Gót chân Achilles của chồng

08/05/2025 - 06:00

PNO - Ai cũng có khuyết điểm nhưng cách mỗi người nhìn nhận khuyết điểm rất khác nhau. Người thì cố sửa chữa hoặc học cách chấp nhận, người thì che đậy.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chỉ còn vài tháng nữa là đứa lớn vào đại học. An hỏi con đã chọn được trường nào, con hào hứng kể tên vài trường có thế mạnh về công nghệ mà con đang cân nhắc. Tiến liền xen vào: “Thi y cho ba. Nhà có bác sĩ sẽ có cảm giác an toàn. Ba cũng hãnh diện với người ngoài”.

Con trai rụt rè phản đối. An cũng ủng hộ con được học ngành con thích. Tiến gay gắt: “Trong nhà này ai là trụ cột?”. Con trai bí xị đầy bất mãn. An ngồi lặng nhìn chồng giận dữ quát tháo, nghe nỗi thất vọng, chán chường ngập trong lòng.

Ngày trước, Tiến là người đàn ông chu đáo, nhẹ nhàng với vợ con. Giờ, anh trở nên cộc cằn và gia trưởng đến mức vô lý. Tiến muốn chứng tỏ sự mạnh mẽ và bản lĩnh nhưng bản thân không có thực lực nên phải dùng cách quát nạt để thị uy khiến An và con luôn bất mãn.

Thời đi học, Tiến luôn là sinh viên xuất sắc. Ra trường, Tiến nhanh chóng xin được việc ở công ty danh giá nên sớm tự mãn và bằng lòng với bản thân. Cơ quan An có chính sách học bổng cho nhân viên theo học cao học. Tiếc cơ hội, An quyết định đi học. Tiến ra sức ngăn cản, còn mỉa mai: “Em đi học cũng như vẽ rắn thêm chân, ai thèm trọng dụng mà ảo tưởng”. Tiến còn cảnh báo nếu An đi học phải tự thu xếp việc nhà, anh không rảnh để gánh vác. Nghĩ đến tương lai, An quyết tâm chấp nhận thử thách.

Những ngày đi học, 4g sáng An đã dậy nấu ăn cho cả ngày. Chiều, An rước con rồi gửi ở nhà ngoại. Cô ăn qua loa rồi chạy tới trường. 22g tan học, An chạy tới nhà ngoại đón con. Có bữa con ngủ gục trong lòng An. Gặp bữa trời mưa, cả mẹ lẫn con ướt lướt thướt. Mở cánh cửa nhà, đập vào mắt An là chén dĩa đầy bồn rửa, nhà cửa chưa lau, áo quần chưa giặt. Tiến thì ngồi xem ti vi. Anh đã không gánh đỡ khi khó khăn còn chất thêm gánh nặng cho đường cô đi thêm gập ghềnh.

Rồi cũng đến lúc An nhận bằng tốt nghiệp. An có thời gian chăm sóc gia đình nên nhà cửa lại yên ấm. 2 năm sau, An lên chức trưởng phòng, lương gấp đôi lương Tiến.

Tiến chẳng kịp để An hãnh diện, liền phủ đầu: “Xuất phát điểm của em không bằng anh, giờ chỉ có cái danh hão, đừng lên mặt”. An ngơ ngác nhìn chồng, nghe những yêu thương, tôn trọng dành cho chồng từng giọt từng giọt dần vơi cạn.

Lần này, việc chọn trường của con liên quan tới tương lai con nên An quyết không nhượng bộ. Mỗi người đều có quyền được học và làm nghề mình thích. Nếu chọn sai sẽ thất bại một đời. Trong hôn nhân cũng vậy, nếu nhận ra cá tính của đối phương không phù hợp thì cần sửa chữa để không lún sâu vào bi kịch.

“Em có thể chấp nhận anh là người không hoàn hảo nhưng tình thương và sự tôn trọng vợ chồng dành cho nhau phải hoàn hảo. Em đang cân nhắc xem có nên sửa chữa sai lầm trong hôn nhân giữa anh và em” - Tiến chưng hửng khi thấy thái độ rất quyết liệt và dứt khoát của An.

Mấy hôm liền, Tiến ngồi trầm ngâm ở ban công. Ai cũng có khuyết điểm nhưng cách mỗi người nhìn nhận khuyết điểm rất khác nhau. Người thì cố sửa chữa hoặc học cách chấp nhận, người thì che đậy. Tiến thuộc kiểu thứ hai. Tiến cố che giấu gót chân Achilles, ai đụng vào là xù lông lên bảo vệ, bất chấp đúng sai.

Những ngày sau đó, khi An về muộn, Tiến tự giác làm việc nhà. Những quyết định quan trọng trong gia đình, Tiến không còn tự quyết mà luôn bàn bạc với vợ. Chồng chịu xuống nước, An cũng không lấn tới, cố hàn gắn gia đình để con cái còn một mái nhà. An chỉ tiếc đã không bày tỏ quan điểm với chồng sớm hơn. Cô nhận ra phụ nữ đôi khi cần mạnh mẽ chứng tỏ bản thân, đừng lúc nào cũng nhún nhường, lùi phía sau chồng để rồi ấm ức, tiếc nuối.

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI