Không đợi giàu mới miễn học phí, viện phí

11/04/2025 - 06:30

PNO - Dạy người và cứu người là 2 việc có thể làm tốt ngay mà không cần đợi đến khi lắm tiền, nhiều của.

Thông tin về mục tiêu miễn viện phí toàn dân trong tương lai gần được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, Bộ Chính trị quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên cả nước từ tháng 9/2025 trở đi.

Cần phải nói rằng, ở nước ta, cũng đã có những thời kỳ miễn viện phí cho toàn dân, như ở miền Bắc từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975 đến những năm 1980, nhưng chất lượng khám, chữa bệnh khi đó còn thấp.

Hiện nay, Nhà nước chưa đủ điều kiện ban hành chính sách miễn viện phí toàn dân ngay, nhưng đã cố gắng cho một số bộ phận nhân dân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) 100%. Từ năm 2024, ngành y tế TPHCM khám sức khỏe miễn phí 6 tháng/lần cho tất cả người từ 60 tuổi trở lên, không phân biệt thường trú hay tạm trú và mỗi năm, phải chi trả từ ngân sách 150 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, viện phí và học phí chiếm 30 - 35% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam. Nếu chính sách khám, chữa bệnh 0 đồng được hiện thực hóa như chính sách miễn học phí thì đây quả thật là niềm vui lớn lao cho những hộ có thu nhập thấp.

Khi miễn giảm học phí cho 23,2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, ngân sách sẽ phải chi trả thêm 30.000 tỉ đồng/năm, nên việc miễn viện phí cho hơn 100 triệu dân là thách thức rất lớn đối với toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hiện nay sức khỏe của người dân Việt Nam có quá nhiều chuyện không ổn, chẳng hạn như tốc độ già hóa dân số quá nhanh, mà người già Việt Nam lại có chất lượng sức khỏe rất thấp, mang nhiều bệnh nền; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn rất cao (17,5%). Chính vì thế, việc miễn viện phí cần được tính toán theo một lộ trình khoa học, hợp lý.

Trước mắt, có thể miễn, giảm viện phí cho việc khám bệnh, để giúp người dân biết được tình trạng sức khỏe của mình và phát hiện những loại bệnh có nguy cơ xuất hiện, còn chi phí điều trị vẫn phải theo BHYT và quy định của các bệnh viện bởi các bệnh viện khó mà choàng được. Tuy nhiên, nếu được thì có thể mở rộng thêm các đối tượng trong danh mục được BHYT chi trả 100%, trong đó ưu tiên trẻ em, tiến tới miễn chi phí điều trị các bệnh thông thường cho toàn dân.

Để có thể miễn viện phí toàn dân thì ngay từ bây giờ, ngành y tế và các ngành có liên quan cần phải có ý thức sâu sắc, thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo theo lộ trình và kế hoạch. Các trường đại học, cao đẳng phải cung cấp cho ngành y tế các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng không chỉ đáp ứng đủ số lượng mà còn chất lượng và đạo đức; các bệnh viện, cơ sở y tế phải được xây dựng khang trang, đúng chuẩn, được cung cấp các thiết bị, vật tư hiện đại, thuốc men không thiếu trước hụt sau…

Theo tính toán thì tổng chi tiêu cho dịch vụ khám, chữa bệnh (bao gồm cả Nhà nước và tư nhân) ở Việt Nam có thể trên 6% GDP mỗi năm. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch cân đối, phân bổ và thu chi ngân sách sao cho các bệnh viện có phần chi phí bù đắp vào khoản viện phí không còn nữa để chất lượng chăm sóc sức khỏe vẫn đảm bảo.

Có không ít ý kiến cho rằng, miễn viện phí là rất tốt nhưng phải đợi cho nước giàu lên mới thực hiện. Đúng là có nhiều nước phát triển cung cấp dịch vụ y tế 0 đồng nhưng cũng có nhiều nước thực hiện chế độ miễn phí khám, chữa bệnh cho toàn dân dù kinh tế còn khó khăn, như Cuba, Bắc Triều Tiên, Mexico.

Chúng ta vẫn là nước nằm trong tốp phát triển trung bình, nhưng việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân cho thấy tinh thần nhân văn cao cả, sự nỗ lực của Đảng và Chính phủ trong việc không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Dạy người và cứu người là 2 việc có thể làm tốt ngay mà không cần đợi đến khi lắm tiền, nhiều của.

Phó giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN MINH HÒA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI