Nỗi bực tức mang tên "chồng không đưa tiền cho vợ”

09/05/2025 - 06:00

PNO - Chồng tôi, từ một người nộp lương đều đặn 90% cho vợ, bỗng dưng trở chứng bo bo giữ tiền

Vợ chồng sóng gió  vì mâu thuẫn tiền bạc. Ảnh minh họa Freepik
Vợ chồng sóng gió vì mâu thuẫn tiền bạc (ảnh minh họa: Freepik)

Vợ chồng tôi thời gian gần đây cứ như nước với lửa, nói với nhau được vài câu đã căng thẳng. Nguyên nhân chỉ vì chuyện tiền bạc.

Chồng tôi, từ một người nộp lương đều đặn 90% cho vợ, bỗng dưng trở chứng giữ khư khư. Cái cảnh chồng vừa nhận lương là tiếng “ting ting” tin nhắn báo anh chuyển khoản cho tôi đã đi vào dĩ vãng. Sau cú sốc buôn bán thua lỗ của tôi, chồng tuyên bố xanh rờn: “Từ nay, thu nhập của ai người đó giữ, anh lo tiền điện, tiền học cho con. Còn em lo cơm nước”.

Cái cảm giác tiền của chồng như một bí mật mà không được “sờ” vào, nhất là những lúc túng thiếu, khiến tôi đau lòng và tức tối. Những cuộc cãi vã nổ ra như cơm bữa, tôi đã bao lần gõ đơn ly hôn, rồi lại hủy vì chẳng lẽ ghi cái lý do “chồng không đưa tiền cho vợ giữ”.

Chị gái tôi khuyên: “Thôi kệ, chồng em lo học hành con cái chu đáo và nó tiết kiệm không dám tiêu xài, nên coi như đó là của để dành cho tụi nhỏ đi”.

Tôi tự nhủ “trời không chịu đất thì đất chịu trời”. Thế là tôi tập quen với việc chỉ xài tiền mình làm ra. Nói thì dễ, nhưng đôi lúc nhìn bạn bè được chồng "nạp" lương đều đặn, thoải mái chi tiêu, tôi lại không khỏi chạnh lòng, thậm chí nổi điên. Có lần tôi còn mắng chồng: “Ông để dành tiền chết nhớ mang theo nghen!". Chồng tôi chỉ im lặng, không nói lại một lời

Gần đây, cơ quan tôi rục rịch tinh giản biên chế, tôi nằm trong nhóm có nguy cơ cao. Nỗi lo lắng mất việc khiến tôi mất ăn mất ngủ. Tôi lớn tuổi, lập gia đình muộn, con cái đang tuổi ăn tuổi lớn (đứa lớp 6, đứa lớp 8), chặng đường học hành của chúng còn dài phía trước. Tôi cũng còn khoản nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng khi dốc hết vốn liếng đầu tư mua đất. Ai ngờ, miếng đất đó lại vướng quy hoạch treo, tiền gốc và lãi mỗi tháng gần 20 triệu đồng đè nặng lên vai tôi (khoản nợ này chồng tôi không đồng ý ngay từ đầu nên tôi tự gánh).

Bao thứ đổ dồn khiến tôi như ngồi trên lửa, vắt óc tính kế mưu sinh, nghĩ đến cảnh nghỉ việc rồi thì bán hàng online, buôn thúng bán mẹt ngoài vỉa hè…

Biết ơn chồng vì đã lo liệu đường dài. Ảnh minh họa Cavas
Biết ơn chồng vì đã lo liệu đường dài (ảnh minh họa: Cavas)

Trong lúc tôi rạc người vì lo toan, chồng tôi bất ngờ tuyên bố: “Nghỉ việc thì em ở nhà cơm nước, đưa đón con đi học, anh lo được”. Tôi sững người, cảm giác y lần anh thông báo “tiền ai nấy xài”. Tôi hỏi chồng đã tích lũy được bao nhiêu tiền, anh nhất định không hé lộ, chỉ nói: “Em chỉ cần biết anh có thể lo được, là được rồi. Đây là lý do lâu nay anh không đưa tiền cho em, em xài tiền không kế hoạch, làm ăn không tính toán kỹ, núi cũng lở”.

Lần đầu tiên tôi bị chồng trách mà không hề quạu, không hề tranh cãi. Lời khẳng định chắc nịch của chồng như một phép màu, trút bỏ gánh nặng ngàn cân trong lòng tôi. Chị gái tôi nói: “Đúng là may khi nó không đưa tiền cho vợ”.

Sự oán trách, giận hờn vì chồng “bo bo” giữ tiền bỗng tan biến, thay vào đó là cảm giác biết ơn. Hóa ra, chồng tôi đã đoán trước sự vung tay quá trán của tôi để tính toán cho cả gia đình, âm thầm chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Nhờ sự “keo kiệt” của chồng hơn chục năm, mà hôm nay, anh có thể một mình “gánh team” gia đình 4 người.

Qua chuyện của mình, tôi nhận ra, trong những quyết định có vẻ khó hiểu của chồng, chúng ta đừng vội vàng kết tội. Biết đâu, ẩn sau đó là một món quà bất ngờ, một sự bảo vệ âm thầm mà bạn chưa từng nghĩ tới...

Trần Hà Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI