Kiến nghị xem xét giữ mô hình thành phố trong tỉnh

09/05/2025 - 06:30

PNO - Mô hình thành phố trực thuộc tỉnh đã có hàng chục năm qua và cách đây không lâu, còn có “thành phố trong thành phố”. Thành phố thuộc tỉnh từng được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển của các địa phương nhưng với chính quyền 2 cấp, mô hình này sẽ không còn.

Các đô thị trong tỉnh từng là lực kéo

Ngày 6/5, Quốc hội chính thức lấy ý kiến nhân dân về nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Một trong những nội dung được sửa đổi trong Hiến pháp là quy định “các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội ngày 7/5, mô hình hành chính mới được đề xuất chỉ còn 2 cấp nhằm tinh gọn bộ máy, gồm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp xã, phường thuộc tỉnh, thành phố. Như vậy, mô hình chính quyền đô thị sẽ chấm dứt hoạt động.

TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước - được kỳ vọng trở thành động lực phát triển mới của TPHCM - ẢNH: MINH AN
TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước - được kỳ vọng trở thành động lực phát triển mới của TPHCM - ẢNH: MINH AN

Việt Nam có 85 thành phố, 53 thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố và 2 đô thị đặc biệt (thành phố thuộc thành phố) là Thủ Đức (TPHCM) và Thủy Nguyên (TP Hải Phòng). Nhiều chuyên gia nhận định, trong chiều dài phát triển của đất nước, các đô thị này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở các địa phương, trở thành động lực phát triển của địa phương. Thậm chí, những đô thị này còn đóng vai trò là “lực kéo” với các tỉnh lân cận trong liên kết vùng.

Là “thành phố trong thành phố”, TP Thủ Đức chỉ mới được thành lập ngày 1/1/2021, được kỳ vọng trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế TPHCM, vùng đô thị TPHCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển, bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới là trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Trong kỳ họp thứ 22, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 34 phường thuộc TP Thủ Đức được sắp xếp lại thành 12 phường mới.

Sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, TP Hạ Long vừa là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, vừa là trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Theo phương án của HĐND tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long dự kiến từ 30 đơn vị hành chính sắp xếp thành 11 đơn vị. Tương tự, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) có diện tích nhỏ nhưng là điểm đến yêu thích của du khách quốc tế.

Năm 2024, theo đánh giá của một tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ, Hội An đứng thứ tư trong hạng mục “25 thành phố đẹp nhất thế giới”. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam mới đây xác định, TP Hội An có 13 xã, phường, sắp xếp còn 3 phường và 1 xã.

Cần xây dựng cụm đô thị để tạo quả đấm kinh tế

Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, mô hình thành phố thuộc tỉnh đã chứng minh hiệu quả. Việc chia nhỏ các đô thị thành nhiều phường có thể làm mất đi động lực phát triển của địa phương. Một số ý kiến đề xuất, khi xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, nên chuyển nguyên trạng các đô thị này thành cấp cơ sở.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, chuyển nguyên trạng các thành phố thành xã, phường chưa hoàn toàn phù hợp với mô hình mới đang xây dựng: “Nếu chuyển cả một thành phố thành phường thì quy mô quá lớn. Khi đó, yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp phường sẽ vượt quá khả năng của người đứng đầu cấp này”.

Theo ông, trước mắt, nên tách các thành phố thành một số xã, phường để quản lý. Trong tương lai, khi ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, đồng bộ, cải cách bộ máy tốt rồi thì có thể sáp nhập lại thành các đơn vị có quy mô lớn hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) đánh giá, nhiều thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam đã có quá trình hình thành lâu dài, từ nông thôn lên thị trấn, từ thị xã lên thành phố. Đây cũng là mô hình phổ biến trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương.

Với đề xuất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì cấp huyện bị xóa bỏ, các thị xã, thành phố thuộc tỉnh hay thuộc thành phố sẽ không còn. Cả nước chỉ còn 6 đô thị lớn trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ. Khi đó, yếu tố đô thị trong lòng các tỉnh còn lại sẽ ra sao? Nếu xem các thành phố, đô thị thuộc tỉnh như các phường riêng lẻ là chưa hợp lý.

Theo ông, dù chia TP Vinh, TP Thủ Đức, TP Cần Thơ thành nhiều phường thì các thành phố này vẫn là một thể thống nhất, tạo ra liên kết về hạ tầng, chức năng, dịch vụ, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, các đô thị này có chức năng lan tỏa về kinh tế đối với phần còn lại của tỉnh, thành phố, thậm chí cả nước.

Do đó, khi mô hình chính quyền đô thị không còn thì làm sao để phát huy được những nguồn nội lực sẵn có này? Ông nói: TP Thủ Đức có hàng chục phường, nếu không có cơ chế quản lý thống nhất thì sẽ rất khó điều phối hiệu quả.

Ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, ban soạn thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nên nghiên cứu về vấn đề này. Theo ông, khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, cần xây dựng cụm đô thị để tạo sức mạnh như “quả đấm kinh tế” của địa phương. Cụm đô thị này có chức năng tương đương với các thành phố cũ. Nghĩa là, UBND các tỉnh, thành phố không chỉ chỉ đạo các phường riêng lẻ mà phải chỉ đạo liên phường như với các đô thị cũ.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI