào cảnh túng thiếu do không còn thu nhập nữa. Ở một góc khác, trong khó khăn, các cư dân thành phố vẫn luôn sẵn sàng giúp nhau vượt qua những tháng ngày u ám.

Khổ như “nghèo đột xuất”

Cô bạn thời trung học của chúng tôi từ Florida (Mỹ) cho biết, mỗi ngày, cô gọi về thăm hỏi một người thân ở Việt Nam. Chúng tôi kể cho cô về hoàn cảnh Võ Quốc Huy, một bạn học chung lớp ngày xưa. Lâu nay, ai cũng biết Huy làm ăn đủ sống với hai quán bánh canh cua ở Q.10 và Q.11. Vợ con may mắn định cư nước ngoài trước đại dịch hồi năm ngoái, mình Huy ở lại điều hành quán xá. Từ ngày 31/5 đến nay, các cơ sở kinh doanh đóng cửa theo các chỉ thị giãn cách. Ba tuần nay, Huy thành người “nghèo đột xuất”, phải ăn gạo “cứu trợ” từ bạn bè. Dù đã được một chủ mặt bằng miễn phí toàn bộ tiền thuê nhưng Huy vẫn phải trang trải tiền ăn uống, điện, nước và chăm sóc cha.

“Mình nằm trong nhà, không dám đi đâu. Bữa giờ đang muốn biết nhận tiền hỗ trợ ở đâu, được nhiêu hay nhiêu. Đúng là oải thiệt, nhưng cũng còn cầm cự được, vẫn hơn nhiều người ở tỉnh đến đây làm” - Huy tâm sự. Theo Huy, cái khổ của người “bỗng dưng nghèo” là túng thiếu mà chả dám lên mạng hay gọi điện kêu ca với ai vì lúc này, hoàn cảnh ai cũng như ai.

Nhiều người nhận được hàng cứu trợ từ những ân nhân là những “người nghèo đột xuất” ở TP.HCM - ẢNH: Q.N.
Nhiều người nhận được hàng cứu trợ từ những ân nhân là những “người nghèo đột xuất” ở TPHCM - Ảnh: Q.N

Chị L.T.Q.N. - quê tỉnh Long An, tạm trú ở Q.Tân Phú - quyết định trả mặt bằng, thanh lý cửa hàng bán mũ bảo hiểm trên đường Âu Cơ, Q.11 từ tháng 6/2021: “Thiệt ra, từ đợt dịch đầu, việc làm ăn cũng đã ế ẩm rồi. Nhưng tôi ở lại Sài Gòn vì hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn”.

Nhiều tháng nay, gia đình chị N. phải lấy tiền tiết kiệm ra xài. Mọi chi tiêu đều phải dè sẻn, hạn chế, có gì ăn đó. Bình thường, chị gửi tiền về phụ gia đình hai bên nội ngoại nhưng nay, vợ chồng chị lại phải nhờ dưới quê “cứu trợ” nhu yếu phẩm.

Những trường hợp như anh Huy, chị N. vẫn còn “dễ thở” hơn nhiều người xa quê khác đang ở lại TPHCM.

Xoay xở và thắt chặt chi tiêu

Là một nhân viên địa ốc, nay anh Võ Đức (Q.11) nghỉ ở nhà, không hưởng lương. Mất thu nhập, anh “linh hoạt” nhận làm tài xế cho các “chuyến xe 0 đồng” của các nhóm từ thiện. Dù không có thù lao nhưng bù lại, anh cũng nhận được rau củ quả, cũng là một cách để có thực phẩm cho gia đình dùng. Còn lại, phải ăn vào tiền tiết kiệm, tiêu pha tằn tiện, cộng cả tiền điện, nước cũng cỡ 1 triệu đồng/tháng thôi: “Tôi ăn ngày hai bữa: sáng ăn cơm chiên trễ trễ tí để lướt qua cữ chiều; chiều độn thêm mì gói lướt qua tối”.

Trong đợt giãn cách mới, nhiều cư dân chia ngọt sẻ bùi cho nhau
Trong đợt giãn cách mới, nhiều cư dân "chia ngọt sẻ bùi" cho nhau

Cùng làm gia sư, vợ chồng Vũ Quốc Vân (Q.3) cũng mất việc ba tháng qua. Để vợ nghỉ thai sản cùng ba con ở nhà, anh Vân một mình ra đường bán rau. Sau hai lần bị phạt vì buôn bán tự phát, anh xoay qua đi giao thực phẩm online nhưng tiếp tục bị lập biên bản, giữ bằng lái xe. “Trong một tháng, tôi lãnh ba cái giấy phạt rồi, chắc lên nhờ chủ tịch phường xác nhận gia đình khó khăn để miễn đóng phạt quá. Tôi đồng ý chấp hành, nhưng còn phải nuôi bốn người nữa. Tôi mong dù giãn cách thế nào, cũng nên ưu tiên cho việc lưu thông hàng hóa” - anh Vân bày tỏ. 

Kể từ 0g ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, TPHCM tiếp tục tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đa số người dân hiểu rằng, tất cả nỗ lực của chính quyền các cấp là nhằm kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.

Trong đợt giãn cách mới này, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể các cấp, những cư dân trong thành phố tiếp tục “chia ngọt sẻ bùi” cho nhau dù có thể chưa từng quen nhau, cho dù mình cũng đang khó khăn. Tin nhắn trên group Zalo của các phụ huynh trong lớp các con cho tôi thấy điều đó: “Chị gì mẹ bé Thảo ơi, vợ chồng em làm công nhân, ở nhà ba tháng nay rồi. Em còn nuôi hai con nhỏ. Chị có thể giúp em ít rau với trứng để cầm cự qua dịch được không ạ? Em cảm ơn chị rất nhiều”. “Ok em, ngày mai có trứng về, chị sẽ nhắn em qua lấy nhé. Nhà chị cũng mấy tháng nay không có đồng vô đồng ra. À, còn có ít rau cải ngọt và gạo nữa. Mà sao em biết chị vậy?”. 

 Quốc Ngọc
 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI