Kênh nội đô đẹp nhất TPHCM ngập cá chết, bốc mùi hôi nồng nặc

08/05/2025 - 13:32

PNO - Gần đây, trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua các quận trung tâm TPHCM cá chết trắng mặt kênh, hàng triệu con ngoi lên đớp khí...

Những ngày đầu mùa mưa, tình trạng cá chết hàng loạt lại tái diễn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn qua các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận.

Theo ghi nhận sáng 8/5, hàng loạt xác cá lớn nhỏ, chủ yếu là rô phi, diêu hồng, cá chép trương phình, nổi trắng mặt nước kéo dài hơn 5km từ cầu Thị Nghè đến cầu Công Lý.

Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua các quận trung tâm như: Quận 1, 3 và Phú Nhuận - Ảnh: Vũ Quyền
Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua các quận trung tâm như quận 1, 3 và Phú Nhuận - Ảnh: Vũ Quyền

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất được ghi nhận tại khu vực cầu Điện Biên Phủ, cầu Hoàng Hoa Thám và cầu Kiệu, nơi mật độ cá chết dày đặc, lẫn trong rác thải và lục bình. Mùi hôi từ xác cá phân hủy bốc lên nồng nặc khiến nhiều người đi đường phải bịt kín khẩu trang, thậm chí dùng tay che mũi để tránh ngộp thở.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – người dân sống gần cầu Kiệu, chia sẻ: “Từ sáng sớm, tôi thấy cá chết nổi khắp mặt kênh. Ngoài ra, cá sống cũng ngoi lên mặt nước đớp khí dày đặc, có thể do nước kênh thiếu oxy sau trận mưa lớn tối qua”.

Các loại cá chết chủ yếu là rô phi, diêu hồng, chép, nhiều con có kích thước lớn hơn cả bàn tay, lẫn trong rác thải và lục bình trôi dạt - Ảnh: Vũ Quyền
Các loại cá chết chủ yếu là rô phi, diêu hồng, chép, nhiều con có kích thước lớn hơn cả bàn tay, lẫn trong rác thải và lục bình trôi dạt - Ảnh: Vũ Quyền
Hiện các đơn vị chức năng đang phối hợp thu gom cá chết và theo dõi diễn biến môi trường nước để có biện pháp ứng phó kịp thời - Ảnh: Vũ Quyền
Hiện các đơn vị chức năng đang phối hợp thu gom cá chết và theo dõi diễn biến môi trường nước để có biện pháp ứng phó kịp thời - Ảnh: Vũ Quyền

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua nhiều quận nội thành và đổ ra sông Sài Gòn. Sau khi được cải tạo vào đầu những năm 2010, tuyến kênh này từng là điểm nhấn cảnh quan của thành phố. Tuy nhiên, năm nào vào đầu mùa mưa, hiện tượng cá chết cũng xuất hiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống người dân ven kênh.

Trường hợp nghiêm trọng nhất từng xảy ra vào năm 2016, khi công nhân môi trường phải vớt đến 70 tấn cá chết, buộc ngành chức năng phải rải hóa chất để xử lý và cảnh báo người dân không sử dụng cá.

Những năm sau đó, thành phố đã đầu tư không ít ngân sách để xử lý nước, tái tạo nguồn thủy sinh, song tình trạng ô nhiễm cục bộ vẫn tái diễn mỗi khi thời tiết chuyển mùa.

Vũ Quyền - Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI