TPHCM đẩy mạnh 4 dự án BOT và nhiều công trình trọng điểm

08/05/2025 - 10:28

PNO - Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh 38%. TPHCM đặt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công, ưu tiên các dự án hạ tầng trọng điểm.

Sáng 8/5, UBND TPHCM tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2025.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - bà Lê Thị Huỳnh Mai – cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 tăng ấn tượng tới 38% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng ghi nhận mức tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lại sụt giảm lần lượt 7,5% và 5,4% so với tháng trước. Dù vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu vẫn vượt mốc 16 tỉ USD, tăng 9,07%.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - bà Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: TTBC TPHCM
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - bà Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: TTBC TPHCM

Về thu ngân sách, TPHCM đã đạt 39% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương đạt 12,8% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. Thành phố cũng hoàn thành mục tiêu cải tạo 100% nhà tạm, nhà dột nát.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp là tiến độ giải ngân đầu tư công. Tính đến ngày 29/4, TPHCM mới giải ngân được 6.068 tỉ đồng, đạt 7,2% kế hoạch năm 2025. Theo bà Mai, thành phố đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% trong năm nay và phấn đấu đạt 100%.

TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến tháo gỡ vướng mắc cho các công trình trọng điểm, ban hành các văn bản chỉ đạo. Sở Tài chính cũng tích cực phối hợp với các quận, huyện và chủ đầu tư để nắm bắt cụ thể các khó khăn, kịp thời tham mưu cho UBND thành phố.

Trong năm 2025, nhiều dự án quan trọng sẽ được ưu tiên giải ngân như cao tốc TPHCM - Mộc Bài (dự kiến giải ngân 4.000 tỉ đồng trong tháng 6), cải tạo rạch Văn Thánh (5.561 tỉ đồng), cầu đường Bình Tiên (871 tỉ đồng), cùng 4 dự án BOT lớn với tổng vốn khoảng 35.000 tỉ đồng như quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13 và trục đường Bắc - Nam từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, lãnh đạo Sở Tài chính cũng thẳng thắn nhìn nhận loạt khó khăn đang tồn tại: ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, biến động thị trường tài chính, giá vàng và sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp mới thành lập (giảm 24,6%), vốn đăng ký cũng giảm tới 52,3%.

Trước thực trạng này, bà Mai kiến nghị các sở, ngành cần thực hiện nghiêm việc rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục đầu tư công – một yêu cầu đã được thành phố đặt ra từ năm 2024 nhưng đến nay vẫn còn nhiều dự án chưa đáp ứng.

Trong tháng 5, TPHCM xác định các nhóm giải pháp trọng tâm gồm: đẩy mạnh sắp xếp bộ máy hành chính 2 cấp, cải cách thủ tục, thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư, phát triển hạ tầng – đặc biệt là giao thông và nhà ở xã hội.

Thành phố cũng chú trọng đến phát triển khoa học công nghệ, cải thiện môi trường sống, đảm bảo quốc phòng – an ninh và tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các chính sách an sinh, giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục được triển khai một cách hiệu quả và toàn diện.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI