Không muốn mang tiếng ở nhờ nhà chồng

07/05/2025 - 18:00

PNO - Hôn nhân không chỉ cần tình yêu mà cần cả sự thấu hiểu, tôn trọng và có thể lắng nghe nhau trong những vấn đề khác biệt.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và bạn trai đã đính hôn, dự định vài tháng nữa sẽ cưới. Gần đây, khi bàn chuyện sau cưới sẽ ở đâu, anh ấy nói sẽ về sống trong căn nhà bố mẹ để lại cho anh. Em có hỏi rõ là nhà đó đứng tên ai, nếu sau này là nhà chung thì có thể làm giấy tờ đồng sở hữu không.

Em nói thẳng rằng em không thích cảm giác mình chỉ là “người ở nhờ” trong nhà của chồng. Anh ấy nghe vậy thì giận, bảo em thực dụng, chưa cưới đã nghĩ chuyện chia chác tài sản. Trong khi đó, em chỉ mong có cảm giác an toàn, được coi là một phần thực sự trong tổ ấm chung.

Bây giờ, em cảm thấy rất buồn và băn khoăn, không biết mình có sai khi đề cập chuyện đó. Theo chị, phụ nữ có nên đặt vấn đề như vậy trước khi cưới? Làm sao để bạn trai hiểu rằng em không tham lam mà chỉ muốn được tôn trọng?

Thanh Tuyền

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Thanh Tuyền thân mến,

Câu hỏi của em rất thực tế. Đây là vấn đề khá nhiều người nghĩ tới nhưng không phải ai cũng thẳng thắn đặt ra câu hỏi như em khi chuẩn bị kết hôn.

Em dám thành thật với cảm xúc, mong muốn của bản thân và đề cập với người yêu là không sai. Đây là điều cần thiết trong việc xây dựng nền tảng vững chắc, minh bạch, bình đẳng trong hôn nhân.

Nỗi lo lắng của em về vị trí của mình trong mái ấm tương lai, khi căn nhà thuộc quyền sở hữu của chồng, theo Hạnh Dung cảm nhận, không phải là do em tham lam, muốn giành phần, chia chác. Thật ra, được nhìn nhận là thành viên bình đẳng trong gia đình là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người khi bước vào hôn nhân. Không hiếm cặp khi về sống ở nhà của chồng hay của vợ, lúc cơm không lành canh không ngọt, người chồng/vợ có thể buông những câu vô cùng phũ phàng, kiểu như: "Đây là nhà tôi, tôi có quyền...".

Thậm chí, chuyện đuổi vợ hay chồng ra khỏi nhà trong đêm tối hay mưa gió cũng từng xảy ra với nhiều người. Chỉ khi đó, người bị sỉ nhục, xua đuổi mới thấu hiểu cảnh "ở nhờ".

Nếu bạn trai em cho rằng em thực dụng, có thể vì cách diễn đạt của em. Em hoàn toàn có thể chia sẻ lại bằng sự chân thành và nhẹ nhàng rằng em không đòi hỏi giấy tờ tài sản mà chỉ mong muốn được góp công, góp của để hoàn thiện mái ấm chung.

Em cũng có thể đề nghị cả hai cùng tìm giải pháp, ví dụ đóng góp chi phí sửa/trang trí nhà hay cùng bàn bạc về kế hoạch tài chính chung. Điều đó thể hiện rõ sự nghiêm túc chứ không phải toan tính.

Từ "thực dụng" bạn trai dành cho em là lời đánh giá khá nặng nề, tàn nhẫn. Nó nói lên sự khác biệt trong suy nghĩ giữa em và người ấy ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân.

Nếu sau khi em đã cố gắng giải thích, anh ấy vẫn chỉ nhìn nhận lời em dưới góc nhìn như trước, em cũng cần cân nhắc: liệu mình có thể hạnh phúc bên một người không hiểu được mong muốn sâu xa, chính đáng của mình.

Hôn nhân là sự gắn kết cả trái tim và lý trí. Hôn nhân không chỉ cần tình yêu mà cần cả sự thấu hiểu, tôn trọng và có thể lắng nghe nhau trong những vấn đề khác biệt, dù có khó nói đến đâu, em nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
  • Bích Ngô Cách đây 18 giờ

    Thì em mua nhà riêng mà ở!

  • Quỳnh Cách đây 19 giờ

    Không muốn mang tiếng thì mình chủ động góp công góp của là được.

  • Minh Ngoc Nguyen Cách đây 20 giờ

    Tôi là phụ nữ mà nghe không lọt tai, không chấp nhận nổi câu chuyện của chị. Chị đòi sở hữu tài sản mình không đóng góp công sức làm ra, đòi đứng tên tài sản ba mẹ anh ấy đổ mồ hôi nước mắt gầy dựng. Nếu chị không muốn mang tiếng ở nhờ nhà chồng thì chị nên bàn bạc để cả hai ra riêng thuê nhà mà ở hoặc tự tiết kiệm mà mua nhà riêng. Đây là sự liêm sỉ, tự trọng chị ạ. Anh ấy dùng chữ thực dụng là còn nhẹ nhàng đấy.

  • Đặng Tâm Cách đây 20 giờ

    Cái gì không phải công sức của mình đóng góp mà lại đi đề nghị thẳng thắn như thế thì được hiểu là thực dụng cũng đâu có sai. Tốt nhất không muốn bị hiểu sai thì cái đầu cũng đừng lan man sai vấn đề, còn nếu sau này khi nào cãi nhau bị đuổi thì đó là câu chuyện mình phải biết ăn nói và cư xử ra sao trong tình huống đó cho hợp lý.

  • Đ.Quốc Cách đây 22 giờ

    Là tôi thì tôi cũng nghĩ như anh ấy đấy, chị ạ!

  • Huỳnh Cách đây 2 ngày

    Thật ra tôi thấy chồng chị dùng từ thực dụng cũng không sai.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI